Nên giáo dục TRẺ càng sớm càng tốt

Giáo dục trẻ là công việc muôn thuở của những ông bố, bà mẹ, của những người lớn là thầy cô giáo, người thân và xã hội. Tuy nhiên việc giáo dục trẻ từ xưa đến nay không hề đơn giản và dễ dàng. Trong lịch sử giáo dục căn bản tồn tại hai quan niệm giáo dục trẻ trong những tháng năm đầu đời. Một quan niệm chủ trương giáo dục khi trẻ 7-8 tuổi, quan niệm ngược lại thì cho rằng nên giáo dục trẻ sớm hơn, khoảng từ 0-6 tuổi. Bài viết sẽ đề cập đến giáo dục trẻ theo quan điểm thứ hai, giáo dục sớm.

1. Trên thế giới đã có những nghiên cứu và thực tế chứng minh rằng, việc giáo dục trẻ sớm có vai trò quan trọng, quyết định đến cuộc đời con người. Chẳng hạn, trong cuốn sách “Thiên tài & sự giáo dục từ sớm” của Kimura Kyuichi nói đến nhiều trường hợp trẻ nhờ có sự giáo dục sớm của cha mẹ đã phát triển thành những tài năng nổi bật (thiên tài). Một trong số đó là cậu thiếu niên 15 tuổi đã tốt nghiệp trường Đại học Harvard – William James Sidis, con trai của một nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ – Boris Sidis.

Thành tích học tập của William được coi là hết sức kỳ diệu. William bắt đầu được học tập khi cậu 18 tháng, đến 3 tuổi thì đã biết đọc, biết viết tiếng mẹ đẻ. Lên 5 tuổi, khi nhìn thấy tiêu bản của một bộ xương trong nhà cậu đặc biệt hứng thú với cấu tạo cơ thể người và bắt đầu học môn Sinh lý học. Không lâu sau cậu đã đạt được học vấn tương đương với người có chứng chỉ hành nghề y.

Năm lên 6 tuổi, William đến trường tiểu học cùng những đứa trẻ khác. Ngay trong năm đó, cậu bé đã học xong chương trình tiểu học. Khi lên 7 tuổi, William muốn học tiếp trung học nhưng vì còn nhỏ nên bị từ chối và phải học tập tại gia. Ở nhà, cậu tự học chủ yếu môn toán bậc trung học. Năm lên 8, cậu vào trường trung học, môn nào cũng đạt kết quả xuất sắc. Đối với môn toán cậu có thể giúp thầy sửa bài cho những học sinh khác.

Trong thời gian này, William đã viết sách về Thiên văn học, ngữ pháp tiếng Anh và sách giáo khoa tiếng La-tinh. Tất cả kiến thức ở bậc trung học cậu đều nắm vững và chẳng mấy chốc đã tốt nghiệp. Từ đó trở đi tên tuổi của cậu bắt đầu lan rộng. Nhiều người gần xa tìm đến nhà cậu để kiểm chứng và tất cả đều rất khâm phục tài năng của William.

Một giáo sư dạy ở Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) đã chất vấn William bằng một câu hỏi khó trong đề thi lấy bằng tiến sỹ của mình tại Đức. Chỉ trong nháy mắt, cậu đã có câu trả lời, bấy giờ William mới 9 tuổi. Sau đó, William tự học ở nhà và đến 11 tuổi thì vào học tại Đại học Harvard. Không lâu sau cậu đã tham gia diễn thuyết về đề tài Không gian bốn chiều – một vấn đề rất khó của toán học – và đã khiến các giảng viên hết sức ngạc nhiên.

Năm 12 tuổi, William rất tâm đắc với cuốn Thiên tài và người bình thường của bố cậu. Cậu rất giỏi về thiên văn học và toán cao cấp, những thứ mà nhiều học giả thời đó cảm thấy đau đầu. Đặc biệt hơn, William còn thuộc cả bản gốc bộ sử thi Iliade và Odysée viết bằng tiếng Hy Lạp.

Cậu còn rất giỏi các ngôn ngữ cổ xưa. Những tác phẩm của các nhà hài kịch Hy Lạp cổ đại như Sophocles, Euripides, Aristophanes… William đều đọc và hiểu dễ dàng chẳng khác gì cuốn truyện phiêu lưu Robinson Crusoe mà những đứa trẻ khác vẫn đọc.

Cậu cũng nắm rõ về thần thoại và ngôn ngữ so sánh, lý luận học, lịch sử cổ đại, lịch sử nước Mỹ… đồng thời còn am hiểu chính trị và hiến pháp của các quốc gia khác. Với trình độ đó, William đã tốt nghiệp đại học loại xuất sắc và tiếp tục học để lấy bằng tiến sỹ.

Ngoài William, sách còn kể đến một số thiên tài khác cũng được giáo dục, đào tạo từ rất sớm. Đó là Adoref Augustus Berle, 13 tuổi rưỡi vào học Đại học Harvard và chỉ học trường này có 3 năm đã tốt nghiệp. Hay Norbert Wiener, con trai của tiến sỹ ngôn ngữ Slavơ vào học ở trường Đại học Taft từ năm 10 tuổi, đến 14 tuổi thì tốt nghiệp và học tiếp cao học tại Harvard, về sau đỗ tiễn sỹ năm 18 tuổi.

Trên thế giới còn nhiều trường hợp xuất sắc khác cũng do được giáo dục đào tạo sớm theo đúng cách tạo nên.

Điển hình là trường hợp nhà Luật học người Đức Karl Witte. Witte sinh tháng 7 năm 1800 tại vùng Hale của nước Đức. Cha ông chỉ là mục sư ở một làng quê bình thường, nhưng là người có nhiều sáng kiến trong dạy con khiến mọi người rất nể phục.

Cha Witte cho rằng cần phải giáo dục con ngay từ khi còn là đứa trẻ sơ sinh. Theo cách nói của ông “giáo dục con trẻ phải bắt đầu từ buổi bình minh của nhận thức”. Ông tin rằng, làm như vậy “đứa trẻ sẽ trở thành phi phàm”.

Theo cách này, năm lên 8-9 tuổi, cậu bé Witte đã thông thạo sáu thứ tiếng: Đức, Pháp, Ý, La-tinh, Anh và Hy Lạp. Cậu còn biết cả về động vật học, thực vật học, vật lý, hoá học và đặc biệt là toán học.

Năm 9 tuổi, Witte đã thi đậu vào trường Đại học Leipzig và tháng 4-1814, khi chưa đầy 14 tuổi, Witte đã bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ về đề tài toán học. Sau đó Witte nhận bằng tiến sỹ triết học, luật học năm 16 tuổi và được bổ nhiệm làm giảng viên luật ở Đại học Berlin…

Nhiều người khi đọc đoạn mô tả trên sẽ nghĩ rằng đó là những thần đồng, những thiên tài vừa mới lọt lòng. Kỳ thực khi khảo sát và suy ngẫm kỹ càng sẽ nhận ra không phải vậy.

Những trường hợp trên không phải sinh ra đã là thần đồng hay thiên tài. Họ là kết quả của nhiều nền giáo dục khác nhau, là những anh tài do được giáo dục từ rất sớm, khi mới lọt lòng.

Cha của Witte đã ghi lại tất cả những phương pháp mà ông đã áp dụng trong quá trình dạy dỗ con mình từ khi ra đời đến năm 14 tuổi và chỉnh lý, biên soạn thành cuốn sách nổi tiếng – “Phương pháp giáo dục của Witte” (1818). Sách ra đời cách nay gần 200 năm (hiện chỉ còn một cuốn của thư viện trường Đại học Harvard), nhưng giá trị của nó thì không cần bàn cãi.

Những “thiên tài” được giới thiệu trong phần đầu bài viết đều được cha mẹ họ sử dụng các phương pháp giáo dục trẻ được nêu trong cuốn sách này.

2. Quan điểm giáo dục trẻ sớm tạo ra thiên tài xuất hiện từ lâu và đã được thực tế kiểm chứng. Theo quan điểm này trong khoảng đầu đời, từ 0-6 tuổi là “thời kỳ vàng” của trẻ. Nếu các bậc cha mẹ, giáo viên biết nắm lấy và triển khai việc giáo dục sớm theo đúng phương pháp sẽ giúp trẻ phát triển, phát huy được thế mạnh trí não để trở thành những tài năng nổi bật.

Cơ sở của thuyết giáo dục sớm dựa trên các kết quả nghiên cứu về sự phát triển của hệ thần kinh. Theo nhiều tài liệu, trí thông minh (IQ) của con người được quyết định bởi não bộ, mà não bộ của trẻ lại phát triển chủ yếu trong giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi. Vì vậy, việc giáo dục nên bắt đầu ngay trong giai đoạn đầu tiên này.

Cụ thể hơn, đứa trẻ sinh ra sẵn có 100 phần năng lực, để tự nhiên thì nó chỉ có thể phát triển được 20-30 phần. Nhưng nếu được giáo dục tốt có thể khi trưởng thành năng lực sẽ phát triển đến 60-70 phần, thậm chí tốt hơn là 80-90 phần. Lý tưởng nhất khi giáo dục để trẻ phát huy được đủ 100 phần năng lực vốn có.

Thực tế năng lực của trẻ tồn tại theo quy tắc giảm dần: Nếu được giáo dục đúng cách từ khi sinh ra có thể đạt đủ 100 phần, nhưng nếu bắt đầu khi trẻ 5 tuổi thì dù có làm tốt đến mấy cũng chỉ phát huy được 80 phần, còn nếu bắt đầu từ 10 tuổi thì tối đa chỉ được 60 phần. Nghĩa là thời điểm bắt đầu càng muộn thì khả năng phát huy năng lực sẵn có của trẻ càng giảm.

Trong giai đoạn từ 0-6 tuổi, dù trên phương diện tâm lý hay sinh lý, việc giáo dục tốt sẽ ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến cấu trúc và chức năng não bộ của trẻ.

GS Kaspyi cùng các nhà nghiên cứu của Học viện Quốc gia London khi tiến hành điều tra đối với 1000 em bé trong vòng 25 năm (1980-2005) nhận thấy “Mọi lời nói, hành động của những đứa trẻ hồi nhỏ phản ánh rõ tính cách của chúng khi trưởng thành”.

GS Kaspyi kết luận: “Tất cả mọi chuyện đã trải qua hồi còn nhỏ của một người đều được đại não ghi nhận lại, và trở thành mấu chốt ảnh hưởng đến việc phát triển tính cách sau này. Điều đó có nghĩa là thời kỳ quan trọng đối với việc hình thành tính cách và bồi dưỡng năng lực của trẻ nằm ngay trong giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi. Nhu cầu đòi hỏi của trẻ trong giai đoạn này rất mạnh, dưới sự thúc đẩy của việc tò mò muốn khám phá thế giới xung quanh, trẻ con còn có thể tiếp nhận tất cả các loại kiến thức khác nhau. Tính cách của trẻ giống như một hạt giống, nếu được gieo trồng trong môi trường đất thích hợp và được hấp thu những chất dinh dưỡng có lợi, chắc chắn nó sẽ phát triển thành một cây xanh tươi tốt, có khả năng sống bền vững”.

Nhà Tâm lý học người Mỹ – Benjamin Bloom cũng đã tổng kết thành tựu của ngành Tâm lý học về mức độ thông minh của con người. Theo ông, nếu giả sử lấy IQ của đứa trẻ 17 tuổi ứng với IQ của người trưởng thành là 100% thì sự phát triển của đứa trẻ 4 tuổi sẽ là 50%, 8 tuổi là 80%, 12 tuổi là 90% và 13 tuổi là 92%.

Các số liệu này được thể hiện trên biểu đồ cho thấy tốc độ phát triển về trí thông minh không đồng đều, 4 năm đầu phát triển rất nhanh, 4 năm tiếp theo giảm dần và 4 năm sau đó thì chậm hẳn. Điều này chứng tỏ tốc độ phát triển trí thông minh khi tuổi càng nhỏ sẽ càng nhanh.

Theo khoa học nghiên cứu về thần kinh con người, cơ sở cấu trúc não của trẻ là do gien của cha mẹ quyết định, nó sẽ cung cấp một mô hình về sự phân bố các tế bào thần kinh ở não. Thông qua sự kích thích từ môi trường bên ngoài, những tế bào thần kinh này gắn kết lại với nhau. Các nhà khoa học gọi sự gắn kết này là liên kết thần kinh, những tế bào liên kết sẽ quyết định não bộ của trẻ xử lý thông tin mới ra sao, tạo ra cơ sở cho việc học tập, phản ứng, giao tiếp xã hội và phát triển tình cảm sau này.

Một đứa trẻ khi mới ra đời có số lượng tế bào liên kết thần kinh trong não chỉ bằng 1/10 so với người lớn. Thông qua những trải nghiệm phong phú đa dạng trong cuộc sống sau này, các tế bào liên kết sẽ không ngừng gia tăng số lượng. Khi trẻ khoảng 2-3 tuổi, số lượng liên kết này tăng gấp 20 lần so với khi mới sinh.

Điều đó cũng có nghĩa là tỷ lệ trao đổi chất trong não bộ của trẻ vào lúc này rất cao, nên sự phát triển trí lực và khả năng học tập trong giai đoạn này cũng rất nhanh, thậm chí còn vượt xa cả người trưởng thành. Một số lượng lớn tế bào liên kết sẽ giảm tốc độ xử lý thông tin của não bộ, những tế bào liên kết nhỏ bé không cần thiết sẽ bắt đầu bị loại bỏ khi trẻ được 21 tháng tuổi.

Chỉ còn một vài khu vực có kinh nghiệm tiếp nhận thông tin, cũng chính là những liên kết thần kinh đã từng sử dụng qua mới có thể tồn tại được. Nói cách khác, nếu những kích thích từ bên ngoài mà trẻ tiếp nhận càng phong phú thì số lượng tế bào liên kết trong não bộ sẽ càng nhiều.

Kết quả một cuộc nghiên cứu kéo dài suốt 18 năm đã chỉ ra rằng, năng lực của những đứa trẻ đã từng tiếp xúc với giáo dục sớm trước 6 tuổi trong các lĩnh vực đọc sách và học toán, thậm chí trong cả thành tích học ở tiểu học, trung học đều cao hơn những đứa trẻ không được tiếp xúc với giáo dục sớm.
Như vậy, cần phải khẳng định thêm một lần nữa: Giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi của trẻ chính là quãng thời gian chủ yếu, quan trọng để phát triển trí thông minh.

Sự phát triển của não bộ không giống với sự phát triển của hệ miễn dịch hay phát triển xương, điều đó có nghĩa là phát triển não bộ chỉ có một giai đoạn, khi đã trải qua giai đoạn phát triển đỉnh cao này, sự phát triển của hệ thần kinh trung ương cơ bản đã hình thành, nên sau này có muốn bổ sung thêm là điều rất khó khăn.

Vì thế, nếu muốn khai thác tối đa tiềm năng trong đại não của trẻ, các bậc cha mẹ, thầy cô giáo cần nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi để từ đó “cung cấp chế độ dinh dưỡng đầy đủ nhất, phong phú nhất, đồng thời phải đảm bảo sự phát triển toàn diện của não bộ cùng các bộ phận khác trên cơ thể; không chỉ vậy, còn phải tạo ra sự kích thích từ môi trường bên ngoài một cách hoàn thiện nhất, để kết cấu và tổ chức bên trong não bộ phát triển nhanh và lành mạnh ”.

Khi chủ trương giáo dục sớm chắc chắn có những bậc cha mẹ e ngại vì việc này có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của trẻ. Thực tế không phải vậy, tất cả các trường hợp được áp dụng theo phương pháp giáo dục này đều khoẻ mạnh, phát triển bình thường.

Chẳng hạn: Witte sống đến 83 tuổi, Huân tước Kelvin cũng thọ 83 tuổi và James Thomson thọ 70 tuổi… Tóm lại, không có bằng chứng nào cho thấy việc giáo dục sớm có ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ. Các bậc cha mẹ, giáo viên có thể yên tâm về vấn đề này.

Trong quá trình giáo dục, cha mẹ, thầy cô giáo và những người lớn cần quan tâm giáo dục cho trẻ những đức tính cần thiết để phát triển như: trung thực, nhân ái, tính tự lập, v.v…

Và cần ghi nhớ rằng, sự dạy dỗ, giáo dục nhân cách, đặc biệt là thói quen, cách sống, sinh hoạt và ngôn ngữ ở độ tuổi sơ sinh đối với cộng đồng, xã hội, đối với loài người là yếu tố không thể thiếu trong sự phát triển bình thường của trẻ em.

Nói một cách vắn tắt là cần quan tâm giáo dục cho trẻ trên cả bốn mặt – “Đức, Trí, Thể, Mỹ”. Một điều khác các bậc cha mẹ, thầy cô giáo rất cần lưu tâm là quá trình giáo dục phải đặt trên nền tảng của tình yêu thương và tôn trọng trẻ. Người lớn dứt khoát phải loại bỏ những hành vi tiêu cực như chửi bới, trừng phạt, đánh đập con trẻ bằng đòn roi, vũ lực.

Với nhiều người, làm được việc này thật không dễ dàng; nhưng vì lợi ích lâu dài của bản thân trẻ và của cả gia đình, xã hội chúng ta cần có những hành động theo chiều hướng tích cực. Bởi, dù có trừng phạt trẻ nghiêm khắc, cũng chẳng có tác dụng gì.

Trên thực tế việc đó rất có hại cho trẻ em và thanh thiếu niên. Đồng thời khi dùng hình phạt, vũ lực trong nuôi dạy trẻ – chứng tỏ sự bất lực của người lớn (“Ta ra lệnh cho các tinh cầu câm lặng, bởi vì ta bất lực”). Có lẽ chẳng ai trong chúng ta muốn mình rơi vào tình cảnh này.

Trong giáo dục sớm, cha mẹ giữ vai trò rất quan trọng, nhất là người mẹ. Mẹ là người gần gũi nhất, đồng thời là “người giáo viên đầu tiên” của con. “Giáo dục của mẹ lớn hơn sự dạy dỗ của cả trăm người thầy ”.

Câu thành ngữ của người Do Thái không phải không coi trọng sự giáo dục của nhà trường mà có lẽ họ chỉ muốn nhấn mạnh hơn đến vai trò giáo dục gia đình, của người mẹ trong một hai năm đầu khi trẻ mới sinh ra.

3. Trên cả phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn đều cho thấy, việc giáo dục trẻ nếu được tiến hành sớm và đúng phương pháp trong “thời kỳ vàng”, khoảng từ 0 đến 6 tuổi sẽ cho phép chúng ta khai thác, phát huy được năng lực phát triển tích cực nhất của trẻ. Trên cơ sở đó, các bậc cha mẹ (gia đình), thầy cô giáo (nhà trường) và xã hội có thể/cơ hội tạo ra được những tài năng lớn, những thiên tài cho đất nước, cho nhân loại.

Tài liệu tham khảo
[01] Kimura Kyuichi: Thiên tài & sự giáo dục từ sớm, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2012.
[02] Ngô Hải Khê: Phương án giáo dục sớm từ 0 – 6 tuổi, Nxb Lao động – xã hội, 2013.
[03] TS Nguyễn Văn Đồng: Tâm lý học phát triển, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.
[04] Thomas Gordon: Giáo dục không trừng phạt, Nxb Tri thức, 2012.
[05] Ikeda Daisaku: Thế kỷ XXI, ánh sáng giáo dục, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013.
[06] Nguyễn Minh (BS): Phương pháp Montessori (Nghệ thuật nuôi dạy trẻ đỉnh cao), Nxb Lao động, 2013.
[07] Thái Tiếu Vãn: Sự nghiệp làm cha (Ghi chép sự huy hoàng của một gia đình tiến sỹ), Nxb Thời đại, 2010.

Leave a Reply

Your email address will not be published.