VÀI NÉT VỀ TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC CỦA ĐỨC KHỔNG TỬ

1. Nếu tôi không nhầm thì trong lịch sử thế giới chỉ có Đức Khổng Tử được hậu thế tôn vinh là “Vạn thế sư biểu”. Ngài tên là Khâu, tự Trọng Ni, sinh năm 551 TCN tại ấp Trâu, làng Xương Bình, huyện Khúc Phụ, nước Lỗ (Trung Quốc).

Ngay từ nhỏ Ngài vốn là người thông minh, hiếu học, hay chơi trò cúng lễ. 17 tuổi do học giỏi, phẩm hạnh tốt nên Ngài được nhiều người biết đến mặc dù xuất thân nghèo khó. Năm 516 TCN nước Lỗ có loạn, Khổng Tử sang nước Tề lánh nạn. Tại đây, Ngài được vua Tề trọng dụng nhưng sau bị quan đại phu là Yến Anh gièm pha, hãm hại nên chỉ một năm sau phải trở về nước Lỗ.

Ngài quyết định mở trường lớp thâu nhận học trò, dạy học. Tương truyền số đệ tử theo học Ngài lên tới 3.000 người. Đến năm 500 TCN, vua Lỗ phong cho Ngài chức quan Tế tại Trung đô (huyện Vân Thượng, tỉnh Sơn Đông ngày nay). Năm sau Khổng Tử được thăng chức Tư không, tiếp đến thăng lên chức Đại Tư Khấu.

Sau ba tháng nắm quyền, Khổng Tử đã giúp cho nước Lỗ thịnh trị, yên bình. Do sợ nước Lỗ hùng cường, vua Tề đã dùng kế ly gián, sai người đem 80 gái đẹp, giỏi múa hát sang dâng vua Lỗ. Vua Lỗ nghe lời đại phu Quý Tôn Tử, mê tửu sắc, đàn hát bỏ bê việc triều chính, Khổng Tử thấy vậy bèn xin từ chức, rời nước Lỗ đi chu du liệt quốc vào năm 496 TCN[1].

13-14 năm Khổng Tử cùng học trò đi du thuyết các nước chư hầu nhằm thực hiện lý tưởng cải cách xã hội và chính trị của mình[2] nhưng không thành công. Ngài gặp toàn kẻ bá đạo, chuyên dùng vũ lực trị nước và tiêu diệt lẫn nhau. Chán nản với nhân tình thế thái, năm 68 tuổi Ngài trở về quê hương chuyên tâm vào viết sách, dạy học trò. Ngài mất năm 479 TCN, hưởng thọ 73 tuổi. Hai năm sau khi Ngài mất, vua Lỗ cho xây lại ngôi nhà của Ngài, biến nó thành nơi tế tự, nay là Khổng miếu[3]. Học thuyết của Ngài được các học trò kế thừa và phát triển, được nhiều triều đại đề cao, vận dụng. Đặc biệt từ thế kỷ thứ II, nhà Hán đã tôn Khổng học thành quốc giáo. Tuy có bước thăng trầm nhưng nhìn chung Khổng giáo vẫn có địa vị cao trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc. Ngày nay Khổng giáo thu hút được sự quan tâm rộng rãi ở cả các nước phương Đông và phương Tây.

2. Trên địa hạt giáo dục, Khổng Tử đã có những tư tưởng và việc làm in dấu ấn đậm nét trong lịch sử Trung Hoa cổ đại. Ngài là người đầu tiên mở trường tư, thu nạp đông đảo học trò. Trong số 3 ngàn môn đệ của Ngài có 72 người thuộc diện xuất sắc, tinh thông lục nghệ. Xét về mặt nghề nghiệp, chính Khổng Tử đã tạo ra một loại chức nghiệp mới đó là nghề dạy học. Trước Khổng Tử chưa có ai lấy dạy học làm nghề mưu sinh. Chỉ từ Khổng Tử hoạt động này mới xuất hiện với tư cách một nghề nghiệp thực thụ trong xã hội. Chính việc làm của Khổng Tử đã góp phần hình thành, phát triển một lực lượng mới (có vai trò quan trọng) trong xã hội, đó là tầng lớp trí thức (sĩ, kẻ sĩ).

Một trong những tư tưởng nổi trội, mang tính cách mạng trong giáo dục ở Trung Quốc cổ đại là chủ trương “Hữu giáo vô loại”[4]. Khổng Tử quan niệm tất cả mọi người, ai cũng cần phải học tập, phú quý hay dân thường đều cần được giáo hoá. Ngài không phân biệt sang hèn, nguồn gốc chỉ cần người học nạp chút lễ vật thì đều được thu nhận. Trước đó, trường học do nhà nước mở và chỉ dành cho con em quý tộc. “Hữu giáo vô loại” thể hiện rõ tinh thần dân chủ, tính nhân dân trong học thuyết Nho giáo. Đây chính là biểu hiện cụ thể của tư tưởng “phiếm ái chúng nhi thân nhân” (“Yêu khắp mọi người, gần gũi người nhân đức”, Học Nhi, 6) của Đức Khổng Tử. Chủ trương “Hữu giáo vô loại” là “quan điểm, là ý hướng tiến bộ, là đóng góp hữu ích” vào việc hoàn thiện và làm phong phú kho tàng lý luận giáo dục đạo đức cho nhân loại. Đứng ở phương diện này, Ngài không chỉ là nhà lý luận mà còn là một nhà giáo dục lớn[5]. “Hữu giáo vô loại” trở thành ngọn cờ đầu mang tính cách mạng trong lịch sử giáo dục Trung Quốc, đã khai sáng con đường phổ cập giáo dục và văn hoá cho Trung Quốc, nó có ý nghĩa trọng đại trong việc phát động truyền bá văn hoá[6]”.

Mục tiêu dạy học của Khổng Tử là giúp học trò nên “Người”, trở thành “chính nhân quân tử” để ra làm quan, giúp ích cho xã hội. Nội dung quan trọng nhất trong học thuyết Khổng Tử là Đức Nhân. Có học giả nói: “Tuyệt đích trong triết lý giáo dục của Khổng Tử kết tinh trong một chữ Nhân[7]”. Điều đó đúng! “Nhân” là đức tính hoàn thiện, là cái gốc đạo đức của con người, nên “nhân” chính là đạo làm người[8]. Khổng Tử có lần nói: “Đạo của ta chỉ lấy Một (Nhân) đó mà bao hàm tất cả” (Ngô đạo Nhất dĩ quán chi). Đạo biểu hiện ở Đức Nhân ái, lòng Yêu người (Nhân giả ái nhân). Tuy nhiên, Đạo nhân của Khổng Tử có ý nghĩa đặc biệt và khác hẳn chủ trương Ái Nhân trong thuyết Kiêm Ái của Mặc Tử, Bác Ái của Ki-tô giáo. Đôi khi Khổng Tử dùng chữ “Nhân” vừa để chỉ đức tính yêu người, đồng thời còn ám chỉ tất cả các đức tính tốt gộp lại (Xem Luận Ngữ).

Khổng Tử muốn đào tạo ra một mẫu người hiểu biết, có học và sống hợp tình hợp lý. Ngài chủ trương: “Duy nhân giả năng hiếu nhân, năng ố nhân”, nghĩa là người theo đạo nhân biết yêu người đáng yêu, ghét người đáng ghét, trong khi Kiêm Ái muốn yêu tất cả, mà không biết ghét. Còn chúa Ki-tô thì dạy về Bác Ái: nếu “ai tát má bên phải, ta chìa nốt má bên trái ra” cho người đó tát, Khổng Tử cho điều đó không hợp tình, hợp lý, trái với bản tính tự nhiên của con người[9]. Ngài còn có quan niệm con người được giáo dục căn bản từ gia đình để trở thành con người xã hội, biết sống “cận nhân tình”. Trong gia đình Ngài cho rằng nghĩa vợ chồng là đầu mối trong Đạo của người Quân tử; còn ngoài xã hội thì Ngài đề xướng: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tâm đắc câu này và Người đã từng sử dụng nó làm vũ khí trong đấu tranh ngoại giao với thực dân Pháp để giành độc lập dân tộc.

Bên cạnh giáo hoá về Đạo đức, Khổng Tử đem Lục nghệ ra dạy cho học trò của mình. Thời ấy lục nghệ chính là các môn văn hoá có giá trị và bao gồm: Lễ (5 nghi lễ), Nhạc (6 loại nhạc), Xạ (bắn cung), Ngự (cưỡi ngựa và xe), Thư (6 cách tạo chữ Hán), số (toán học). Lục nghệ có công dụng cụ thể – “Thi để dẫn dắt ý chí, Thư để dẫn dắt công việc, Lễ để dẫn dắt hành vi, Nhạc để hoà, Dịch để hiểu âm dương, Xuân Thu để nói về danh phận[10]”. Các môn này trước Khổng Tử chỉ được truyền dạy cho giới quý tộc.

Khổng Tử chỉ tập trung vào dạy cách làm người, làm thánh hiền. Nói khác đi Ngài chú trọng đến kiến thức về luân lý, đạo lý, chính trị mà không dạy “khoa học, kỹ thuật, binh bị”. Việc “lấy đức dục làm gốc, lấy trí dục làm ngọn[11]” theo quan điểm hiện nay rõ ràng là chưa đủ. Tuy nhiên, chúng ta có thể thông cảm cho Ngài, vì trong hoàn cảnh xã hội thời Xuân Thu đang rất lộn xộn, các nước chư hầu đánh giết lẫn nhau để xưng hùng xưng bá, luân thường đạo lý suy đồi thì việc chú trọng “đức trị” nhằm tạo sự cân bằng, giúp xã tắc yên bình, thịnh trị là việc làm cần thiết, phù hợp với thực tiễn bấy giờ.

Khổng Tử là người tâm huyết với giáo dục, Ngài được sinh ra “để dạy đời[12]”. Chủ trương: “Học nhi bất yếm” (Học không biết chán) và “Hối nhân bất quyện” (Dạy không biết mệt) trong sách Luận Ngữ trở thành phương châm giáo dục của Ngài. Theo lô-gích, học và dạy có mối liên hệ mật thiết với nhau. Muốn dạy thì trước hết phải học, có học mới có kiến thức để dạy. Chữ học trong quan niệm của Khổng Tử bao hàm nghĩa lý sâu xa và rộng lớn hơn cách hiểu thông thường. Trong sách “Khổng học đăng”, Cụ Phan Bội Châu đã phân tích chữ “Học” theo ba nghĩa: “1) Học nghĩa là bắt chước – Hễ người nào tự xét trong mình hãy còn là người hậu giác tất phải bắt chước những người tiên giác đã làm; 2) Học nghĩa là học để biết – Nghĩa này lại cặp kè với chữ “Tri”; 3) Học để mà làm – Nghĩa này lại cặp kè với chữ “Hành”…”[13].

Theo Đức Khổng Tử, con người phải nỗ lực, cố gắng học tập không mệt mỏi. Đây là một trong những yêu cầu cần thiết đối với người học. Ngài từng nói: “Kẻ nào không cố công tìm hiểu ta chẳng dạy cho, kẻ nào không bộc lộ được tư tưởng của mình, ta chẳng khai sáng cho, kẻ nào ta bày một mà không biết hai ta chẳng dạy nữa” (“Bất phẫn, bất khải; bất phỉ, bất phát. Cử nhất ngung, bất dĩ tam ngung phản, tắc bất phục dã”, Luận Ngữ, Thuật nhi, 8). Ngài còn khuyên các đệ tử cần “phải nghe nhiều rồi chọn điều hay mà theo, thấy nhiều để xét cho rõ cái hay, cái dở mà nhớ lấy, đó là điều quan trọng để trở thành trí giả” (“Đa văn, trạch kỳ thiện giả nhi tùng chi; đa kiến nhi chí chi; tri chi thứ dã”, Luận ngữ, Thuật nhi, 27) và trong khi học cần loại bỏ tâm lý vị kỷ tư dục, võ đoán, cố chấp – “Vô ý, vô cố, vô tất, vô ngã” (Luận Ngữ, Tử Hãn, 4), v.v…

Đức Khổng Tử là một tấm gương sáng về việc học. Ngài tự bạch: “Lúc mười lăm tuổi, ta đã để chí nỗ lực học tập. Ba mươi tuổi đã xác định được chí hướng. Bốn mươi tuổi đã hiểu được sự lý, không còn bị mê hoặc. Năm mươi tuổi đã hiểu được mệnh trời. Sáu mươi tuổi nghe người khác nói đều thuận tai cả. Bảy mươi tuổi đã có thể theo lòng muốn nhưng không hề vượt ra ngoài khuôn phép”[14] (“Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu (ư) học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ”, Luận Ngữ, Vi chính, 4). Cả đời ham học hỏi, tu dưỡng đạo đức Khổng Tử trở thành bậc trí giả nổi tiếng, một “Vạn thế sư biểu”, một bậc chí thánh!

Từ “Học không biết chán” sẽ dẫn đến “Dạy không biết mệt”. Nhờ hiểu biết sâu rộng mà người ta nhận ra được những nguyên nhân gây nên bao điều ác, điều xấu xa và muốn cải tạo xã hội theo những chân lý đã học được. Vì vậy, người chăm học bao giờ cũng có tâm nguyện muốn dạy lại những điều mình hiểu biết và mong mọi người hướng thiện, muốn cho xã hội ổn định, thái bình, thịnh vượng. Việc dạy bảo người không biết mệt mỏi là hệ quả tất yếu của người chăm học. Khi thấy có người tỏ ra muốn học hay có cơ hội có thể dạy được, người chăm học sẽ dạy ngay, không đặt thành vấn đề thù lao nhiều hay ít. Đó là đức tính của người chăm học[15]. “Học không biết chán”, “Dạy không biết mệt” là phương châm Đức Khổng Tử nêu ra cách đây 2.500 năm nhưng đến nay, nó vẫn mang tính thời sự và còn nguyên giá trị đối với mỗi giáo chức chúng ta trong hoạt động Học và Dạy của mình.

3. Học thuyết của Khổng Tử xuất hiện cách ngày nay mấy ngàn năm, đương nhiên có những nội dung không còn phù hợp nữa. Song vẫn còn nhiều giá trị mà chúng ta cần khai thác, phát huy trong thời đại mới. Khổng Tử là người đầu tiên lập trường tư, mở rộng việc giáo hoá cho dân chúng và biến hoạt động dạy học thành một nghề trong xã hội, đồng thời góp phần hình thành, phát triển đội ngũ kẻ sĩ (trí thức) ở Trung Quốc cổ đại. Những việc làm của Khổng Tử có ảnh hưởng to lớn đối với lịch sử Trung Quốc giống như hành vi và ảnh hưởng của Socrate đối với Tây phương[16].

Khổng Tử là người khởi xướng, đề cao nền giáo dục hướng tới đại chúng, chủ trương hiếu học và đặc biệt coi trọng đức dục. Đây cũng là điều mà Đảng, Nhà nước ta hiện nay đang chủ trương và tích cực thực hiện. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nguyện “làm người học trò nhỏ” của một trong các vị tiền bối là Đức Khổng Tử, vì học thuyết của Ngài có ưu điểm là “sự tu dưỡng đạo đức cá nhân”. Thiết nghĩ để xây dựng, phát triển đất nước chúng ta cần noi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh – chắt lọc những tinh hoa trong tư tưởng Khổng Tử để vận dụng vào sự nghiệp giáo dục đào tạo của nước nhà hiện nay.

TS. Bùi Hồng Vạn

Trường Đại học Thương mại (TMU)

Tài liệu tham khảo

01. PGS.TS Doãn Chính (Cb): Lịch sử triết học phương Đông, Nxb Chính trị quốc gia, 2012.

02. Phùng Hữu Lan: Lược sử triết học Trung Quốc, Nxb Khoa học xã hội, 2013.

03. Trần Tiến Khôi: Luận ngữ với người quân tử thời hiện đại, Nxb Từ điển bách khoa, 2008.

04. Ian P. McGreal: Những tư tưởng gia vĩ đại Phương Đông, Nxb Lao động, 2005.

05. Phùng Hữu Lan: Lịch sử triết học Trung quốc, Tập I, Nxb Khoa học xã hội, 2013.

06. Viện nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam, Viện Harvard-Yenching Hoa Kỳ: Nghiên cứu tư tưởng Nho gia Việt Nam từ hướng tiếp cận liên ngành, Nxb Thế giới, 2009.

07. Nhân tử Nguyễn Văn Thọ: Chân dung Khổng Tử, Nxb Hồng Đức, 2012.

08. Sào Nam Phan Bội Châu: Khổng học đăng, Nxb Văn hoá thông tin, 1998.

09. Dương Hồng, Vương Thành Trung, Nhiệm Đại Viện, Lưu Phong (Chủ dịch): Tứ thư, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003.

10. Lý Minh Tuấn: Tứ thư bình giải, Nxb Tôn giáo, 2011.


[1] – PGS.TS Doãn Chính (Cb): Lịch sử triết học phương Đông, Nxb Chính trị quốc gia, 2012, tr. 253.

[2] – Phùng Hữu Lan: Lược sử triết học Trung Quốc, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2013, tr. 51.

[3] – Ngày nay UNESCO xếp Khổng miếu vào danh mục di sản văn hoá thế giới.                  

[4] – Tư tưởng này ta còn thấy ở Đức Thích ca mâu ni, Ngài sẵn sàng chấp nhận mọi đối tượng làm đệ tử.

[5] – PGS.TS Doãn Chính: Lịch sử triết học phương Đông, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr. 258.

[6] – Trần Tiến Khôi: Luận ngữ với người quân tử thời hiện đại, Nxb Từ điển bách khoa, 2008, tr. 17.

[7] – Ian P. McGreal: Những tư tưởng gia vĩ đại phương Đông, Nxb Lao động, Hà Nội, 2005, tr. 137.

[8] – PGS.TS Doãn Chính: Lịch sử triết học phương Đông, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr. 259.

[9] – Ian P. McGreal: Những tư tưởng gia vĩ đại Phương Đông, Nxb Lao động, 2005, tr. 141.

[10] – Phùng Hữu Lan: Lịch sử triết học Trung Quốc, Tập I , Nxb Khoa học xã hội, 2013, tr. 96.

[11] – Viện nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam, Viện Harvard-Yenching Hoa Kỳ: Nghiên cứu tư tưởng Nho gia Việt Nam từ hướng tiếp cận liên ngành, Nxb Thế giới, 2009, tr. 9.

[12] – Nhân tử Nguyễn Văn Thọ: Chân dung Khổng Tử, Nxb Hồng Đức, 2012, tr. 301.

[13] – Sào Nam Phan Bội Châu: Khổng học đăng, Nxb Văn hoá thông tin, 1998, tr. 25-26.

[14] – Dương Hồng, Vương Thành Trung, Nhiệm Đại Viện, Lưu Phong (Chủ dịch): Tứ thư, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003, tr. 124-125.

[15] – Lý Minh Tuấn: Tứ thư bình giải, Nxb Tôn giáo, 2011,  tr. 153.

[16] – Phùng Hữu Lan: Lịch sử triết học Trung Quốc, Tập I, Nxb Khoa học xã hội, 2013, tr. 97.

Leave a Reply

Your email address will not be published.