HỒ CHÍ MINH VỚI QUYỀN BÌNH ĐẲNG CỦA PHỤ NỮ

Khi nghiên cứu về các vĩ nhân của thế giới (là Tô-mát Giéc-phéc-sơn, Ma-hát-ma Găng-đi, Vla-đi-mia I-lích Lê-nin, Các Mác, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh (HCM), Mắc-tin Lu-thơ Kinh, Nen-xơn Man-đê-la), Giô-xơ-phin Sten-xơn nhận thấy: “chỉ có Hồ Chí Minh đã luôn luôn bộc trực về quyền bình đẳng của phụ nữ, về giáo dục, tự do ngôn luận, độc lập về kinh tế và quyền của phụ nữ được hưởng các quyền lợi khác như của nam giới”[1]. Nhận xét của nhà Sử học Mỹ là chính xác.

Trong cuộc đời mình, HCM luôn dành sự quan tâm thích đáng đến vấn đề bình đẳng giới, đến sự giải phóng cho “phân nửa xã hội”. Để phòng khi “sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”, Người đã chuẩn bị bản Di chúc bất hủ, trong đó có đoạn nhắc nhở chúng ta:

“Cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”[2].

Tư tưởng giải phóng phụ nữ ở HCM trước hết bắt nguồn từ tình yêu thương đối với người mẹ, người chị gái của mình. Chúng ta đều biết, HCM sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh gia đình không thuận lợi.

Khi cụ Nguyễn Sinh Sắc từ quan phiêu bạt làm nghề bốc thuốc chữa bệnh, dạy học xa gia đình, quê hương thì thân mẫu của Người là cụ Hoàng Thị Loan một mình phải gánh vác lo toan mọi việc. Cụ Loan mất sau lần sinh cuối, do bị bệnh hậu sản. Nỗi đau mất mẹ trong tuổi ấu thơ là nỗi bất hạnh lớn lao mà HCM nếm trải.

Tiếp đến chị gái (bà Thanh) bị kết án tù chung thân ở tuổi 14 (do tham gia vào việc mua bán vũ khí) là nỗi đau thứ hai của Người sau nỗi đau mất mẹ. Vậy là ngay từ thuở thiếu thời, HCM đã chứng kiến cảnh hai người phụ nữ thân yêu trong gia đình mình là “nạn nhân của những tai hoạ và cả hai tai hoạ đó đều là hậu quả của sự bất công xã hội đối với phụ nữ.

Chắc chắn là những tai hoạ này có ảnh hưởng quan trọng và lâu dài đối với cuộc đời của Người khi trưởng thành”[3]. Đó là trong phạm vi gia đình, còn ở ngoài xã hội, đi đến đâu HCM cũng nhận thấy phụ nữ bị đối xử bất bình đẳng, chịu nhiều đau khổ, bất hạnh hơn đàn ông.

Ở Việt Nam, từ khi lập quốc đến trước cách mạng tháng Tám 1945, mặc dù phụ nữ có công lao to lớn nhưng “căn bản chỉ đóng một vai trò khiêm tốn trong nhiều hoạt động xã hội đồng thời chỉ được ghi nhận một cách ít ỏi”[4]. Đặc biệt trong xã hội phong kiến, khi Nho giáo trở thành hệ tư tưởng thống trị (từ thời Lê–Nguyễn) thì người phụ nữ dần trở thành nạn nhân của tệ phân biệt đối xử.

Trọng nam khinh nữ là hiện tượng phổ biến trong xã hội cũ. Các câu: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”; “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, (“tam tòng, tứ đức)… phản ánh rõ hiện tượng bất bình đẳng về giới đó. Về cơ bản phụ nữ không được đến trường học, không được tham gia các hoạt động quản lý xã hội. Chủ yếu họ làm lụng, sinh đẻ, lo toan cho chồng con và gia đình nhà chồng… Có thể nói, trước cách mạng tháng Tám 1945, phụ nữ nước ta có thân phận thấp kém và đau khổ nhất trong những người nô lệ[5].

Trong cuộc đời mình, HCM đã mắt thấy, tai nghe vô số chuyện đời đau khổ, bất hạnh của phụ nữ do chế độ phong kiến, chủ nghĩa thực dân gây ra. Trong các trước tác Người để lại đã phản ánh rõ điều đó. Chẳng hạn, trong “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925), chúng ta thấy Người mô tả những cảnh cùng khổ của phụ nữ:

“Không một chỗ nào người phụ nữ thoát khỏi những hành động bạo ngược. Ngoài phố, trong nhà, giữa chợ hay ở thôn quê, đâu đâu họ cũng vấp phải những hành động tàn nhẫn của bọn quan cai trị, sĩ quan, cảnh binh, nhân viên nhà đoan, nhà ga. Một người Âu mắng một phụ nữ An Nam là con đĩ, con bú dù là một việc bình thường. Ngay giữa chợ Bến Thành ở Sài Gòn… bọn gác chợ người Âu cũng không ngần ngại dùng roi gân bò, dùi cui đánh phụ nữ bản xứ để bắt họ tránh khỏi làm nghẽn lối!”[6].

Hay: “Thật là một sự mỉa mai đau đớn khi thấy rằng nền văn minh dưới nhiều hình thức khác nhau như tự do, công lý, v.v., được tượng trưng bằng hình ảnh dịu hiền của một người phụ nữ và được một hạng người tự cho là phong nhã ra sức điểm tô – lại đối xử một cách hết sức bỉ ổi với người phụ nữ bằng xương, bằng thịt và xúc phạm tới phong hoá, trinh tiết và đời sống của họ một cách cực kỳ vô liêm sỉ. Thói dâm bạo thực dân là hiện tượng phổ biến và tàn ác không thể tưởng tượng được”.

Và còn thêm nữa: “Khi bọn lính kéo đến, tất cả dân chúng đều chạy trốn, chỉ còn lại hai cụ già, một thiếu nữ, một thiếu phụ đang cho đứa con mới đẻ bú và tay dắt một bé gái lên tám. Bọn lính đòi tiền, rượu và thuốc phiện. Vì không ai hiểu tiếng Pháp nên chúng nổi giận, lấy báng súng đánh chết một cụ già.

Còn cụ già kia thì bị hai tên lính, khi đến đã say mèm, đem thiêu sống trong một đống lửa hàng mấy giờ liền để làm trò vui với nhau. Trong khi đó thì những tên khác thay phiên nhau hiếp cô thiếu nữ, người mẹ và đứa con gái nhỏ của bà. Xong, chúng vật ngửa cô thiếu nữ ra, trói lại, nhét giẻ vào miệng, rồi một tên cầm lưỡi lê đâm vào bụng cô, chặt ngón tay cô để lấy chiếc nhẫn và cắt đầu cô để lột cái vòng cổ.

Trên đám đất bằng phẳng trước kia là ruộng muối, ba cái xác chết nằm đó: một em bé bị lột trần truồng, một thiếu nữ ruột gan lòi ra… một xác cụ già ghê rợn khủng khiếp, thân thể trần truồng, mặt mũi cháy không nhận ra được nữa”[7].

Sau những trang tố cáo, phơi bày tội ác của chủ nghĩa thực dân, bằng những lời lẽ đanh thép, Nguyễn Ái Quốc – HCM đã lên án, kết tội chế độ này: “Người ta thường nói: “Chế độ thực dân là ăn cướp”. Chúng tôi xin thêm: “là hiếp dâm và giết người””[8].

Vào đầu thế kỷ XX, làn sóng nữ quyền (lần thứ nhất) xuất hiện ở phương Tây, lan sang các nước châu Á, có ảnh hưởng tích cực đến Việt Nam. Khi ở Trung Quốc, “phái cách mạng nổi lên phê phán triệt để đạo đức phong kiến, kêu gọi “cách mạng đạo đức”, “cách mạng gia đình”, đòi hỏi giải phóng người phụ nữ, chủ trương nam nữ bình quyền”[9] thì ở Việt Nam một số nhà Nho theo khuynh hướng duy tân cũng bắt đầu lên tiếng đấu tranh chống những “học thuyết hủ lậu ích kỷ” đè nặng lên cuộc đời phụ nữ. Một bài báo của cụ Huỳnh Thúc Kháng phản ánh rõ tình hình đó: “nhân phong triều “phụ nữ giải phóng”, “nam nữ bình quyền” tràn vào xứ ta, trên các báo thường bàn, nhứt là phàn nàn cho đám chị em nữ lưu bị vùi lấp đè nén dưới những học thuyết hủ lậu ích kỷ của bọn mày râu”[10].

Ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước và hoạt động cách mạng trong bối cảnh đó, HCM đương nhiên chịu ảnh hưởng của những tư tưởng tiến bộ của thời đại. Đặc biệt khi gặp chủ nghĩa Mác-Lênin, Người đã tìm thấy “chiếc cẩm nang thần kỳ” để cứu nước, giải phóng cho dân tộc.

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng cách mạng trong con người HCM ngày càng được hoàn thiện và nâng lên một tầm cao mới. Người đã dần trở thành một biểu tượng sáng ngời tượng trưng cho tinh thần đấu tranh giành độc lập, tinh thần đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng con người (trong đó có giải phóng cho “phân nửa xã hội”).

Tiếp thu tư tưởng tiến bộ  của thời đại, trong nhiều bài báo, tác phẩm HCM cực lực tố cáo chế độ thực dân đã khinh miệt, đối xử bất bình đẳng, thậm chí còn chà đạp hết sức vô nhân đạo lên nhân phẩm, thân thể của nhiều phụ nữ. Trong một bài viết cho “Mục dành cho phụ nữ: Về sự bất công” của báo Thanh Niên (ngày 4-4-1926), với bút danh Mộng Liên, HCM đã chỉ trích chế độ nam trị ở châu Á.

Người viết: “Người Trung Quốc thường so sánh phụ nữ với con gà mái: “Gà mái gáy báo sáng là điềm gở cho cả gia đình”. Ở An Nam, chúng ta nói: Đàn bà phải quanh quẩn trong bếp. Trong xã hội và trong gia đình, người phụ nữ bị hạ thấp tột bậc và không được hưởng chút quyền gì”. Kết thúc bài báo, Người hạ bút: “Hỡi chị em! Vì sao chị em lại phải chịu sự áp bức bất công này?”[11]. Đây chính là sự cổ vũ phụ nữ đứng lên đấu tranh chống lại sự bất công, đòi quyền bình đẳng cho mình.

Tư tưởng đấu tranh giải phóng phụ nữ được HCM đề cập trong nhiều bài viết, nhiều tác phẩm nhưng có lẽ biểu hiện rõ nét nhất là trong Đường Cách mệnh (1927). Xuất phát từ quan điểm tiến bộ của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Người cho rằng: “Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái, thì biết xã hội tấn bộ ra sao?”. Từ đó Người khẳng định: “Đàn ông, đàn bà đều phải bình đẳng”, đồng thời xác định phương hướng đấu tranh giải phóng phụ nữ: “Việt Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”. Tinh thần này được tái khẳng định trong “Chính cương vắt tắt của Đảng” (1930): “b. Nam nữ bình quyền” và sau đó trong Lời kêu gọi đoàn kết đấu tranh giành độc lập của Mặt trận Việt Minh (nhiệm vụ thứ 10).

Khi cách mạng thành công, là người đứng đầu chế độ mới, HCM đã làm tất cả những gì có thể để giải phóng cho “phân nửa xã hội”. Trên phương diện lý thuyết, tư tưởng giải phóng phụ nữ thể hiện rõ ngay trong văn bản đầu tiên của chính thể mới – Tuyên ngôn độc lập (2-9-1945) và trong hành động treo cờ ở buổi mít tinh tại quảng trường Ba Đình.

Theo Lady Borton (nhà văn Mỹ), khi trích Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ (1776), HCM không trích dẫn nguyên xi mà Người đã đổi câu trong bản dịch tiếng Anh. Cụ thể, bản Tuyên ngôn của Mỹ viết: “Chúng tôi coi đây là chân lý hiển nhiên, rằng mọi đàn ông (tôi gạch dưới) sinh ra đều bình đẳng” (“We hold these truths to be self-evident, that all men (emphasis mine) are created equal”).

Khác với Tuyên ngôn của Mỹ, “Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh bắt đầu bằng câu: “Tất cả mọi người (tôi gạch dưới) đều sinh ra có quyền bình đẳng” (“All people (emphasis mine) are created equal”). Từ tiếng Việt để chỉ “đàn ông” (men) không hề xuất hiện ở đây”. Lady Borton viết tiếp: “Hồ Chí Minh rất giỏi tiếng Anh: Cụ phân biệt được “đàn ông” (men) và “mọi người” (people).

Với việc chỉ sửa một từ trong bản dịch của mình, Cụ Hồ đã khôn khéo nhưng cuối cùng cũng thông báo được cho nhân dân của Cụ và thế giới một cuộc cách mạng thứ hai: đó là Hồ Chí Minh đã tuyên bố độc lập cho phụ nữ Việt Nam (BHV nhấn mạnh)”[12]. Đây có phải là trò chơi chữ của HCM không? Không! Theo tôi đây chính là sự “vượt gộp[13]” trong tư tưởng và hành động của HCM.

Chính do những “vượt gộp” này khiến nhiều học giả nước ngoài nhìn nhận HCM như một tư tưởng gia vĩ đại của nhân loại. (Chẳng hạn, giáo sư triết học Nhật Bản, Shingo Shibata chỉ qua bản Tuyên ngôn độc lập (1945), đã phát hiện ra những đóng góp lý luận nổi tiếng của Người và khẳng định HCM là một nhà tư tưởng[14]).

Ngay trong buổi mít tinh mừng ngày độc lập (2-9-1945) tại quảng trường Ba Đình, tư tưởng giải phóng phụ nữ đã được thể hiện rõ thông qua việc HCM cho bố trí hai phụ nữ kéo lá cờ Tổ quốc. Người ta thấy: “đáng lẽ là hai người lính, thì lại là hai người phụ nữ trẻ cùng kéo lá cờ Tổ quốc.

Đó là bà Đàm Thị Loan, người con gái dân tộc Tày ở vùng núi phía Bắc và bà Dương Thị Thoa (sau này là giáo sư Lê Thi), nữ sinh Hà Nội”[15]. Đây đúng là “một cuộc cách mạng” theo cách nhìn nhận của nhà văn Mỹ Lady Borton như đã nhắc đến ở trên. Hai người phụ nữ đại diện cho “phân nửa xã hội” kéo cờ Tổ quốc trong giờ phút trọng đại của dân tộc. Có thể xem đây là dấu mốc mở đầu cho trang sử mới đối với phụ nữ Việt Nam.

Cách mạng giành được độc lập chưa phải là tất cả, sau giành và tuyên bố độc lập còn rất nhiều việc phải làm. Nói về điều này, Maxim Gorky có lý khi cho rằng: “Cách mạng đã đánh đổ nền quân chủ, điều đó đúng! Nhưng điều đó có lẽ cũng có nghĩa rằng cuộc cách mạng đã mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong nội tạng”[16].

Chúng ta nên hiểu ý đại văn hào Xô-viết muốn nói đến nhiều công việc phải làm sau hành động giành được chính quyền của lực lượng cách mạng. Sau tuyên bố độc lập là hàng loạt công việc mà HCM triển khai thực hiện để xây dựng chế độ mới, bảo vệ chính quyền non trẻ và tiến hành kháng chiến chống Pháp quay lại xâm lược lần thứ hai.

Đối với công cuộc giải phóng phụ nữ, với tư cách là người đứng đầu Ban soạn thảo Hiến pháp, HCM đã trân trọng đề nghị ghi vào bản Hiến pháp đầu tiên (1946) của chính thể mới quyền bình đẳng nam nữ. Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, quyền sống và các quyền chính trị, quyền con người khác của phụ nữ được pháp chế hoá.

Khi trong xã hội “quyền phụ nữ luôn luôn là cái bị hy sinh nhân danh quyền con người”[17] thì việc làm này là một trong những tiền đề quan trọng để triển khai thực hiện quyền bình đẳng nam nữ trên thực tế.

Từ quyền ghi trong Hiến pháp đến hiện thực là cả một khoảng dài tranh đấu không mệt mỏi của HCM cùng với Đảng và nhân dân ta. “Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói và làm là nhất quán[18]”. Người tuyên bố giải phóng “phân nửa xã hội” không chỉ trên lời nói mà còn bằng những việc làm cụ thể, thiết thực trong thực tế.

Rất nhiều mẩu chuyện kể về sự tôn trọng, che chở, tranh đấu của HCM cho quyền bình đẳng nam nữ. Chúng ta có thể tìm thấy nhiều minh chứng trong các sách, bài viết liên quan đến chủ đề này (chẳng hạn như cuốn “Chuyện kể Bác Hồ với phụ nữ”[19]). Trong một bài viết ngắn (hơn 3 trang), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hai lần nhắc đến vấn đề HCM rất quý/tôn trọng phụ nữ[20]. Người rất bất bình khi thấy trong xã hội mới vẫn còn hiện tượng đàn ông chửi bới, đánh đập phụ nữ. Người tỏ rõ thái độ: “Đánh vợ là xấu, đánh vợ là dã man, đánh vợ là phạm pháp!“.

Đúng như một học giả nước ngoài nhận xét: “Điều nổi bật trong hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngay từ buổi đầu cuộc đời hoạt động và chiến đấu của mình, Người đã thấy rõ vai trò quan trọng của phụ nữ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong việc xây dựng đất nước”[21].

Từ quan niệm trên HCM thường xuyên động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho chị em phụ nữ phấn đấu trưởng thành và có sự đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Có thể kể ra đây những tấm gương tiêu biểu cho nữ giới trên những lĩnh vực, cương vị khác nhau từ sau cách mạng tháng 8-1945.

Đó là: Nguyễn Thị Chiên, Mạc Thị Bưởi, Võ Thị Sáu, Trần Thị Lý, Tạ Thị Kiều, Út Tịch, Kan Lịch, Đặng Thuỳ Trâm, Lê Thị Hồng Gấm, Đinh thị Vân, Ngô Thị Tuyển, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Bình, Vân Đài, Hằng Phương, Xuân Quỳnh, Trà Giang, Ngô Bá Thành, Hoàng Xuân Sính, Trương Mỹ Hoa, Tòng Thị Phóng, Hà Thị Khiết, Nguyễn Thị Doan, Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Kim Tiến, Phạm Thị Hải Chuyền[22], v.v…

Khi HCM từ trần (1969), nhà thơ Tố Hữu làm thơ “khóc” HCM. Trong bài “Bác ơi”, Tố Hữu viết: “Trái bưởi kia vàng ngọt với ai/ Thơm cho ai nữa hỡi hoa nhài/ Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm/ Quanh mặt hồ in mây trắng bay”. Trong khổ thơ trên, theo nhà thơ Xuân Diệu, thông qua câu thứ hai, Tố Hữu muốn nhắc nhở chúng ta tiếp tục sự nghiệp đấu tranh giải phóng “phân nửa xã hội” theo tấm gương Chủ tịch HCM.

Khi người đời rẻ khinh hoa nhài (“Con vợ khôn lấy thằng chồng dại/ Như bông hoa nhài cắm…”; hoa nhài nở về đêm, được ví như gái lầu xanh!) thì HCM lại trồng hoa nhài quanh nơi mình ở. Đây là một trong những hành động tôn trọng phụ nữ – tư tưởng nhân văn cao đẹp của HCM… Một tứ thơ hay mang chứa cả một tư tưởng lớn, tiến bộ của HCM và cũng là của văn minh nhân loại.

*       *

*

Tôi xin mượn đoạn nhận xét của Baya Látxen trong bài “Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với phụ nữ Việt Nam” đăng trên tạp chí Phụ nữ (Angiêri) vào năm 1969 khi HCM từ trần làm lời kết cho bài viết của mình: “Tất cả những gì mà phụ nữ Việt Nam đạt được trong hàng chục năm qua là do chị em có tinh thần can đảm, có ý chí cách mạng. Nhưng chị em có được như vậy cũng là nhờ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên và giáo dục…”[23].

Hà Nội, ngày 10-2-2014

Tài liệu trích dẫn

[1] – Giô-xơ-phin Sten-xơn: “Vai trò của Hồ Chí Minh trong lịch sử tiến bộ của phụ nữ” trong Thế giới còn đổi thay, nhưng Tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi, Nxb Khoa học xã hội, 2008, tr. 255.

[2]Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 12, 1966-1969, Nxb Chính trị quốc gia, 2000, tr. 504.

[3] – Giô-xơ-phin Sten-xơn: “Vai trò của Hồ Chí Minh trong lịch sử tiến bộ của phụ nữ” trong Thế giới còn đổi thay, nhưng Tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi, Nxb Khoa học xã hội, 2008, tr. 256.

[4] – Cao Tự Thanh (Tổng chủ biên), Trần Thị Kim Anh (Chủ biên): Phụ nữ Việt Nam trong lịch sử, Tập 1, Phụ nữ Việt Nam thời phong kiến, Nxb Phụ nữ, 2012, tr. 7.

[5] – Trần Khuê: Nghiên cứu và tranh luận, Nxb VH–TT, Hà Nội, 2010, tr. 342.

[6]Hồ Chí Minh, Toàn tập, 2, 1924-1930, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 105.

[7]Hồ Chí Minh, Toàn tập, 2, 1924-1930, Nxb CTQG, HN, 2000, tr.109-110.

[8]Hồ Chí Minh, Toàn tập, 2, 1924-1930, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 106.

[9] – Phương Lựu: “Hồ Chí Minh với những tư tưởng tiến bộ trong đạo đức tư sản”, trong sách Lý luận phê bình văn học, Nxb Đà Nẵng, 2004, tr. 831.

[10] – Chương Thâu, Phạm Ngô Minh (Sưu tầm & Biên soạn): Huỳnh Thúc Kháng, Tuyển tập, Nxb Đà Nẵng, 2010, tr. 394.

[11]Hồ Chí Minh, Toàn tập, 2, 1924-1930, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr. 448.

[12] – Lady Borton: “Hồ Chí Minh và Tuyên ngôn độc lập Mỹ”, trong sách Hồ Chí Minh, một người châu Á của mọi thời đại, Nxb Chính trị quốc gia, 2010, tr. 87-88.

[13] – “Vượt gộp” là chữ dùng của Phan Ngọc. Ông dùng chữ này để chỉ sự tích hợp tri thức, văn hoá của cá nhân hay cộng đồng. Sau đó đóng góp thêm phần của mình vào, tức có sự bổ sung, phát triển hơn. Xin đọc: “Chương XIII: Tư tưởng Hồ Chí Minh, đỉnh cao của văn hoá Việt Nam”, trong sách Bản sắc văn hoá Việt Nam, Nxb Văn hoá thông tin, 2004, tr. 396-431.

[14] – PGS.TS Thành Duy: “Tổng quan về quá trình nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh”, trong Thế giới còn đối thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2008, tr. 25.

[15] – Nguyễn Ngọc Truyện (Biên soạn và Tuyển chọn): Hồ Chí Minh, cứu tinh dân tộc Việt, Nxb Thanh Niên, 2008, tr. 122.

[16] – Dẫn theo Nguyên Ngọc: “Cách mạng, văn hoá và giáo dục”, trong sách Một góc nhìn của trí thức, Nxb Tri thức, 2011, tr. 22.

[17] – Cao Tự Thanh (Tổng chủ biên), Trần Thị Kim Anh (Chủ biên): Phụ nữ Việt Nam trong lịch sử, Tập 1, Phụ nữ Việt Nam thời phong kiến, Nxb Phụ nữ, 2012, tr. 11.

[18] – Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Nghiên cứu, học tập và làm theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Công an nhân dân, 2006, tr. 19.

[19] – Nguyễn Văn Dương: Chuyện kể Bác Hồ với phụ nữ, Nxb Hồng Bàng, 2012.

[20] – Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Bài phát biểu tổng kết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng”, trong sách Thế giới còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi, Nxb Khoa học xã hội, 2008, tr. 321-324.

[21] – Baya Látxen: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với phụ nữ Việt Nam”, trong sách Hồ Chí Minh, một người châu Á của mọi thời đại, Nxb Chính trị quốc gia, 2010, tr. 247-248.

[22] – Xin đọc “Tháng Ba nghĩ về gương mặt các thế hệ phụ nữ Việt Nam anh hùng trong lịch sử” của PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, TCTuyên Giáo, số 3-2013, tr.45-49.

[23] – Baya Látxen: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với phụ nữ Việt Nam”, trong sách Hồ Chí Minh, một người châu Á của mọi thời đại, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 248.

TS. Bùi Hồng Vạn

Leave a Reply

Your email address will not be published.