PHƯƠNG PHÁP ĐỐI THOẠI SOKRATES

Ở phần kết cuốn sách “Cách biệt toàn cầu về thành quả giáo dục”, Tony Wager – tác giả cuốn sách có viết: “Gần 2.500 năm về trước, Sokrates đã được xem là một người thầy rất giỏi, và đến hôm nay có lẽ cũng vậy[1]”. Đúng, Sokrates là một trong những người được ngưỡng mộ nhất trong lịch nhân loại[2]. Cuộc đời, di sản mà Sokrates để lại đã gây kinh ngạc và gợi nhiều cảm hứng cho hậu thế.

Bài viết này sẽ đề cập đến một trong những di sản tinh thần đặc biệt của ông, đó là phương pháp (hay nghệ thuật) đối thoại của Sokrates.

1. Vài nét về cuộc đời Sokrates

Sokrates sinh năm 469[3] và mất năm 399 TCN. Cha ông là một nhà điêu khắc, còn mẹ làm hộ sinh. Sokrates là một người đàn ông xấu xí: vóc dáng thấp, béo, ục ịch, bụng phệ, cổ ngắn, đầu to hói, trán dô to, mũi dẹt và hếch cùng với lỗ mũi rộng, răng dày, mặt phù, mắt lồi. Đã thế ông còn có cái nhìn “lườm nguýt” nên không gây được thiện cảm với nhiều người khi tiếp xúc.

Sokrates luôn mặc quần áo cũ kỹ, bẩn và đi chân đất. Hầu như suốt ngày la cà cùng đám thanh niên (đệ tử của ông) ở những nơi công cộng ở thành thị Athens.

Sokrates kết hôn với người phụ nữ có tên Xanthippe vào năm ông 50 tuổi. Bà vợ đối xử với chồng không được tốt. Trong chuyện này, ông cũng có lỗi, ông hầu như không giúp được gì cho vợ con… Sokrates có một câu nói nổi tiếng về hôn nhân: “Nên lấy vợ! Gặp vợ hiền, bạn được hạnh phúc; gặp vợ dữ, bạn thành… triết gia; đằng nào cũng có lợi”[4]. Sokrates giỏi khiêu vũ và cho là khiêu vũ giúp cho cơ thể khỏe mạnh. Trong giao tiếp, ông thích chế nhạo, chọc ghẹo người khác.

Sokrates để lại nhiều danh ngôn:

“Sự giàu có và quyền quý không mang lại một phẩm chất nào”; “Chết dũng cảm còn hơn sống nhục nhã”; “Những người trẻ tuổi cần soi gương thường xuyên hơn: người đẹp thì soi để làm sao không làm hoen ố sắc đẹp của mình; người xấu soi để làm cho cái xấu của mình trở nên đẹp hơn nhờ giáo dục”; “Trở nên thấp kém hơn bản thân mình không phải là cái gì khác ngoài sự ngu dốt, trở nên cao cả hơn bản thân mình không phải là cái gì khác ngoài sự thông thái”; “Tôi ăn để sống, còn những người khác sống để ăn”; “Sự mở đầu tốt đẹp không phải là điều vặt vãnh, mặc dù mọi cái đều bắt đầu từ điều vặt vãnh”; “Tôi biết rõ là tôi không biết gì cả[5]; v.v…

Sokrates sống cuộc đời của một hiền nhân. Ông dành phần lớn thời gian cho các cuộc “tranh luận trên đường phố”… Sokrates là người có đầu óc sắc sảo, có khả năng nổi trội về phê bình, biện luận. Ông thường tiến hành các cuộc truy vấn đối với những người khác (tướng lĩnh, thương nhân, thợ thủ công, nhà chính trị, người dân, thanh niên). Sokrates chọc giận, gây khó chịu cho nhiều người trong những cuộc tiếp xúc, khiến nhiều người không ưa ông. Ông bị buộc tội “đầu độc thanh niên” và phải uống thuốc độc tự kết liễu cuộc đời vào năm 399 TCN.

Sokrates có nhiều môn đệ suất sắc, trong đó hai người xuất sắc nhất chính là Platon và Xénophon. Sokrates không để lại di sản tư tưởng của mình trong các văn bản. Tư trưởng triết học của ông được hậu thế biết đến đều qua các biểu văn của người khác, đặc biệt là qua các tác phẩm của Plato.

Sokrates là một cột mốc quan trọng trong lịch sử triết học phương Tây. Trong Sokrates hội tụ ba con người; đó là con người trí thức, con người triết gia và một nhà nhân quyền[6].

Mặc dù được xem là một hiền nhân, một người khôn ngoan nhất thời cổ Hy Lạp. Nhưng Sokrates vẫn tự cho mình là người không biết gì cả (thực ra đây chỉ là sự giễu nhại của ông). Khi nói đến Sokrates, người ta thường nhắc đến hai câu nổi tiếng của ông: “Tôi biết rằng tôi không biết gì cả”, “Hãy biết chính mình!”[7].

Sokrates là người có học vấn uyên bác, ông đã từng là một chiến binh dũng cảm, nhưng chưa bao giờ tham gia vào một công việc nào của nhà nước ở Athens thời bấy giờ. Phần lớn thời gian trong cuộc đời mình Sokrates dành để thực hiện một sứ mệnh cao cả là “hộ sinh tinh thần” cho dân chúng Athens.

Không giống như nhiều học giả, triết gia khác, Sokrates không thực hành, hoạt động triết học trong tháp ngà. Hàng ngày ông cùng những môn đệ của mình lang thang trên đường phố, ở những nơi công cộng, giữa chợ Athens để trao đổi, tranh luận với nhiều người. Khác với các biện sĩ đương thời bán trí khôn kiếm tiền, Sokrates dạy học miễn phí cho đám thanh niên.

2. Phương pháp đối thoại của Sokrates

Khác thời nay, trong thời cổ đại, khi khoa học, kỹ thuật chưa phát triển các bậc đại sư như Đức Phật, Khổng Tử, Sokrates đều dạy học theo lối truyền khẩu, thông qua các cuộc đối thoại để truyền đạt tri thức hoặc làm rõ các vấn đề trong bài học.

Sokrates đặc biệt ưa dùng đối thoại trực tiếp trong dạy học. Giải thích về điều này, Sokrates nói: “Sáng tác thành văn không thể tái hiện cuộc đối thoại thực sự, thậm chí nó còn trở thành trở ngại đối với sự giao tiếp của con người. Người ta không thể hỏi một cuốn sách giống như hỏi một người sống… Văn viết tạo ra thói hay quên và dễ đem lại cho người ta cảm tưởng “biết nhiều”, kỳ thực thì vẫn ngu dối. Đối thoại là “lời nói đích thực, sống động và có hồn của người hiểu biết”.

Có thể nói, cống hiến lớn nhất của Sokrates là đã mang triết học từ trên trời xuống dưới mặt đất. Thay vì bàn chuyện vũ trụ cao xa như các bậc tiền bối, Sokrates quan tâm đến những vấn đề của cuộc sống con người. Ông tin rằng mọi người ai ai cũng biết lẽ phải, đều làm theo lẽ phải nếu được thức tỉnh.

Để thực hiện sứ mệnh “khai dân trí”, Sokrates đã dựa vào phương pháp hộ sinh của mẹ mình để xây dựng thuật/phương pháp đối thoại, giúp dân chúng thành Athens tự tìm lấy lẽ phải, chân lý.

Về sau phương pháp phát hiện ra chân lý nhờ hỏi – đáp[8] (đối thoại) của Sokrates trở thành một phương pháp, thủ thuật làm triết học và khoa học nổi tiếng, có giá trị của phương Tây.

Ta có thể hình dung về thuật (hay nghệ thuật) đối thoại hỏi – đáp để truy tầm chân lý của Sokrates bao gồm các nội dung và qua bốn bước sau đây:

 * Thứ nhất: Giả vờ không biết để nhờ người đối thoại giảng cho (có người gọi đây là “sự giả ngây mỉa mai của Sokrates”, Frédéric Lenoir).

Mỗi khi có ai đó nói chuyện với Sokrates, cho dù lúc đầu người đó nói về một chủ đề hoàn toàn khác thì Sokrates cũng tìm mọi cách đưa họ về câu chuyện nói đến chính người đó. Sau đó, bằng những câu hỏi hoặc là sự châm biếm, mỉa mai ông chứng minh cho người đó biết thật ra anh ta chẳng biết gì (!).

* Thứ hai: Sokrates dùng phương pháp quy nạp để xây dựng từng bước về cái biết một cách vững chắc. Đó là phân tích chính xác những ví dụ cụ thể trong đời thường; từ đó rút ra những kết luận và định nghĩa tạm thời.

* Thứ ba: Bằng phương pháp định nghĩa, làm cho những khẳng định tạm thời ấy ngày càng tinh vi và chính xác hơn.

* Thứ tư: Có được những định nghĩa rõ ràng, phổ quát về vấn đề đang bàn.

Có thể nói, phương pháp đối thoại của Sokrates trở thành cơ sở cho sự phát triển triết học và khoa học của nhiều thế hệ sau này.

Chúng ta có thể lấy nhiều đối thoại làm minh chứng và dựa vào đó để phân tích làm rõ thuật/phương pháp đối thoại đặc biệt của Sokrates. Sau đây là hai cuộc đối thoại[9] tiêu biểu cho phương pháp – thuật “hỏi – đáp” để đi đến chân lý của Sokrates:

  • Cuộc đối thoại thứ 1 (Sokrates đối thoại với Laches):

– Sokrates: Laches, hãy thử nói xem lòng can đảm là gì?

– Laches: Sokrates, theo tôi điều đó chẳng có gì khó. Nếu một người sẵn sàng đứng trong quân ngũ, đối mặt với kẻ thù và không chạy trốn thì người đó dũng cảm.

– Sokrates: Trong trận Plataea, người Sparta nổi dậy chống lại người Ba Tư, nhưng không sẵn sàng chiến đấu và đã rút lui. Khi quân Ba Tư đuổi theo, hàng ngũ của họ bị phá vỡ; sau đó người Sparta quay lại chiến đấu như thể sẵn sàng tử vì đạo và nhờ thế mà giành được thắng lợi.

Sokrates dẫn dắt cuộc đối thoại theo hướng buộc Laches phải nêu quan điểm thứ hai – lòng can đảm là một dạng của sự bền bỉ. Đến đây, Sokrates lại chỉ ra sự bền bỉ có thể bị hướng vào mục tiêu không chính đáng. Để phân biệt lòng can đảm thực sự với sự cuồng nhiệt điên rồ thì cần có một yếu tố khác. Lúc đó, bạn đồng hành của Laches là Nicias, theo sự dẫn dắt của Sokrates, đã đề xuất lòng can đảm sẽ phải đi kèm với tri thức, sự nhận thức cái thiện và cái ác và không phải lúc nào cũng gắn với chiến tranh.

Vậy là, chỉ qua một cuộc trò chuyện ngắn ngoài đường người ta cũng có thể phát hiện ra sự thiếu hụt nghiêm trọng về định nghĩa chuẩn cho một đức tính rất được ngưỡng mộ của người Athens thời đó là lòng can đảm.

Họ đã không tính đến lòng can đảm bên ngoài chiến trường hay tầm quan trọng của tri thức đi kèm với sự bền bỉ. Vấn đề thảo luận tưởng tầm thường nhưng lại có ngụ ý vô cùng to lớn.

Nếu một vị tướng cho rằng việc ra lệnh cho quân đội của mình rút lui là hèn nhát, ngay cả khi đó là hành động hợp lý duy nhất, thì việc định nghĩa lại lòng can đảm sẽ mở rộng những lựa chọn và giúp ông ta đối phó với những lời chỉ trích của người khác.

  • Cuộc đối thoại thứ 2 (Sokrates đối thoại với Meno):

– Sokrates: Theo ngài những thứ tốt có nghĩa là sức khỏe và tài sản?

– Meno: Tôi nghĩ nó bao gồm cả vàng và bạc, cùng một vị trí cao và danh giá trong bộ máy nhà nước.

– Sokrates: Đó có phải là những thứ duy nhất mà ngài cho là tốt không?

– Meno: Đúng, ý tôi là tất cả những thứ kiểu như vậy.

– Sokrates:… Ngài cho rằng việc “có được” những thứ đó có cần phải “công bằng và chính đáng” không, hay điều đó với ngài không quan trọng?

Liệu ngài có coi một người là có phẩm hạnh ngay cả khi họ có được những thứ tốt một cách không công bằng hay không?

– Meno: Chắc chắn là không.

– Sokrates: Như vậy có vẻ là việc có được [vàng và bạc] phải gắn với sự công bằng, chừng mực, lòng hiếu thảo hoặc những yếu tố khác của phẩm hạnh…

Thực ra, việc không có vàng bạc, nếu xuất phát từ thất bại trong việc có được chúng… trong những trường hợp mà việc có được chúng là không chính đáng, thì bản thân nó lại là phẩm hạnh.

– Meno: Có vẻ như vậy.

– Sokrates: Như thế có nghĩa là việc có các thứ đó không hề làm cho một người trở nên tốt đẹp hơn là không có chúng, đúng vậy không?

– Meno: Kết luận của ngài có vẻ như là tất yếu.

Sau đó, Sokrates còn chỉ cho Meno thấy tiền bạc và ảnh hưởng của bản thân chúng không phải là những đặc điểm cần và đủ của phẩm hạnh. Người giàu có thể được ngưỡng mộ nhưng điều đó còn phụ thuộc vào việc tài sản của họ từ đâu mà có. Và sự nghèo khó bản thân nó không cho thấy điều gì về giá trị đạo đức của một cá nhân.

Không có lý do ràng buộc nào để một người giàu cho rằng tài sản của mình đảm bảo cho phẩm hạnh. Và cũng không có lý do ràng buộc nào để một người nghèo nghĩ rằng sự nghèo khó của mình là dấu hiệu của sự đồi bại.

3. Kết luận: Chúng ta học gì từ Sokrates?

Sokrates là một trong những triết gia vĩ đại của nhân loại. Sokrates là trung tâm của thời đại cổ điển. Theo một ý nghĩa nào đó, Sokrates là tâm điểm của của lịch sử tư tưởng cổ đại. Tư tưởng triết học của ông là sự hội tụ các con đường phát triển trước đó, rồi mở ra những khởi xướng mới, kéo dài trong suốt giai đoạn tiếp theo.

Mặc dù Sokrates không xây dựng một học thuyết toàn diện và hệ thống; song, ông vẫn được xem là người thực hiện một “cuộc cách mạng trong triết học”. Là vì trước ông, triết học phương Tây chỉ quan tâm đến vũ trụ, tự nhiên; đến ông triết học bắt đầu được kéo từ trên trời xuống dưới đất.

Chúng ta học gì từ Sokrates? Hậu thế học được nhiều điều có giá trị, ý nghĩa từ triết gia vĩ đại này. Xét từ giác độ tri thức – kinh nghiệm – học thuật, chúng ta có thể học Sokrates 5 điều sau đây[10]:

1) Biết nghe và biết hỏi là yếu tố cơ bản để thành công. Nhưng hỏi không phải để truy bức, để bắt bí mà để người được hỏi có dịp suy nghĩ và tự trả lời: câu trả lời và giải pháp là do chính họ tìm ra;

2) Kiểm tra có phê phán sự hiểu biết của bản thân;

3) Nền móng của đối thoại là sự trung thực, minh bạch, là sự tin cậy lẫn nhau…;

4) Tránh mọi sự cực đoan: “Sự cực đoan bao giờ cũng tạo ra sự cực đoan ngược lại. Thời tiết cũng thế, thân thể ta cũng thế, nhà nước, quốc gia đều thế cả”;

5) Không cần sống khổ hạnh (“ăn và uống mới làm cho xác và hồn gặp nhau”)…

Còn về nhân cách thì chúng ta học từ Sokrates tinh thần dũng cảm trong đấu tranh bảo vệ chân lý, bảo vệ lẽ phải và nhân phẩm của mình. Đúng như học giả Bùi Văn Nam Sơn đánh giá – ông là một “tượng đài lẫm liệt của nhân cách: nhân cách của người trí thức đích thực[11]”. Sokrates cũng là nhà triết học sống theo những gì mình cho là đúng. Tư tưởng triết học và cuộc đời ông hòa làm một.

Đặc biệt cần nhấn mạnh thêm về phương diện phương pháp, ông đã để lại cho nhân loại một phương pháp – nghệ thuật đối thoại tuyệt vời. Chúng ta có thể khai thác vận dụng phương pháp này trong dạy học.

Cho đến hôm nay, phương pháp Sokrates vẫn còn nguyên giá trị trong việc nêu câu hỏi truy vấn, dẫn dắt người học từng bước chiếm lĩnh tri thức và chân lý. Nếu được vận dụng tốt, phương pháp này sẽ góp phần tích cực vào phát triển năng lực cho người học về các kỹ năng: đặt câu hỏi, hành xử với các ý tưởng, biện luận… và truyền đạt thông tin rõ ràng. Đây là những kỹ năng tất cả các thành phần ưu tú của các xã hội hiện đại đều cần đến[12].

Tài liệu tham khảo

[01] Tony Wagner: Cách biệt toàn cầu về thành quả giáo dục (The Global Achievenet Gap), Nxb. Thời đại, 2014.

[02] Frédéric Lenoir: Sokrates, Chúa Giêsu, Đức Phật – ba bậc thấy của cuộc sống, Đại học Hoa Sen, Nxb. Hồng Đức, 2017.

[03] Bùi Văn Nam Sơn: Trò chuyện triết học, Nxb. Tri thức, 2012.

[04] Bernard Morichère & nhóm giáo sư triết học các trường đại học Pháp: Triết học Tây Phương – Từ khởi thủy đến đương đại, Nxb. Văn hóa thông tin, 2010.

[05] P.S. Taranốp: 106 nhà thông thái (cuộc đời, số phận, học thuyết, tư tưởng), Nxb. Chính trị quốc gia, 2012.

[06] Đỗ Minh Hợp: Lịch sử triết học phương Tây, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, 2014.

[07] PGS.TS. Nguyễn Tấn Hùng: Lịch sử triết học phương Tây, từ triết học Hy Lạp cổ đại đến triết học cổ điển Đức, Nxb. Chính trị quốc gia, 2012.

[08] Dagobert D. Runes: Lịch sử triết học, từ cổ đại đến cận hiện đại, Nxb. Văn hóa Thông tin, 2009.

[09] Nguyễn Ước: Các chủ đề triết học, Nxb. Tri thức, 2009.

[10] Alain De Botton: Sự an ủi của triết học, Nxb. Thế giới, 2015.

(Đã đăng tạp chí Dạy và Học ngày nay, số 1-12/2019)

TS. Bùi Hồng Vạn

Trường Đại học Thương mại (TMU)


[1] Tony Wagner: Cách biệt toàn cầu về thành quả giáo dục (The Global Achievenet Gap), Nxb. Thời đại, DT Book, 2014, 331.

[2] Forrest E. Baird: Tuyển tập danh tác triết học từ Plato đến Derrida, Nxb. Văn hóa thông tin, Công ty Minh Trí – NS Văn Lang, 2006, tr.9.

[3] Có tài liệu nói Sokrates sinh năm 470 TCN (Forrest E. Baird: Tuyển tập danh tác triết học từ Plato đến Derrida, Nxb. Văn hóa thông tin, Công ty Minh Trí – NS Văn Lang, 2006, tr.9).

[4] Bùi Văn Nam Sơn: Trò chuyện triết học, Nxb. Tri thức, 2012, tr.22.

[5] P.S.Taranốp: 106 nhà thông thái (cuộc đời, số phận, học thuyết, tư tưởng), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.150.

[6] Bùi Văn Nam Sơn: Trò chuyện triết học, Nxb. Tri thức, 2012, tr.21

[7] Bùi Văn Nam Sơn: Trò chuyện triết học, Nxb. Tri thức, 2012, tr.23.

[8] P.S. Taranốp: 106 nhà thông thái, Nxb. Chính trị quốc gia, 2012, tr.146-147.

[9] Hai cuộc đối thoại này được trích từ sách Sự an ủi của triết học của Alain de Botton, Nxb. Thế giới xuất bản năm 2015, tr.26-29.

[10] Bùi Văn Nam Sơn: Trò chuyện triết học, Nxb. Tri thức, 2012, tr.25.

[11] Bùi Văn Nam Sơn: Trò chuyện triết học, Nxb. Tri thức, 2012, tr.21.

[12] Tony Wagner: Cách biệt toàn cầu về thành quả giáo dục (The Global Achievenet Gap), Nxb. Thời đại, 2014, tr.331-332.

Leave a Reply

Your email address will not be published.