OSHO NÓI VỀ SÁNG TẠO

SÁNG TẠO (tiếng Anh: Creativity) là khái niệm được đề cập đến trong tất cả các bộ môn khoa học. Người ta bàn, luận giải về sáng tạo trên nhiều khía cạnh, phương diện khác nhau. Từ đó tạo ra những ý niệm, quan niệm, khái niệm khác nhau về nó.

Trên thế giới có học giả gần như dành cả đời để nghiên cứu – truyền bá về lý thuyết sáng tạo, đó là GS. Altshuller (Liên Xô cũ; ông là nhà sáng chế, đồng thời là tác giả của Lý thuyết giải các bài toán sáng chế TRIZ = sáng tạo). PGS Phan Dũng (một trong những học trò của GS. Altshuller) đã rất nỗ lực truyền bá Lý thuyết sáng tạo này vào nước ta. Và nó cũng tạo được chút ảnh hưởng đối với xã hội Việt Nam; nhưng rồi chìm dần, đến bây giờ ít người biết/nhắc đến nó.

Tuy vậy, sáng tạo vẫn là vấn đề muôn thuở của nhân loại. Trong mọi thời đại, con người muốn tồn tại và phát triển thì dứt khoát và luôn phải sáng tạo. Nhưng để sáng tạo có hiệu quả lại cần có quan điểm, lý thuyết soi đường… Một trong những quan điểm về sáng tạo mà tôi đọc được và thấy thích đó là quan điểm của Osho. Sau đây là một số đoạn trong cuốn “Sáng tạo bừng cháy sức mạnh bên trong” của OSHO:

“Sáng tạo là sự nổi loạn ngoạn mục nhất trong cuộc sống. Để sáng tạo, bạn phải thoát khỏi mọi khuôn phép; bằng không sự sáng tạo của bạn chỉ là một bản sao chép không hơn không kém. Bạn cũng chỉ có thể sáng tạo khi bạn tồn tại như một cá thể riêng biệt, độc đáo và tách rời khỏi tâm lý đám đông. Tâm lý đám ông hoàn toàn phi sáng tạo. Đó chỉ là một kiểu sống mòn, không vũ điệu, không tiếng hát, không niềm vui – hết sức máy móc.

Người sáng tạo không thể bước theo lối mòn cũ kĩ. Anh ta phải vạch ra hướng đi riêng cho mình, phải tự khám phá những bí ẩn của cuộc đời. Anh ta phải dấn thân, phải vượt ra khỏi tâm trí của đám đông. Tâm trí của đám đông là loại tâm trí bầy đàn, a dua, a tòng, thấy đám đông chạy mình cũng chạy, thấy đám đông dừng mình cũng dừng mà không hiểu vì sao. Tâm trí này thiếu sự trải nghiệm và phân tích.

Tuy vậy tính bầy đàn cũng có sức cám dỗ của riêng nó: những ai cho rằng lựa chọn của đám đông là hướng đúng đắn duy nhất thì sẽ được tôn trọng, kính nể. Chính vì thế từ lâu đã tồn tại quy luật hà khắc, đó là những người làm công việc sáng tạo như: họa sĩ, vũ công, nhạc sĩ, nhà thơ, nhà điêu khắc… chớ có mơ tưởng đến việc được trọng vọng. Họ phải sống một cuộc đời du mục, môt cuộc đời nay đây mai đó – điều kiện duy nhất để họ mặc sức sáng tạo…

Nỗ lực của tôi là phá vỡ định kiến của đám đông và giải phóng cho mỗi cá nhân để họ được là chính mình… Trên thực tế, loài người chỉ thật sự được sinh ra vào cái ngày mà mỗi cá nhân đều được tôn trọng bởi chính sự “trở lại” của mình… Loài người cần có một mảnh đất mới, mảnh đất của tự do. Chủ nghĩa du mục, một lối sống không chiều theo quy tắc xã hội, là một kiểu phản ứng tất yếu.

Nhưng nếu tầm nhìn của tôi trở thành hiện thực, khi đó chủ nghĩa du mục sẽ không còn tồn tại nữa, bởi sẽ không còn tồn tại cái gọi là tâm trí đám đông luôn tìm cách thống trị con người. Mọi người sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn. Khi đó chỉ có sự sáng tạo. Sáng tạo chính là hương thơm của tự do. Người sáng tạo là người có sự hiểu biết thấu suốt, có thể nhìn thấy những điều chưa ai từng thấy trước đó và nghe thấy những điều chưa ai từng nghe…”.

Leave a Reply

Your email address will not be published.