“Nghe và Nói” thuộc về kỹ năng (mềm) của con người. Hai kỹ năng này có vai trò quan trọng trong các kỹ năng mà con người cần quan tâm học hỏi, xây dựng và phát triển, phát huy trong cuộc sống. Nếu làm tốt chúng sẽ góp phần hỗ trợ con người thành công trong cuộc sống nói chung, trong sự nghiệp nói riêng.
Thành ngữ Việt có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Câu thành ngữ này nói đến “học ăn” nhưng không thấy nói học “nghe”, học “lắng nghe”! Trong khi đó, khoa tâm lý học giao tiếp phương Tây rất coi trọng chuyện nghe. Các chuyên gia nhấn mạnh: một người giỏi giao tiếp trước hết phải là một người biết lắng nghe. Khi cần mở lời, trước hết anh ta phải biết quan sát phản ứng phi ngôn ngữ của người khác, sau đó sẽ quyết định nên dùng hình thức và nội dung giao tiếp nào.
Thống kê tâm lý xã hội học cho biết có khoảng từ 50% đến 80% thời gian của một người là dùng để giao tiếp với người khác. Trong đó thời gian lắng nghe chiếm tới một nửa toàn bộ thời gian tham gia giao tiếp.
Trong phát triển sự nghiệp cá nhân, “lắng nghe” được coi là kỹ năng giao tiếp quan trọng hơn “nói”. Các chuyên gia còn nhấn mạnh: “Nghe, là cơ hội tốt nhất giúp bạn nâng cao giá trị và tri thức”, “Những gì chúng ta nói có quan hệ mật thiết với những gì chúng ta nghe, thậm chí nó được bắt nguồn từ những gì chúng ta nghe”.
“Lắng nghe” được xem như một bộ môn nghệ thuật mà những người muốn thành công phải biết nắm bắt. Lắng nghe chính là phương pháp đơn giản nhất giúp bạn xây dựng hình tượng đẹp cho bản thân. Các chuyên gia tâm lý giao tiếp luôn đề cao nguyên tắc: “Trước khi học nói, hãy bắt đầu từ học nghe”…
Từ thời cổ đại, ở phương Tây, người ta đã coi trọng việc lắng nghe. Chuyện kể lại rằng: Một thanh niên trẻ đến bái Socrates làm thầy. Thanh niên này muốn ông truyền cho mình kỹ năng diễn thuyết.
Để thể hiện khả năng ăn nói thiên phú và xuất sắc của mình, anh ta thao thao bất tuyệt diễn thuyết trước mặt Socrates. Socrates đã ngắt lời và bảo anh thanh niên phải trả học phí gấp đôi thì ông mới thu nhận làm học trò. Thanh niên kinh ngạc hỏi lại ông: “Vì sao con phải trả học phí gấp đôi?”. Socrates đã trả lời: “Bởi vì tôi phải dạy cho cậu hai môn học: môn thứ nhất là học cách im lặng, không nói, chỉ lắng nghe. Sau đó là môn học mở miệng nói những gì mình nghĩ”…
Vậy là, giữa nghe và nói, nghe được xác định quan trọng hơn nói. Cả hai truyền thống văn hóa Đông Tây đều tương đồng nhau ở điểm này. Lão Tử (của Phương Đông) bảo: “Đại âm hi thanh; đại tượng hi hình” (nghĩa là: Âm thanh lớn chưa hẳn khiến người khác nghe lọt tai; hình ảnh lớn chưa hẳn khiến người khác nhìn lọt mắt). Còn cách ngôn phương Tây thì nói: “Thượng đế ban tặng cho chúng ta hai cái tai và một cái lưỡi, vì muốn chúng ta nghe nhiều, nói ít”… Góp vào kho tàng văn hóa nhân loại về nghe và nói, thành ngữ Việt có câu: “Im lặng là vàng”. Nếu bình tán rộng thì thành ngữ này cũng có ý trùng với tư tưởng Đông Tây nói trên…
Hà Nội, ngày 22/1/2020
Bùi Tâm Văn