Lòng bao dung của Cụ Hồ

Cụ Hồ là một nhân vật lịch sử trở thành huyền thoại ngay khi còn sống. Một trong những nét tính cách tạo nên người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất là tấm lòng bao dung rộng lớn. Bài viết của nhà nghiên cứu Trần Đương sẽ giúp chúng ta hiểu biết thêm về lòng bao dung của Cụ Hồ Chí Minh:

Ngay từ thuở nhỏ, sống và lớn lên trong tình cảm của cha mẹ, người thân, bà con họ hàng ở quê hương, Bác Hồ của chúng ta – tức cậu Công lúc còn bé và Nguyễn Tất Thành khi là chàng trai – đã giàu lòng nhân ái, bao dung. “Thương người như thể thương thân”, câu ca ấy thấm sâu trong tâm hồn Bác.

Từ trong cảnh ngộ của người dân mất nước, thực dân phong kiến chà đạp, Bác thương yêu đồng bào và quyết tìm đường cứu nước, cứu dân. Tấm lòng bao dung của Người là kết quả của sự nhận thức từ những tư tưởng, tinh hoa của văn hóa dân tộc – Thiện, Nhân, Tâm, Đức, Trí của các nhà triết học tiền bối, như Lão Tử (“Vì nhân từ nên mới mạnh”), Cervantes (“Khoan hồng còn chói sáng hơn công lý”)…

Sự bao dung ấy của Người thể hiện trong ứng xử hằng ngày, ở chính sách của Nhà nước. Không có lòng bao dung cao cả, không thể có đường lối “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”. Người thường nói: “Quan san muôn dặm một nhà/ Bốn phương vô sản đều là anh em”, cũng là xuất phát từ tư tưởng “Tứ hải giai huynh đệ”.

Nhờ có “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” mà “thành công, thành công, đại thành công”. Không chỉ đoàn kết với những người cùng chí hướng, cùng hoàn cảnh, mà cả với người hôm qua còn lầm lạc, với kẻ thù khi đã hạ súng đầu hàng.

Năm 1946, trước giờ lên đường sang Pháp, Bác Hồ còn viết thư cho đồng bào Nam Bộ khuyên “đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi”. Người viết: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài. Nhưng vắn dài đều hợp lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu con người cũng có người thế này, thế khác, đều dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”.

Chính tư tưởng “đại đoàn kết” này là một trong những yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Thám Tám 1945, của các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc. Bác Hồ đã trân trọng cầu hiền tài và rất nhiều trí thức nhân sĩ cũ, kể cả các vị từng là quan lại phong kiến, đã theo Bác đi kháng chiến đến thành công.

Với sĩ quan tù binh Pháp, Người trao chiếc áo mặc khỏi lạnh. Với binh lính địch khi nhận ra lẽ phải chạy sang hàng ngũ cách mạng, Người gọi là “bạn”, là “cháu”, là “con”. Cho nên, không ít người thuộc phía bên kia cũng gọi Người là “Bác Hồ”, “Cha Hồ”.

Với những thanh niên còn nhiều khuyết điểm, Bác không gọi là “lạc hậu” mà dùng chữ “chậm tiến”. Người luôn khích lệ mọi người tiến về phía trước, làm nhiều việc tốt, việc hay. Trước khi đi xa, Người còn gửi lại “muôn vàn tình thân yêu” trong bản Di chúc thiêng liêng.

(Trần Đương: “Sáng mãi tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Nxb. Thanh niên, 2009)

Hà Nội, ngày 18/03/2020

Bùi Tâm Văn

Leave a Reply

Your email address will not be published.