Giấc mơ của chàng thư sinh

Có một chàng thư sinh đi thi. Anh đã luyện mài kinh sử 10 năm và có biết bao mơ ước trong 10 năm đèn sách. Nhưng trong kỳ thi năm đó, anh thi hỏng, tất cả hy vọng cũng tan.

Trên đường về, lòng anh tràn ngập bởi nỗi tuyệt vọng. Đói, mệt mỏi, anh đi qua một sườn núi và thấy một ông Đạo đang ngồi nấu một nồi cháo. Khi nhìn thấy anh, ông Đạo hỏi: – Anh đi đâu mà có vẻ thiểu não như vậy? Anh chàng thư sinh nói: – Chán quá thầy ơi! Chắc tôi chết mất. Bao nhiêu hy vọng tan thành mây khói hết. Mười năm đèn sách, kinh sử, bây giờ không còn gì nữa. Còn mặt mũi nào để về nhà đây…

– Anh thi hỏng à? Ông Đạo hỏi. – Vâng!

– Thôi anh nghỉ ngơi chút cho khỏe rồi đi. Anh nằm gối đầu lên gốc cây này, ngủ một giấc cho khỏe. Tôi đang nấu cháo kê. Khi chín, tôi sẽ đánh thức anh dậy ăn cháo rồi tiếp tục cuộc hành trình…

Nghe lời ông Đạo, chàng thư sinh nằm xuống, gối đầu lên gốc cây và ngủ thiếp đi. Anh mơ thấy mình thi đậu, được vua gả cho công chúa xinh đẹp. Anh được làm quan to, hạnh phúc tràn trể, danh vọng, địa vị… đủ hết. Về sau đất nước có giặc xâm lấn bờ cõi, vua cử anh đi chặn giặc. Nhưng thế giặc mạnh, anh không ngăn được, để giặc tràn qua biên giới. Vua ra lệnh chém đầu anh. Khi đao phủ chuẩn bị hành quyết thì anh bừng tỉnh dậy… Hú hồn!

Trong văn học cổ Trung Hoa, chuyện này có tên là “Giấc kê vàng” (hay “Mộng hoàng lương”). Mới hay, trong cuộc sinh tồn và phát triển, con người luôn tạo ra những câu chuyện, được xem như liều thuốc bổ tinh thần để tự chữa trị cho mình trong những hoàn cảnh bất như ý… Tất nhiên, đây chỉ là một trong những cách lý giải bình thường của cá nhân tôi về chuyện này. Bên cạnh còn có cách lý giải khác – cao siêu, mang tinh thần triết học (Phật giáo). Nếu bạn muốn biết về cách lý giải này, xin đọc các trang 55-58 trong cuốn sách hay – “Đập vỡ vỏ hồ đào” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh (xuất bản năm 2014)]…

Hà Nội, ngày 26/03/2020

Bùi Tâm Văn

Leave a Reply

Your email address will not be published.