“CÔ ĐƠN, CÔ ĐƠN HƠN NỮA…”

Trong bài viết của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (“Con đường văn học”) có câu: “Cô đơn, cô đơn, cô đơn hơn nữa”. Hàm ý câu này là gì? 

Trong lịch sử tiến hóa của nhân loại, cô đơn là một thuộc tính vốn có từ xa xưa. Dẫu vẫn biết con người cần phải sống trong tập thể, sống với cộng đồng. Nhưng nếu họ không có những khoảng lặng (cô đơn) thì khó mà tồn tại, chứ đừng nói đến sáng tạo, phát triển. 


Con người cần sống hài hòa giữa tập thể và cá nhân. Sự kết hợp – kết nối – tương tác – hợp tác giữa các cá nhân tạo nên giá trị “NGƯỜI” trong phạm trù CON-NGƯỜI. Song, họ cũng rất cần những “khoảng lặng”, sống trong sự tĩnh lặng, cá nhân (CÔ ĐƠN). 


Nếu tất cả chỉ có ồn ào, náo nhiệt, tập thể thì con người có nguy cơ mắc bệnh do sự mất quân bình trong cuộc sống là khá cao. Triết lý phương Đông đã định nghĩa bệnh chính là biểu hiện của mất quân bình ÂM-DƯƠNG. Chữa bệnh (thực chất) là lập lại thế quân bình âm dương cho cơ thể con người.

Sự tĩnh lặng, trạng thái cô đơn là cực kỳ cần thiết đối với MỖI CON NGƯỜI. Trong những giờ phút tĩnh lặng, người ta tập trung suy ngẫm, phát hiện và tạo nên những thành tựu vĩ đại. Đó là những phát kiến, phát minh về khoa học, kỹ thuật, công nghệ; những sáng tạo về tư tưởng, triết lý; những tri kiến mang tính đột phá, khai minh… Những nhà tu hành, các đạo sư thường giác ngộ ĐẠO trong sự tĩnh lặng của môi trường sống.

Như vậy, cô đơn trở thành một phần – một điều kiện – một tiền đề thiết yếu giúp con người tạo nên những giá trị, những thành tựu văn hóa, văn minh… (Có lẽ) vì thế mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã khẳng định: “Cô đơn, cô đơn, cô đơn hơn nữa – đấy là lối mòn bậc thánh nhân”. Không phải chỉ có Nguyễn Huy Thiệp, trên thế giới rất nhiều người chia sẻ tư tưởng này và họ thường biến sự cô đơn thành một trong những điều kiện để tạo nên giá trị, sự thành công, phát triển…

Trong số những người cô đơn thì các vĩ nhân là những người cô đơn nhất. Do họ có khả năng vượt trội so với những người khác về một lĩnh vực nào đó nên hầu hết/tất cả mọi người không hiểu và không thể chia sẻ được với tư tưởng, hành động của họ… Dưới góc nhìn của Nguyễn Huy Thiệp vua Gia Long (triều Nguyễn) là “một khối cô đơn khổng lồ”. Tương tự, những Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Trường Tộ, Hồ Chí Minh… cùng các nhân vật lịch sử khác như: Ga-li-lê, Hê-ghen, Can-tơ, C.Mác, Lê nin, Anh-xtanh, Niu-tơn, v.v… đều là những người/kẻ CÔ ĐƠN ở những mức độ khác nhau. 


Chuyện kể lại khi Hê-ghen công bố hệ thống triết học của ông thì không một người đương thời nào hiểu nổi. Khi nằm trên giường bệnh, Hê-ghen nói: Chỉ có một học trò hiểu triết học của ông, nhưng tiếc rằng, anh ta lại hiểu… sai (!). BUỒN, CÔ ĐƠN của các VĨ NHÂN là thế…!!!

Vậy cái kết của bài này có thể/nên/là: CÔ ĐƠN LÀ BUỒN, NHƯNG CON NGƯỜI VẪN CẦN ĐẾN SỰ CÔ ĐƠN…!!!

Leave a Reply

Your email address will not be published.