TÍNH “THỰC DỤNG” CỦA ĐẠO PHẬT

Tính thực dụng nhiều khi bị người đời lên án, nhưng thử hỏi nếu không “thực dụng” liệu con người có tồn tại đến ngày nay? Chỉ có điều, ở đời không nên quá thực dụng! Còn theo ý nghĩa nhân sinh mà xét – THỰC DỤNG CÓ GIÁ TRỊ LỚN LAO của nó. Đây cũng là quan điểm của ĐỨC PHẬT…

006

Trong cuộc đời mình, từ khi ngộ Đạo, sau đó truyền bá Đạo pháp, Đức Phật thường lảng tránh những vấn đề siêu hình:

  1. Vũ trụ trường tồn hay không trường tồn?
  2. Vũ trụ hữu hạn hay vô hạn?
  3. Linh hồn là một với thể xác hay linh hồn khác với thể xác?
  4. Đức Phật có tồn tại sau khi chết hay không?
  5. Ngài vừa tồn tại vừa không tồn tại hay Ngài vừa không tồn tại lại vừa tồn tại sau khi chết?

Đây là những vấn đề mà các đệ tử của Đức Phật quan tâm, muốn Ngài giải đáp. Người trực tiếp hỏi Đức Phật là Màlunkyaputta (Man Đồng tử). Đức Phật đã đưa ra câu trả lời của Ngài trong đoạn đối thoại dưới đây:

  • Này Man Đồng tử, ta có bao giờ nói với ông: “Hãy lại đây sống đời thánh thiện dưới bóng ta, ta sẽ giải thích những vấn đề ấy cho ông không?”
  • Bạch Thế Tôn – không.
  • Có bao giờ ông nói với ta: “Bạch Thế Tôn, con sẽ sống đời thánh thiện dưới bóng Ngài và Ngài sẽ giảng giải những vấn đề ấy cho con không?”
  • Bạch Thế Tôn – không.
  • Ngay cả bây giờ, ta cũng không nói với ông: “Hãy đến sống đời thánh thiện dưới bóng ta, ta sẽ giải thích những vấn đề ấy cho ông”. Và ông cũng không nói với ta: “Con sẽ sống đời thánh thiện dưới bóng Đức Thế Tôn và Ngài sẽ giải thích những vấn đề ấy cho con”.

Man Đồng tử à, nếu một người nào đó nói: “Tôi sẽ không sống đời thánh thiện dưới bóng Đức Thế Tôn, nếu Ngài không giải thích cho tôi những vấn đề ấy” thì y có thể chết trước khi những câu hỏi được Như Lai giải đáp

Giả thử, một người bị trúng mũi tên độc và y được đưa đến lương y cứu chữa. Lúc đó, y bảo rằng: “Ta sẽ không để rút mũi tên độc ra, nếu ta không biết ai đã bắn ta; loại cung tên nào đã bắn và dây cung, mũi tên được làm bằng gì?…”

Man Đồng tử à, người ấy sẽ chết trước khi y biết được những điều ấy. Tương tự, nếu một người nói: Ta sẽ không theo đời sống thánh thiện dưới bóng Đức Như Lai cho đến khi được Ngài giải đáp cho các câu hỏi như ông nêu trên…

Sau đó, Đức Phật đã giải thích cho Man Đồng tử, đời sống thánh thiện không phụ thuộc vào những quan niệm ấy. Dù người ta có quan niệm như thế nào về những vấn đề ấy đi nữa thì vẫn có sinh – lão – bệnh – tử – ưu – bi – khổ não…

Đức Phật nói với Man Đồng tử hãy ghi nhớ những gì Ngài đã giải thích thì coi là được giải thích, những gì Ngài không giải thích thì xem là đã không được giải thích. Những gì Ngài không giảng giải? Đó là những câu hỏi “siêu hình” mà Man Đồng tử đã hỏi Đức Phật trên đây.

Tại sao Như Lai không giảng giải những vấn đề đó? Vì Ngài cho rằng chúng không ích lợi, không có quan hệ căn bản đến đời sống thánh thiện của tâm linh, không đưa đến sự giải thoát, sự chấm dứt khổ đau… Còn những gì Ngài quan tâm giảng giải – truyền bá cho Man Đồng tử và các Phật tử là khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường đưa đến sự diệt khổ, đến với Niết Bàn!

Vì sao Ngài giải thích chúng? Bởi chúng ích lợi, có quan hệ căn bản đến đời sống thánh thiện của tâm linh. Chúng đưa đến sự giải thoát, sự chấtm dứt khổ đau, sự an tĩnh, sự liễu ngộ, đến Niết Bàn!

Tinh thần thực dụng trong tư tưởng, giáo lý của Đức Phật là như vậy, được Ngài cắt nghĩa rõ ràng, minh bạch và đầy sức thuyết phục…

Hà Nội, ngày 22/05/2020

Bùi Tâm Văn

Leave a Reply

Your email address will not be published.