“ĐỪNG VỚI QUÁ MŨI GIÀY CỦA MÌNH!”

“Đó là câu kết trong một chuyện mang đậm tinh thần ngụ ngôn mà tôi được nghe từ GS Lê Quang Long (“một thời vang bóng” của trường Đại học Sư phạm Hà Nội) mấy chục năm trước.

Chuyện là, xưa có họa sĩ mỗi khi vẽ xong một bức tranh lại cho trưng bày để nghe ý kiến bình phẩm của mọi người. Một hôm, khi đang ở phòng trong ông nghe thấy một người chê bức tranh ông vẽ đôi giày không đúng.

Lúc người đó đi rồi, ông bước ra hỏi người giúp việc thì biết đó là ông thợ giày ở đầu phố. Ông thấy đúng nên quyết định sửa bức tranh theo góp ý của ông thợ giày.

Một thời gian sau, ông thợ giày lại đến thăm phòng tranh. Ông thấy đôi giày đã được họa sĩ sửa lại. Cao hứng, ông bắt đầu “phán” tới những chỗ khác trong bức tranh. Lúc đó, họa sĩ từ phòng trong bước ra vỗ vai ông thợ giày và nói: “Bác ơi, bác đừng vượt quá mũi giày của bác!”

Khi đọc đến đây các bạn đã hiểu ý họa sĩ muốn nói gì rồi…

Quả thật, có những người thích vượt qúa “mũi giày” của họ. Công bằng mà nói không ít người “lấn sân” sang lĩnh vực khác, họ vẫn có thành tựu, thậm chí còn trội hơn cả người trong lĩnh vực đó; nhưng số này không nhiều. Họ thuộc hàng võ lâm cao thủ. Phần lớn khi vượt quá mũi giày của mình thì đuối sức, khá hơn thì đóng tròn vai. Trong tình hình đó, nếu không “tự biết mình” (chữ của Xô-cơ-rát) lại dễ thành trò cười cho thiên hạ…

(P/s: Ngụ ngôn thì vẫn cứ là ngụ ngôn, còn hành xử thế nào lại là câu chuyện của mỗi cá nhân/tính trong cuộc đời…!!!).

Hà Nội, 03/06/2020

Bùi Tâm Văn

Leave a Reply

Your email address will not be published.