Nói đến “Luật nhân quả” có nhiều người biết, nhiều người cảm nhận được, nhưng cũng không ít người không quan tâm. Những người không biết đến luật này Đạo Phật gọi họ là vô minh!
“Nhân quả” (Karma) là định luật được nhắc đến trong hầu hết giáo lý của các tôn giáo lớn. Nếu duy danh định nghĩa hay chiết tự mà nói thì “nhân” chính là hạt giống, là nguyên nhân; còn “quả” chính là “trái”, là kết quả.
Luật nhân quả cho rằng nhân luôn luôn sinh ra quả, nhân nào tạo ra quả ấy! Nhiều người cho rằng Nhân quả là giáo lý của Đạo Phật, nhưng thật ra đây là chân lý, quy luật của vũ trụ mà hầu như tôn giáo nào cũng có nhắc đến. Đức Phật nói: “Gieo nhân nào, gặt quả đó”; Đức Krishna của Ấn giáo bảo: “Trồng đậu được ăn đậu, trồng khoai được ăn khoai. Muốn ăn đậu chớ trồng khoai”. Đấng Cứu Thế cũng nói: “Kẻ nào sử dụng gươm giáo sẽ chết về gươm giáo”…
Ngày nay khoa học đã chứng minh mỗi một động lực gây ra đều tạo một phản lực tương đồng ngược chiều, động lực và phản lực không bao giờ tách rời nhau. Trong tiếng Ấn, từ Karma có nghĩa là hành động nhưng cũng bao hàm ý nghĩa phản động, vì hành động và phản động luôn gắn với nhau.
“Nhân quả” là luật của vũ trụ nên mang tính bất di, bất dịch (ổn định) chứ không giống như luật pháp do con người đặt ra, thường có sự thay đổi theo thời gian, không gian.
Luật Nhân quả công bằng tuyệt đối, nó không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, vua chúa hay thứ dân… Trong khi xử theo luật do con người đặt ra thì có thể người hiền lương bị oan ức; còn kẻ bất lương lại nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật… Vì lẽ đó, nhiều người không chấp nhận luật Nhân quả, do họ chưa nắm được quy tắc của loại luật này. Từ hành động đến phản động (hay từ nhân sang quả) không hẳn xẩy ra ngay tức khắc. Một nhân đã gieo trong quá khứ có thể sinh quả ở hiện tại hay tương lai, tùy theo sự sắp đặt màu nhiệm của các yếu tố khác và biểu hiện ở các dạng thức sau:
- Hiện báo: Gây nhân sẽ chịu hậu quả ngay trong kiếp hiện tại.
- Sinh báo: Tuy gây nhân nhưng quả chưa chín mà sẽ xẩy ra trong kiếp sau.
- Hậu báo: Quả xẩy ra vì nguyên nhân đã gây ra từ trước.
Vì vậy mà kẻ xấu ác đôi khi được hưởng điều tốt lành trong hiện tại (do nhân tốt tạo tác từ trước đó). Tương tự, người hiền lành có khi bị tai ách, khổ đau vì nhân xấu đã gây ra từ quá khứ…
Do “vô minh” (thiếu khả năng nhận thức, suy xét đúng đắn) nên nhiều người vội kết luận vũ trụ chẳng có trật tự, công bằng gì cả, mà chỉ có sự tranh giành, mạnh được yếu thua. Những người này thường sống buông thả, bừa bãi, phóng túng, tham lam, ích kỷ và gây nên nhiều đau khổ cho người khác. Sớm muộn họ cũng phải gánh chịu hậu quả do mình gây ra theo luật “Nhân quả”…
Hà Nội, ngày 22/07/2020
Bùi Tâm Văn