Chuyện về viên kim cương “Hy vọng” (Hope)

Trên thế giới có rất nhiều câu chuyện li kỳ, khó tin và theo góc nhìn khoa học thì vẫn là “ẩn số” cần giải đáp trong tương lai…

Bài này kể câu chuyện liên quan đến viên kim cương nổi tiếng trong lịch sử nhân loại, đó là viên kim cương Hope (Hy vọng), được lưu giữ trong Viện Bảo tàng Smithsonian tại Washington D.C. Viên kim cương này rất lớn được gắn vào trán một vị thần trong ngôi đền của Ấn Độ thời cổ.

Trong thời gian nội chiến, một vị chỉ huy nhóm loạn quân đã gỡ viên kim cương trên xuống đem bán. Vài hôm sau, ông ta bị cái chết bất ngờ. Viên kim cương được một lái buôn trang sức người Pháp (Jean Tavernier) bí mật đem về châu Âu. Tavernier bán nó cho triều đình Pháp để gắn lên vương miện của vua Louis thứ 14. Viên kim cương được gọi là viên ngọc xanh của nước Pháp (Le Bleu de France).

Sau khi bán viên kim cương được ít lâu, Jean Tavernier tự nhiên hộc máu chết trong xưởng làm trang sức của ông ta tại Paris. Còn vua Louis sau khi đội vương miện trong lễ đăng quang cũng bị bệnh, da thịt ung thối và sau chết vì nhiễm độc. Những đứa con của vua cũng chết thê thảm – người thì chết đuối, kẻ chết cháy, người khác chết vì ngã ngựa lúc đi săn; chỉ còn lại một đứa con sống sót!

Vương miện được trao lại vua Louis thứ 16. Ông này cho tháo viên kim cương ra làm vòng đeo cổ nữ hoàng Marie Antoinette. Chỉ vài năm sau, cả hai người đều bị chết thê thảm trên máy chém trong cuộc cách mạng Pháp năm 1792…

Về sau, viên kim cương được mang sang nước Anh và lọt vào tay một thợ kim hoàn nổi tiếng là Wilhelm Fals. Wilhelm Fals đã cắt viên kim cương thành bốn viên nhỏ hơn để dễ bán. Chỉ ít lâu sau, Wilhelm Fals bị chính con trai mình giết chết để cướp gia tài. Rồi chính người con trai bị kết án, sau đó chết trong ngục.

Một thời gian dài, không thấy người ta nhắc đến 4 viên kim cương này nữa. Và… theo sử liệu của những thợ kim hoàn thì về sau, chàng triệu phú trẻ Hoa Kỳ là Somerset đã mua được 1 trong 4 viên kim cương “Hope” làm quà tặng vợ mới cưới của anh ta. Viên kim cương đó được mệnh danh là “Trái tim của Đại dương”. Hai vợ chồng đi hưởng tuần trăng mật trên chiếc tàu định mệnh Tianic và cái kết thì nhiều người đã biết.

Viên kim cương thứ hai rơi vào tay Nga Hoàng Nicholas và được chế tác thành vòng đeo cổ hoàng hậu Alexandria. Rồi chuyện gì xẩy ra cho gia đình Nga Hoàng trong cuộc cách mạng Bolshevik năm 1917 thì mọi người cũng đã rõ.

Viên kim cương thứ ba rơi vào tay triệu phú Hy Lạp Simon Maoncharides. Chỉ ít lâu sau khi mua nó, ông này lái xe rơi xuống vực chết thê thảm… Còn viên thứ tư, lớn và đẹp nhất được bán ở Thụy Sỹ; nhưng giá của nó quá lớn, nên không ai mua nổi.

Nhiều năm sau, con gái triệu phú McLean là Evalyn McLean được hưởng gia tài của cha để lại đã mua. Cô thường đeo nó trong các buổi dạ hội của giới điện ảnh, được báo chí khen là người có món nữ trang đẹp nhất… Nhưng, về sau vì sống trụy lạc, tiêu pha phung phí nên Evalyn nợ nần rất nhiều. Để trang trai nợ nần, cô phải bán viên kim cương cho chủ ngân hàng Thomas Hope.

Từ khi sở hữu viên kim cương, gia đình ông này gặp nhiều chuyện rắc rối. Vợ chồng li dị, con cái bất hòa, tranh chấp kiện tụng tranh giành tài sản xẩy ra. Gia tài tỷ phú Hope cuối cùng khánh kiệt tài sản… Từ đó viên kim cương được biết đến như là một tai ương cho những ai sở hữu nó. Cháu ông bèn đem viên kim cương tặng cho viện bảo tàng Smithsonian do không một ai dám giữ hay sở hữu nó nữa!

(P/s: Không ai giải thích được những chuyện kiểu này. Có lẽ chỉ những bậc hiền triết (do thấu hiểu “Đạo Trời” ) mới trả lời nổi. Vậy nên, trước những “vật linh”, chúng ta – những “phàm phu” muốn an toàn, tốt nhất là nên tránh xa…).

Hà Nội, ngày 29/07/2020

Bùi Tâm Văn

Leave a Reply

Your email address will not be published.