SỰ KIỆN BÁC RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC (5/6/1911)

Cuộc đời của người Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh đem lại cho người đương thời và hậu thế nhiều cảm hứng để viết, để sáng tác và tuyên truyền…

Trong cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” (tác giả là Trần Dân Tiên, mà theo giới nghiên cứu thì đấy là một trong rất nhiều bút danh, bí danh của Cụ Hồ. Bài này không đề cập đến chuyện tại sao cụ lấy bút danh đó, cụ viết cuốn ấy nhằm mục đích gì mà chỉ trích ra mẩu chuyện nhỏ rất có ý nghĩa với thời nay) có nói đến sự kiện cụ Hồ ra đi tìm đường cứu nước như sau:

Một vị trí thức ở Sài Gòn kể lại cho tôi: “Trong khi còn học ở trường Satxơlu Lôba (Chasseloup Laubat), tôi gặp một thanh niên ở Trung Bộ vào Sài Gòn ở nhà một người bạn. Vì cùng một lứa tuổi, cho nên chúng tôi lập tức trở nên đôi bạn thân. Tôi đưa anh đến trước tiệm cà phê của Pháp xem đèn điện, xem chiếu bóng và máy nước. Những cái đó trước kia anh chưa hề thấy.

Một hôm tôi mời anh ăn kem. Anh rất lạ. Lần đầu tiên anh mới nếm mùi kem.

Sau ít hôm, anh đột nhiên hỏi tôi:

– Anh Lê, anh có yêu nước không?

Tôi ngạc nhiên và đáp:

– Tất nhiên là có chứ!

– Anh có thể giữ bí mật không?

– Có.

– Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng nếu đi một mình, thật ra cũng có điều mạo hiểm, ví như khi đau ốm… Anh muốn đi với tôi không?

Nhưng bạn ơi, chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi?

Đây, tiền đây. Anh bạn tôi vừa nói vừa giơ hai bàn tay – Chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi. Thế thì anh cùng đi với tôi chứ?

Bị lôi cuốn vì lòng hăng hái của anh, tôi đồng ý. Nhưng sau khi suy nghĩ về cuộc phiêu lưu, tôi không có đủ can đảm để giữ lời hứa.

Vài ngày sau, tôi không gặp lại anh bạn nữa. Tôi đoán là anh ta đã đi ngoại quốc. Anh ta đi bằng cách nào? Tôi không biết. Về sau, tôi chỉ biết người thanh niên yêu nước đầy nhiệt huyết ấy là cụ Nguyễn Ái Quốc, là Hồ Chủ Tịch của chúng ta ngày nay”.

Tôi không biết người khác nghĩ gì khi đọc truyện này… Nhưng với tôi, câu chuyện cụ Hồ ra đi tìm đường cứu nước năm 1911 đã gợi lên trong tôi những suy tư về thế cuộc, về sự khởi nghiệp của con người…

Với hai bàn tay trắng, Cụ Hồ “một mình một ngựa” ra đi. Dũng khí thay! Sau này Chế Lan Viên có bài thơ hay ca ngợi Cụ. Đó là bài “Người đi tìm hình của nước”. Trong đó có những câu nói lên nỗi lòng của tác giả và cũng là nỗi lòng của người dân nước Việt đối với người con vĩ đại, kính yêu của dân tộc:

Đất nước đẹp vô cùng, nhưng Bác phải ra đi

Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác

Khi bờ bãi dần lui, làng xóm khuất

Bốn phía nhìn không bóng một hàng tre.

Đêm xa nước đầu tiên ai nỡ ngủ

Sóng vỗ dưới thân tàu, đâu phải sóng quê hương

Trời từ đây chẳng xanh màu xứ xở

Xa nước rồi càng hiểu nước đau thương.

Lũ chúng con ngủ trong giường chiếu hẹp

Giấc mơ con đè nát cuộc đời con

Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp

Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn

Dân tộc mình có nét tâm lý đó là rất ngại vượt ra khỏi lũy tre làng quê mình (Ta về ta tắm ao ta/Dù trong, dù đục, ao nhà vẫn hơn). Không phải là tất cả, nhưng nhìn chung tâm lý người Việt ta là thế…

Một người dám ra đi với hai bàn tay trắng, sẵn sàng làm tất cả các việc để mưu sinh và học hỏi (“xem xét” – theo cách nói của Cụ Hồ) thiên hạ rồi trở về giúp đồng bào mình. Thật nhiệt huyết, dũng khí, thật phi thường… Một cái gì đó đã bắt đầu hiển hiện ở con người thuộc vùng “địa linh, nhân kiệt” theo sự tiên tri của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mấy trăm năm trước…

Nhiệt huyết, tinh thần cứu dân, cứu nước và dũng khí, thêm cả phần trí tuệ hơn người là điều mà chúng ta cần tìm hiểu, học tập – làm theo Cụ qua sự kiện ra đi tìm đường cứu nước của hơn 109 năm về trước này…!!!

Hà Nội, ngày 10-09-2020

Bùi Tâm Văn

Leave a Reply

Your email address will not be published.