TINH THẦN LẠC QUAN HỒ CHÍ MINH

Theo Đại từ điển tiếng Việt, “Lạc quan” là có cách nhìn, thái độ tin tưởng vào tương lai tốt đẹp[1].

Nếu hiểu theo nghĩa rộng, lạc quan chính là cách nhìn nhận, thái độ ứng xử tích cực đối với hiện thực khách quan vào những lúc khó khăn, cam go của cuộc sống. Đó là loại nhân sinh quan tích cực của con người.

Nhiều người cho rằng, lạc quan là một trong những phẩm chất cần có ở mỗi người. Vì có lạc quan mới giữ được ý chí, tạo ra quyết tâm, nội lực để vượt qua khó khăn, gian khổ mà vui sống, phấn đấu đạt được mục tiêu, lý tưởng đặt ra.

Lạc quan chính là niềm tin dẫn tới thành tựu tốt đẹp, người ta chẳng thể làm được gì nếu thiếu lạc quan. Vua hề Charlie Chaplin khuyên ta: “Khi cuộc đời cho bạn cả trăm lý do để khóc, hãy cho đời thấy bạn có cả ngàn lý do để cười”Còn Mark Twain thì khẳng định: “Lạc quan là hạt giống gieo trồng trên mảnh đất của niềm tin”. 

Hồ Chí Minh là một trong những con người tiêu biểu cho tinh thần lạc quan của nhân loại. Tinh thần lạc quan ở Hồ Chí Minh là tinh thần lạc quan của một con người yêu nước nồng nàn – một nhà cách mạng chân chính, được hình thành trên cơ sở thế giới quan, nhân sinh quan cộng sản; có sự kế thừa, phát triển tinh thần lạc quan của truyền thống Việt Nam và tinh hoa văn hoá nhân loại. Điều này thể hiện rõ trong cuộc đời nhà văn hoá kiệt xuất – anh hùng giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh.

1. Vào những thập niên đầu thế kỷ XX, khi cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc Đông Dương đang trong đêm tối chưa có đường ra thì Nguyễn Ái Quốc đã sớm nhận thấy: “đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến”.

Chính trong giai đoạn đen tối đó Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định: “Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”[2].

Trong một Báo cáo gửi Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định: “Chúng ta có thể tin tưởng chắc chắn rằng với kinh nghiệm và lòng hy sinh, với quần chúng ở bên cạnh, những người cộng sản nhất định sẽ chiến thắng”[3].

Việc đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của những người cộng sản và khẳng định sự tất thắng của cách mạng Đông Dương là điểm sáng đầu tiên trong nhận thức chính trị của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Qua đó thể hiện rõ tinh thần lạc quan của Người về con đường giải phóng dân tộc theo khuynh hướng mới – khuynh hướng cách mạng vô sản đầu thế kỷ XX.

Sau gần 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, hoạt động ở nước ngoài, vào đầu năm 1941, Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc ta.

Trong thời gian sống và hoạt động ở núi rừng Việt Bắc, gây dựng cơ sở cách mạng, Người đã viết nhiều tác phẩm tuyên truyền cổ động cho phong trào cứu nước, giải phóng dân tộc. Tinh thần lạc quan của Người bộc lộ rõ trong nhiều bài viết của thời kỳ này.

Đặc biệt, khi mới về nước, Nguyễn Ái Quốc sống ở hang Cốc Bó (Pác Bó, Cao Bằng) trong điều kiện hết sức khó khăn, gian khổ. Khí hậu trong hang luôn ẩm ướt, mùa đông gió lùa tê buốt; Người chỉ có một tấm chăn mỏng, dùng lá khô lót chỗ nằm, có khi phải đốt lửa sưởi suốt đêm.

Bữa ăn hàng ngày là rau rừng, ốc suối, cháo bẹ, rau măng; thỉnh thoảng có chút thịt rang mặn với muối ớt… Vậy mà Người vẫn thanh thản sống, thanh thản làm công việc cách mạng và cho rằng: “cuộc đời cách mạng thật là sang”:

Sáng ra bờ suối, tối vào hang,

Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng.

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang[4]

Có lẽ, chỉ những con người vĩ đại mới có suy nghĩ và hành động lạc quan trong một hoàn cảnh gian khổ, thiếu thốn như vậy!

Một bài thơ khác cũng thể hiện rõ tinh thần lạc quan của Hồ Chí Minh thời gian này là bài Nhóm lửa. Bài thơ nói đến khó khăn của công việc nhen nhóm ngọn lửa cách mạng buổi ban đầu:

Lúc leo lét bắt đầu nhóm lửa,

Biết bao nhiêu là sự khó khăn?

Chỉ đìu hiu một mảy gió xuân,

Cũng lo sợ lửa khi tắt mất…

          Ai cũng biết, khi bắt đầu nhóm lửa (lửa đời thường và ngọn lửa cách mạng) là lúc khó khăn nhất. Bởi gió, mưa, thời tiết không thuận lợi và kẻ thù làm cho lửa tắt. Nhưng nếu vượt qua thời điểm cam go này thì “mưa gió, chi chi cũng cháy”. Bấy giờ không một thế lực nào làm cho lửa tắt.

Tinh thần lạc quan, niềm tin do nhận thức được cái tất yếu và hành động theo cái tất yếu để được tự do (Ph. Ăngghen) đã tăng thêm sức mạnh, giúp Hồ Chí Minh vững bước trên con đường thực hiện lý tưởng cứu nước, giải phóng dân tộc cao đẹp của mình.

2. Khi nghiên cứu Hồ Chí Minh, một trong những điều ta dễ nhận thấy là Hồ Chí Minh luôn có niềm tin vào sự tất thắng của sự nghiệp cách mạng dân tộc. Niềm tin đó được thể hiện vào những thời điểm khác nhau trong quá trình cách mạng Việt Nam.

Vào đầu năm 1942, từ sự phân tích sâu sắc, đúng đắn về tình hình thế giới và tình hình trong nước, Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra dự báo chính xác nước ta sẽ giành được độc lập vào năm 1945[5]. Điều đó đã thành hiện thực.

Từ sau cách mạng tháng 9-1945 đến khi qua đời (9-1969), ở cương vị là người đứng đầu nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Người đã viết rất nhiều tác phẩm để tuyên truyền, cổ suý cho sự nghiệp cách mạng nước ta.

Nhiều bài nói, bài viết, tác phẩm của Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ tinh thần lạc quan đối với sự nghiệp cách mạng nước nhà.

Với bút anh “CB” Người viết bài “Lòng tin tưởng” đăng trên báo Nhân dân (21/2/1952), trong đó có tới 5 lần Người khẳng định về tiền đồ tươi sáng của cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai.

Từ đó đến cuối đời, ở Người vẫn nguyên một niềm tin tưởng mãnh liệt đối với sự tất thắng của cách mạng Việt Nam.

Trong cuộc đụng đầu giữa dân tộc ta với đế quốc Mỹ (1955-1975), Hồ Chí Minh luôn tin tưởng thắng lợi sẽ thuộc về Việt Nam. Điều này thể hiện rõ trong Thư chúc mừng năm mới đầu năm 1968.

Bằng những câu thơ mộc mạc, Người khẳng định tiền đồ tươi sáng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước:

Năm qua thắng lợi vẻ vang,

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.

Vì độc lập, vì tự do,

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào

Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào

Bắc – Nam sum họp, Xuân nào vui hơn![6]

Trong bản Di chúc của mình, Người tái khẳng định điều này: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”[7].

3. Ở trên là tinh thần lạc quan của Hồ Chí Minh thể hiện ở sự nhìn nhận và có lòng tin tưởng tuyệt đối vào tương lai tươi sáng của cách mạng Việt Nam.

Còn sau đây là tinh thần lạc quan của Hồ Chí Minh thể hiện trong một đoạn đời đầy cam go, thử thách đối với Người. Đó chính là hơn một năm Người sống trong lao tù của chế độ Tưởng Giới Thạch ở Quảng Tây, Trung Quốc.

Các tài liệu cho biết, ngày 13-8-1942, Hồ Chí Minh sang Trung Quốc. Mục đích chuyến đi của Người là để thực hiện sự liên minh quốc tế, phối hợp hành động giữa phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào chống Nhật của nhân dân Trung Quốc và các lực lượng đồng minh chống phát xít trên chiến trường Thái Bình Dương.

Trên đường đi, ngày 27/8/1942 Người bị tuần cảnh bắt giữ ở Túc Vinh (thuộc Đức Bảo, Quảng Tây). Trong hơn một năm từ khi bị bắt đến lúc được trả tự do, Người bị giải tới, giải lui, bị đày đoạ ở các nhà tù của chế độ Tưởng Giới Thạch.

Trong tù Hồ Chí Minh đã làm 113 bài thơ chữ Hán ghi lại những sự việc xẩy ra đối với mình. Những bài thơ này được Viện Văn học dịch và xuất bản năm 1960. Đó chính là Nhật ký trong tù – một tập thơ có giá trị về văn học nghệ thuật đồng thời là một tài liệu lịch sử quý về Hồ Chí Minh trong thời gian từ 13/8/1942 đến 10/9/1943.

Nhật ký trong tù cho ta thấy rõ ý chí kiên cường, tinh thần lạc quan của Hồ Chí Minh. Qua tài liệu này chúng ta biết Hồ Chí Minh đã sống khổ cực như thế nào trong các nhà tù của Tưởng Giới Thạch. Có tới bốn tháng Người không được ăn no, đêm thì thiếu ngủ, quần áo không thay, không được tắm rửa… Kết quả tệ hại xẩy ra với Người: răng rụng, tóc bạc, gầy đen như quỷ đói, ghẻ lở mọc toàn thân…

Trong hoàn cảnh tồi tệ như vậy nhưng người tù Hồ Chí Minh vẫn “không nao núng tinh thần”; ở Người luôn tràn đầy một tinh thần lạc quan cách mạng: “Đáng khóc mà ta cứ hát tràn”. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”; chính điều kiện sống khắc nghiệt, tồi tệ này đã tôi luyện thêm chất thép trong con người Hồ Chí Minh, dũng khí và tinh thần lạc quan ở Người thêm bừng sáng.

Trong tù Người bị cùm, còn khi bị dẫn giải đi nơi khác đều bị trói, bị xích. Thân xác bị hành hạ đau đớn, nhưng khí phách và tinh thần lạc quan của Hồ Chí Minh vẫn hiện ra rất rõ:

Mặc dù bị trói chân tay,

Chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng;

Vui say, ai cấm ta đừng

Đường xa, âu cũng bớt chừng quạnh hiu

Sau một ngày đi bộ cả chặng đường dài, đêm đến phải “ngồi trên hố xí”, vậy mà Hồ Chí Minh vẫn nghĩ tới một ngày mai tươi sáng:

Năm mươi ba dặm, một ngày trời,

Áo mũ ướt đầm, dép tả tơi;

Lại khổ thâu đêm không chốn ngủ,

Ngồi trên hố xí đợi ngày mai.

Dù chân bị xích treo lên mạn thuyền trên đường bị giải đi Nam Ninh, Hồ Chí Minh vẫn ung dung ngắm cảnh vật: “Làng xóm ven sông đông đúc thế/ Thuyền câu rẽ sóng nhẹ thênh thênh”.

Nhà văn Nam Cao từng nói khi một người đau chân thì không nghĩ đến chuyện khác ngoài cái chân đau của mình. Chuyện này không đúng với Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh đã vượt lên trên những nghịch cảnh, biến những điều bất như ý trong cuộc sống nhà tù thành thuận cảnh. Điều ấy thể hiện rõ trong những câu thơ đầy chất uy-mua (hài hước) của Người:

Ăn cơm nhà nước, ở nhà công

Binh lính thay nhau để hộ tòng

Non nước dạo chơi tuỳ sở thích

Làm trai như thế mới hào hùng

Hài hước chỉ có ở những người có bản lĩnh, dũng cảm, can trường vượt qua được khổ đau, từ đó biến nghịch cảnh thành cái bình thường, cái vui vẻ. Cũng tương tự như vậy, khi nhìn dây trói quấn quanh thân thể mình, Hồ Chí Minh đã liên tưởng nó giống như rồng cuốn, như tua vai của quan võ.

Chân bị xích, mỗi bước đi đều khó khăn, đau đớn; nhưng Hồ Chí Minh không nói đến sợ khổ đau, ngược lại Người còn vui vui với liên tưởng: “Mỗi bước leng keng tiếng ngọc rung”.

Tinh thần lạc quan còn được biểu hiện trong một tâm thế đặc biệt – ngay trong giấc ngủ trưa của Hồ Chí Minh. Người mơ thấy mình “cưỡi rồng lên thượng giới”. Một giấc mơ cao thượng, đối lập với cái thực phũ phàng của nhà tù.

Bị bắt, bị tình nghi làm gián điệp, bị đoạ đày trong lao tù nhưng Hồ Chí Minh vẫn tỏ rõ khí phách, tinh thần lạc quan của một nhà cách mạng chân chính: “Người thoát khỏi tù ra dựng nước/ Qua cơn hoạn nạn rõ ngay gian”.

Câu chuyện về tinh thần lạc quan Hồ Chí Minh kể ra còn dài, trong khuôn khổ một bài báo nhỏ không thể đề cập hết. Chỉ biết người đời (cả người Việt và người nước ngoài) đều thán phục và ca ngợi tinh thần lạc quan của Hồ Chí Minh.

Gioócgiơ Buđaren (Pháp) đã có nhận xét về tinh thần lạc quan của Người: “Cụ (Hồ) đau khổ trong tâm hồn và thể xác. Nhưng không bao giờ Cụ ngã lòng. Ngay trong hầm nhà tù đen tối nhất, Cụ vẫn nhìn thấy ánh sáng. Trong những lúc gian khổ nhất, Cụ vẫn giữ được tinh thần lạc quan và vẻ ung dung tự tại. Cụ biến nước mắt thành lời ca”[8].

Còn Quách Mạt Nhược (Trung Quốc) khi nghiên cứu Nhật ký trong tù đã hạ bút viết: “Một trăm bài thơ, hầu hết bài nào cũng đều toát ra hết sức sinh động hình ảnh một nhà cách mạng lão thành, thanh thoát, tài trí, ung dung, giản dị, kiên cường… tinh thần lạc quan cách mạng của Người trong sáng biết chừng nào!”[9].

4. Tinh thần lạc quan Hồ Chí Minh được hình thành, phát triển trên nền tảng thế giới quan, nhân sinh quan cộng sản; có sự kế thừa, phát huy truyền thống lạc quan của dân tộc Việt Nam và của nhân loại. 

Tinh thần lạc quan của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ sự nhận thức đúng đắn về những quy luật khách quan (được người diễn đạt qua những câu: “Khổ lắm ắt là đến lúc vui”, “Hết mưa là nắng hửng lên thôi”, “Hết khổ là vui vốn lẽ đời” trong tập Nhật ký trong tù) và được củng cố, phát triển qua cuộc đời đấu tranh cách mạng đầy khó khăn, thử thách của Người.

Lạc quan là một phẩm chất đáng quý, là một giá trị lớn; nó cùng với những yếu tố khác đã tạo nên danh nhân văn hoá – anh dùng giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh.

Ngày nay, tinh thần lạc quan Hồ Chí Minh rất cần được mỗi người Việt Nam quan tâm khai thác, phát huy nhiều hơn nữa trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Làm tốt sẽ góp phần đưa đất nước phát triển theo định hướng: “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.

Tài liệu tham khảo

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, 1, 1912-1924, Nxb. Chính trị quốc gia, 2011.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, 3, 1930-1945, Nxb. Chính trị quốc gia, 2011.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, 15, 1966-1969, Nxb. Chính trị quốc gia, 2011.

[4] Nguyễn Như Ý (Cb): Đại từ điển tiếng Việt, Nxb. Văn hoá thông tin, 1999.

[5] GS. Song Thành (Cb): Hồ Chí Minh, tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.

[6] Hồ Chí Minh – Tác gia, tác phẩm, nghệ thuật ngôn từ, Nxb. Giáo dục, 2005.

[7] Trần Đương: Hồ Chí Minh, nhà dự báo thiên tài, Nxb. Thanh niên, 2009.

[8] Vũ Châu Quán, Nguyễn Huy Quát: Những điều chưa biết trong thơ ca chiến khu của Bác Hồ, Nxb. Thanh niên, 2006.

(Đã đăng tạp chí Dạy và học ngày nay)

Hà Nội, ngày 24-12-2018

TS. Bùi Hồng Vạn    


[1] Nguyễn Như Ý (Cb): Đại từ điển tiếng Việt, Nxb. Văn hoá – Thông tin, 1999, tr. 957.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, 1, 1912-1924, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 40.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, 3, 1930-1945, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr. 44.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, 3, 1930-1945, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.228.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, 3, 1930-1945, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, 2011, tr.266-267. 

Hồ Chí Minh dự báo năm 1945 nước ta giành được độc lập trong tác phẩm “Lịch sử nước ta”, xuất bản năm 1942.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, 15, 1966-1969, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, 2011, tr. 532.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, 15, 1966-1969, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, 2011, tr. 621.

[8] Gioócgiơ Buđaren: “Một cốt cách cổ điển và những sáng tạo hiện đại”, trong sách Hồ Chí Minh: Tác gia, tác phẩm, nghệ thuật ngôn từ, Nxb. Giáo dục, 2005, tr. 986.

[9] Quách Mạt Nhược: “Nay ở trong thơ nên có thép (Cảm tưởng sau khi đọc tập Nhật ký trong tù)”, trong sách Hồ Chí Minh: Tác gia, tác phẩm, nghệ thuật ngôn từ, Nxb. Giáo dục, 2005, tr. 989-990.

Leave a Reply

Your email address will not be published.