Chuyện học viết báo của cụ Hồ

“Lúc ấy, ông Nguyễn là một người yêu nước quyết tâm hy sinh tất cả vì Tổ quốc, nhưng ông Nguyễn lúc đó rất ít hiều biết về chính trị, không biết thế nào là Công hội, thế nào là bãi công và thế nào là chính đảng.

Trong tất cả những tờ báo Pháp, chỉ có tờ “Dân chúng”, cơ quan của Đảng Xã hội Pháp là đã in những lời yêu cầu của Việt Nam. Ông Nguyễn đến tòa báo. Chủ nhiệm tờ báo, ông Giăng Lôngghê (Jean Longuet), cháu ngoại Các Mác và nghị viên của Quốc hội Pháp, đã tiếp ông. Ông Nguyễn lấy làm lạ, vì chưa bao giờ ông ta được ai tiếp đón thân mật như thế. Ông Lôngghê gọi ông Nguyễn là đồng chí thân ái.

Ông nói cho ông Nguyễn rõ tất cả cảm tình của ông đối với nhân dân Việt Nam. Ông khuyến khích ông Nguyễn viết bài và ông sẽ cho đăng lên báo “Dân chúng” để làm cho nhân dân Pháp hiểu rõ những sự bất công xẩy ra ở Việt Nam. Có thể nói rằng cuộc gặp gỡ ấy đã mở đường cho sự hiểu biết chính trị của ông Nguyễn. Nó cũng làm cho ông Nguyễn hiểu rõ nhân dân Pháp.

Ông Nguyễn không đủ tiếng Pháp để viết và phải khẩn khoản yêu cầu ông Phan Văn Trường viết thay. Ông Trường viết giỏi, nhưng không muốn ký tên. Mà chính ông Nguyễn đã phải ký tên những bài báo.

Nhược điểm về tri thức làm cho ông Nguyễn rất khó chịu. Nhất là ông Trường không viết tất cả những điều ông muốn nói. Vì vậy, ông Nguyễn bắt tay vào việc học làm báo. Thường lui tới tòa báo “Dân chúng”, ông làm quen với những người Pháp khác trong đó có chủ bút tờ “Đời sống thợ thuyền”.

Cũng như ông Lôngghê, người chủ bút này cũng rất đáng mến. Ông bảo ông Nguyễn viết tin tức cho tờ báo của ông. Biết rằng không thể nhờ ông Trường viết mãi, ông Nguyễn nói thật là mình còn kém tiếng Pháp. Người chủ bút nói:

– Điều đó không ngại; có thế nào anh viết thế ấy. Tôi sẽ chữa bài của anh trước khi đưa in. Anh không cần viết dài, năm, sáu dòng cũng được.

Ông Nguyễn bắt đầu viết rất khó khăn. Tin tức về Việt Nam, ông Nguyễn không thiếu, ông thiếu nhất là văn Pháp, ông Nguyễn viết thành hai bản, gửi cho tòa một bản, giữ lại một bản. Ông hết sức vui sướng khi thấy bài viết đầu tiên của mình được đăng báo. Ông đọc lại bài báo đã in, so sánh và sửa chữa chỗ viết sai. Ông kiên nhẫn làm theo cách ấy.

Khi thấy viết đã bớt sai lầm, ông chủ bút bảo ông Nguyễn:

– Bây giờ anh viết dài hơn một tý, viết độ bảy tám dòng. Ông Nguyễn viết bảy tám dòng. Dần dần ông Nguyễn có thể viết cả một cột báo và có khi dài hơn. Lúc bấy giờ, người chủ bút bạn thân của ông Nguyễn khẻ bảo:

– Bây giờ anh viết ngắn lại. Viết từng này hoặc từng này dòng. Không viết dài hơn.

Ông Nguyễn thấy rằng phải rút ngắn cũng khổ như trước kia phải kéo dài. Nhưng cũng hết sức cố gắng. Và ông đã thành công. Ông bắt đầu vào làng báo từ đó…” (Theo Trần Dân Tiên – “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch“, Nxb. Thanh niên, 2009).

Câu chuyện học viết báo của Cụ Hồ đã cho thấy học viết cũng khổ cực như bao sự học khác…

Giới trẻ ngày nay nhanh nhạy, thông minh hơn thế hệ cha anh nhiều; nhưng nhiều người mắc bệnh nóng vội. Làm gì cũng muốn thành công ngay… Nên nhớ: không ai thành công/đạt mà không phải trả giá (Ê-đi-xơn có hơn 1 ngàn sáng chế nhưng ông đã phải đổ 99% mồ hôi để có được).

Bài học từ câu chuyện học viết của Cụ Hồ vẫn còn nguyên giá trị cho mỗi chúng ta ngày nay…

Hà Nội, ngày 19/9/2020

Bùi Tâm Văn

Leave a Reply

Your email address will not be published.