VỀ MỘT CHÚ GIẢI TRONG SÁCH “ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ”

Đại Việt sử ký toàn thư là một trong ba bộ quốc sử của dân tộc ta còn lại đến ngày nay. Năm 1967, Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã dịch và xuất bản thành 4 tập.

Trong lần xuất bản đầu tiên, tác phẩm được nhà Hán học Cao Huy Giu dịch và và giáo sư Đào Duy Anh hiệu đính. Về sau, Đại Việt sử ký toàn thư được tái bản nhiều lần.

Đặc biệt khi phát hiện ra bản in xưa nhất thuộc năm Chính hoà thứ 18 (1697), Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã tổ chức nghiên cứu, phiên dịch và xuất bản thành 4 tập, khổ lớn. Trong đó, ba tập đầu là nội dung tác phẩm, còn tập 4 là phần nguyên văn chữ Hán của toàn bộ tác phẩm.

Như vậy, từ trước đến nay bộ sách này đã qua nhiều lần xuất, tái bản; mỗi lần đều có sự chỉnh lý, bổ sung cho hoàn thiện hơn.

Tuy nhiên, gần đây một người bạn[2] của tôi phát hiện có một địa danh lịch sử sách chú giải chưa chính xác.

Tôi đọc và kiểm tra lại Đại Việt sử ký toàn thư thì thấy đúng như vậy. Vì thế tôi viết bài này những mong các nhà nghiên cứu và làm sách xác định và đính chính lại địa danh đó để bộ quốc sử nếu được tái bản sẽ hoàn chỉnh hơn.

Trong tập IV của Đại Việt sử ký toàn thư (in lần thứ hai, năm 1973, từ trang 183 đến 185) và tập III (sách mới, xuất bản năm 1998, từ trang 168 đến 170) đã mô tả về trận chiến giữa quân đội Lê-Trịnh với quân đội nhà Mạc ở địa phận xã Phấn Thượng.

Đây là trận đánh lớn trong cuộc chiến lâu dài giữa hai thế lực phong kiến. Đại Việt sử ký toàn thư đã mô tả sự kiện này như sau[3]:

“Ngày Nhâm Tý 21, ban đêm, mặt trăng phạm vào sao Tuế. Bấy giờ, họ Mạc bàn cử hết đại binh, thúc gọi binh mã 4 trấn, 4 vệ, 5 phủ quân, được độ hơn 10 vạn, hẹn đến ngày 16 tháng ấy hội quân ở Hiệp Thượng, Hiệp Hạ để quyết chiến (…)”.

Ngày 27, chia đường cùng tiến. Đến địa phận xã Phấn Thượng, hai bên đối trận với nhau, dàn bày binh mã (…).

Kết cục của trận chiến: “(…) Quân Mạc kinh hoàng, cánh quân tả không kịp trông cánh hữu, quân sau không kịp nhìn quân trước, binh lính tuy đông nhưng cờ xí lộn xộn, hàng ngũ đã rối loạn, quan quân nhân thế đánh tan.

Các quân thừa thắng đuổi dài đến Giang Cao, chém được hơn 1 vạn thủ cấp, máu chảy khắp đồng, thây chết thành núi, cướp được khí giới và ngựa nhiều không kể xiết.

Mạc Hậu Hợp sợ đến vỡ mật, xuống thuyền vượt sông mà chạy. Tàn quân tranh nhau xuống thuyền, sợ thuyển đắm, lấy gươm chặt đứt tay rơi xuống sông chết đến quá nửa, còn lại thì đứa nào đứa nấy đều chạy trốn.

Duy chỉ có tướng Nam đạo là Nguyễn Quyện lánh xa nên được an toàn. Mạc Hậu Hợp trốn về kinh ấp…”.

Trong đoạn mô tả trên, địa danh Phấn Thượng (ở trang 169, sách mới xuất bản năm 1998) được chú thích ở cuối trang là: 2-Phấn Thượng: sau là xã Tảo Thượng, nay là xã Ngọc Tảo, huyện Tùng Thiện, tỉnh Hà Tây”.

Còn trong bản dịch và xuất bản lần đầu (tái bản năm 1973), ở cuối sách – phần “Chú giải và khảo chứng”, trang 355, giáo sư Đào Duy Anh đã chú giải:

(53) Phấn-Thượng: Cương mục q.29 chú tức là xã Tảo Thượng huyện Tùng-thiện, nay là xã Ngọc-tảo huyện Tùng-thiện tỉnh Hà-tây”.

Tương tự, một tác phẩm khác của Lê Quý Đôn mới được tái bản gần đây, ông Nguyễn Khắc Thuần cũng chú giải địa danh này là “thuộc huyện Tùng Thiện (Hà Tây)”[4].

Xem xét và đối chiếu kỹ các chú giải trên đây, chúng tôi nhận thấy, hình như các tác giả sau đều lấy lại tinh thần chú giải của giáo sư Đào Duy Anh, có khác chăng chỉ là về cách diễn đạt hay ngôn từ.

Rất tiếc, theo suy nghĩ của chúng tôi, các chú giải trên đều chưa chính xác.

Theo thông báo trong chú giải của giáo sư Đào Duy Anh, chúng tôi biết giáo sư đã căn cứ vào bộ quốc sử của triều Nguyễn – Cương mục để chú giải về địa danh Phấn Thượng.

Nhưng khi khảo cứu lại Cương mục chúng tôi thấy sách này chỉ có “Lời chua”: “Phấn Thượng: Nay là xã Tảo-thượng. Từ Mã-yên đến Phấn-thượng trên đều thuộc tỉnh Sơn-tây”[5].

Như vậy, nếu so sánh hai chú thích trên (của Cương mục và của giáo sư Đào Duy Anh), chúng ta thấy có sự khác nhau rất cơ bản.

Cương mục chỉ “chua”: “Phấn-thượng nay là xã Tảo-thượng”, còn trong chú giải của giáo sư Đào Duy Anh lại có thêm đoạn giải thích: “(…) xã Tảo-thượng thuộc huyện Tùng-thiện, nay là xã Ngọc-tảo, huyện Tùng-thiện, tỉnh Hà-tây”.

Chúng tôi chưa có điều kiện xác minh xem giáo sư Đào Duy Anh đã căn cứ vào đâu để “chú” thêm đoạn này…

Song, có lẽ do sự nhẫm lẫn bắt nguồn từ đây mà về sau các sách đều chú giải “sai giống nhau” về địa danh này!

Vậy, sự thực địa danh Phấn Thượng là ở đâu trong cương vực địa lý nước ta hiện nay?

Chúng tôi cho rằng, Phấn Thượng chính là Phụng Thượng – một xã thuộc huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây ngay nay.

Khi xác định như vậy, chúng tôi đã dựa vào các căn cứ sau đây:

1) Theo nguồn tài liệu điều tra, khảo sát thực địa của chúng tôi. Qua lời kể của nhân dân địa phương[6] và hiện tại, trong địa giới xã Phụng Thượng vẫn còn 2 voi đá, 2 ngựa đá (trong đó có 1 con phục chế lại) được tạo dựng từ thời Lê-Trịnh ở đầu thôn Tây của xã, di tích này cách quốc lộ 32A Hà Nội – Sơn Tây khoảng 100 mét.

2) Theo sách Sơn Tây tỉnh dư địa chí, ông Phạm Xuân Độ cũng cho biết: “Ai qua làng Bún-thượng trên đường Hà Nôi – Sơn Tây, tất cũng nhận thấy 2 voi và 1 ngựa đá đứng trơ trơ giữa cánh đồng ruộng phẳng lỳ. Nơi này vốn xưa có đền thờ các trận vong tướng sỹ đời Lê Trung hưng.

Nguyên vua Lê Trang Tông bị nhà Mạc cướp ngôi, phải chạy vào Thanh Hoá. Sau gặp trung thần là Nguyễn Kim, bèn ra khôi phục đất Thăng Long. Quân Mạc lúc bấy giờ phải lui về Bún-thượng.

Quân Lê tiến đến chợ Săn thuộc huyện Thạch Thất, nhân đêm tối phát cơm cho binh lính, rồi kéo đến phá tan quân Mạc, nên đã có câu: “Cơm nắm chợ Săn phá tan Bún-thượng”.

Nhà Lê muốn kỷ niệm chiến công, cho lập đền thờ các tử sĩ và tạc voi đá, ngựa đá. Lâu năm đền cổ đổ nát, rồi vật đổi sao dời, ngày nay chỉ còn voi ngựa quỳ phục ở giữa đồng không cảnh vắng, như thể đánh dấu một cuộc tang thương”.

Ông Độ còn giải thích về tên làng Bún như sau: “Phấn-thượng nay là làng Phụng-thượng, thuộc huyện Phúc-thọ”.

Ở cuối trang sách, ông còn chú thích: “Cũng vì làng Phụng-thượng, xưa kia gọi là Phấn-thượng, nên ngày nay mới có tên tục là làng Bún”[7].

3) Qua khảo cứu một số sách có nói đến địa danh trên đất nước ta tương đối cụ thể như: Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX và Nomenclature des Communes du Tonkin của Ngô Vi Liễn, chúng tôi thấy – không có tài liệu nào nói đến Phấn Thượng thuộc về huyện Tùng Thiện.

Như vậy, dựa vào các căn cứ trên đây chúng tôi nhận định:

Phấn Thượng không phải là một địa danh (mà nay là xã Ngọc Tảo) thuộc huyện Tùng Thiện tỉnh Hà Tây như các sách trên đã chú giải, mà Phấn Thượng chính là Tảo Thượng (hay Cảo Thượng – thời Nguyễn), rồi về sau được đổi thành Phụng Thượng[8] – một xã thuộc huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây như ngày nay.


[1] Bài đăng tạp chí Xưa & Nay, số 56, tháng 10-1998.

[2] Anh Trần Văn Ẩm, trước học cùng đại học với tôi, hiện đang công tác tại Ban Tuyên giáo Huyện uỷ huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây.

[3] Sách mới (theo bản Chính hoà thứ 18) – tập III, xuất bản năm 1998.

[4] Lê Quý Đôn: Đại Việt thông sử, Nxb Tổng hợp Đồng Tháp, 1996, tr. 248.

[5] Quốc sử Quán: Việt sử thông giám cương mục chính biên, tập XIV, quyển thứ 29, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, 1959, tr. 87.

[6] Nhân dân địa phương kể lại: Trận đánh lịch sử trên đã làm chết và bị thương rất nhiều người thuộc cả hai bên tham chiến. Vì thế, triều đình phong kiến đã chỉ dụ cho quan quân, dân chúng địa phương lập đền thờ các binh sỹ trận vong tại địa điểm diễn ra trận chiến.

Trước cửa đền thờ này tạc 4 tượng đá lớn, gồm 2 voi đá, 2 ngựa đá. Tương truyền trước đây vào một đêm giông bão, 1 trong 4 tượng đá (ngựa) bị thần lấy đi, nên hiện chỉ còn 3. Có người cho rằng, ai đó đã lấy mất 1 tượng – ngựa đá để nung vôi hay dùng vào việc gì đó. Về sau nhân dân địa phương phục chế lại. Còn đền cổ Tảo Thượng (Phụng Thượng) thì bị phá huỷ trong thời Pháp thuộc.

[7] Phạm Xuân Độ: Sơn Tây tỉnh địa chí, 1941, tr. 158 và tr. 169.

[8] Lịch sử Đảng bộ và nhân dân Phụng Thượng, tập I (1930-1954), Đảng uỷ xã Phụng Thượng, 1995, tr. 7.

TS Bùi Hồng Vạn (TMU)

Leave a Reply

Your email address will not be published.