MỘT CUỐN SÁCH HAY

Thực ra khi giật cái tít/tựa bài viết này thì người viết vẫn chưa thật sự yên tâm lắm. Là vì, sách hay với người này nhưng chắc gì hay với người khác… Nhưng mỗi người đều có quyền tự do ngôn luận. Mình thấy hay thì mình nói hay, còn người khác đọc có thấy hay hay không thì là việc của người đó…

Cuối tuần trước, Tâm Văn mua 3 cuốn sách. Đọc “sơ cua” thì thấy cuốn “Sự giàu và nghèo của các dân tộc” của Davids S. Landes (do Sơn Phạm, Vũ Hoàng Linh chuyển dịch sang Việt ngữ) hay, có giá trị nên chia sẻ với các bạn của trang buitamvan.com

Sách gần 900 trang, khổ lớn, nội dung bao gồm: Lời nói đầu, lời cảm ơn, giới thiệu. Tiếp đến phần nội dung chính bao gồm 29 mục, mỗi mục trình bày một nội dung cụ thể, nhưng có kết cấu lô-gích nội tại, mục này liên kết, xâu chuỗi với các mục khác theo chủ đề chung. Phần cuối sách trình bày các chú thích, tài liệu tham khảo, mục từ tra cứu và danh mục bản đồ trong sách.

David S. Landes là một trong những sử gia kinh tế xuất sắc thời hậu chiến của Hoa Kỳ. Ông tốt nghiệp Trường City College thuộc New York và Đại học Harvard. Ông là giáo sư danh dự môn lịch sử và kinh tế học tại Đại học Harvard, ông từng giảng dạy ở nhiều trường Đại học hàng đầu ở châu Âu và Mỹ…

Có những lời đánh giá/khen tặng dành cho cuốn sách:

* “Công trình nghiên cứu lịch sử mới của Dvid Landes về sự nổi lên của phân chia giàu và nghèo hiện nay giữa các quốc gia trên thế giới là một bức tranh có tầm bao quát cực kỳ rộng lớn và sáng suốt khác thường. Ý thức về tính ngẫu nhiên của lịch sử không làm giảm sự nổi trội của những chủ đề lặp đi lăp lại trong các cuộc đụng độ đưa châu Âu vươn lên vị trí dẫn đầu nền kinh tế. Vốn hiểu biết dồi dào khó tin (của tác giả) được trình bày bằng một văn phong sáng sủa và mạnh mẽ, cuốn hút khó cưỡng với người đọc” (Kenneth Arrow – Nhà kinh tế Mỹ, người nhận giải Nobel Kinh tế 1972).

* “David Landes đã viết nên một công trình khảo sát bậc thầy về những thành công lớn và thất bại lớn trong các nền kinh tế ghi vào lịch sử của thế giới. […] Bất kỳ ai nghĩ rằng thành công kinh tế của một xã hội tách biệt với những đòi hỏi về đạo đức và văn hóa của xã hội ấy hẳn nhiên sẽ phải suy nghĩ lại” (Robert Solow).

Kết lại, đây là một công trình nghiên cứu/cuốn sách mới có giá trị giải thích về sự giàu, nghèo của các dân tộc/quốc gia trên thế giới. Tuy thế, sách không dành cho độc giả phổ thông… Để đọc nó bạn cần có kiến thức về sử học, kinh tế học và một số lĩnh vực khác nữa…

Trân trọng!

Hà Nội, ngày 01/10/2020

Bùi Tâm Văn

Leave a Reply

Your email address will not be published.