ĐỨC PHẬT – BẬC “ĐẠI SƯ” CỦA NHÂN LOẠI

1. Nói theo ngôn ngữ Phật giáo thì tựa đề bài viết này nên/phải là “Đức Phật truyền bá (hay xiển dương) đạo pháp”, nhưng truyền bá cũng tức là dạy học. Cho nên bài viết giật “tít” là “Đức Phật dạy học” cũng không sai…

Tuy nhiên câu chuyện Đức Phật dạy học là cả một đề tài lớn mà trong khuôn khổ một bài báo nhỏ không thể luận bàn hết được. Vì thế tác giả bài viết này quyết định khuôn vấn đề lại trong vài khía cạnh thuộc về phương pháp dạy học của Đức Phật mà thôi.

Nếu ai quan tâm tìm hiểu Đạo Phật đều biết, Đức Phật vốn là thái tử con vua nước Tịnh Phạn thời cổ ở Ấn Độ. Khi chưa xuất gia, Ngài sống một cuộc đời sung sướng, đầy đủ trong nhung lụa, có vợ đẹp con ngoan. Vậy mà vào năm 29 tuổi Ngài quyết chí từ bỏ tất cả để xuất gia, đi tìm con đường giải thoát cho mình và cho chúng sinh[1].

Sau 6 năm trải bao khó khăn, gian khổ Thái tử Tất Đạt Đa (tên Đức Phật thời trẻ) đã đắc Đạo (giác ngộ), thành Phật. Sau ba lần Phạm Thiên (một vị trời) khẩn cầu, Ngài quyết định vận bánh xe pháp (Chuyển pháp luân) – truyền bá chân lý mình chứng ngộ để hướng dẫn chúng sinh trên con đường giải thoát.

Theo truyền thuyết, Đức Phật còn ở lại dưới gốc cây bồ đề 21 ngày nữa để suy ngẫm và hân hưởng đạo lý mình chứng ngộ. Đây cũng là thời gian Ngài truyền bá Đạo pháp cho chư Thiên.

Sau đó Đức Phật rời gốc Bồ đề bước vào cuộc đời hoằng pháp của một bậc đạo sư. Năm anh em nhà Kiều Trần Như là những người được Đức Phật truyền pháp đầu tiên, họ nhanh chóng chứng quả A la hán[2]. Từ đây, tăng đoàn Phật giáo bắt đầu hình thành và càng ngày càng lớn mạnh.

2. Tri kiến mà Đức Phật chứng ngộ là vô cùng lớn, nhưng Ngài chỉ truyền dạy cho chúng sinh một phần nhỏ trong số đó. Ngài nói: “Này các Tỳ kheo, điều ta biết thì quá nhiều, nhưng những gì ta dạy cho các ông thì rất ít; song đó là những gì cần thiết và căn bản cho sự giải thoát. Những gì ta dạy cho các ông? Chính là “Đây là Khổ”, “Đây là Khổ tập”, “Đây là Khổ diệt”, “Đây là con đường đưa đến Khổ diệt”[3]”.

Quan điểm của Đức Phật rất rõ, chỉ dạy những gì thiết thực nhất cho việc giải thoát chúng sinh khỏi đau khổ, bất như ý. Quan điểm này tương đồng với quan điểm dạy học của trường phái thực dụng trong giáo dục học hiện đại, mà tiêu biểu có thể kể đến là John Dewey[4].

Để giúp chúng sinh tu đạo hướng đến giải thoát, Đức Phật đã tạo ra và sử dụng 84 ngàn pháp môn. Không biết con số này xác thực đến đâu? Rất khó xác minh. Ở đây chúng ta chỉ cần ghi nhớ một điều – Đức Phật đã dùng rất nhiều phương cách để giúp chúng sinh tu hành đạt thành chính quả.

Đức Phật dùng nhiều pháp môn như vậy là vì chúng sinh đa dạng, có căn tính, trình độ nhận thức rất khác nhau… Do đó phải dùng nhiều phương pháp cho phù hợp với mỗi loại đối tượng, song cái đích mà Đức Phật nhắm tới vẫn chỉ có một, đó là giải thoát: “Này hỡi Tỳ-Khưu, cũng như nước của đại dương hùng dũng chỉ có một vị là vị mặn của muối. Giáo pháp chỉ có một vị là vị Giải thoát (Vimutti)”[5].

Đức Phật truyền bá đạo pháp cho tất cả những ai muốn theo học và tu hành, không hề có sự phân biệt. Các đệ tử của Phật có nguồn gốc xuất thân rất phong phú, đa dạng, bao gồm đủ loại chúng sinh.

Chỉ nói riêng về “Nhân”, tức người, cũng đã phong phú rồi: Vua chúa, thương nhân, nông dân, thợ thủ công, đạo sĩ, sa môn, trộm cướp, giang hồ, đĩ điếm, v.v…

Việc chấp nhận mọi đối tượng để giáo hoá, cứu vớt rõ ràng là tư tưởng và hành động tiến bộ vượt bậc mà không một nhà giáo dục, nhà tư tưởng nào thời cổ có trong lịch sử nhân loại. Cùng thời ở Trung Hoa, Khổng tử cũng có hướng tới đại chúng, nhưng Ngài không chủ trương thu nạp phụ nữ vào đội ngũ giáo hoá của mình.

Nội dung Đức Phật dạy là những tri kiến phản ánh chân thực về vũ trụ, nhân sinh, đồng thời vạch ra con đường giải thoát đúng đắn cho chúng sinh. Đó là Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên, Vô thường, Vô ngã, Tam vô lậu (Giới, Định, Tuệ)…

Đạo phật là những tri kiến cao siêu, do đó không phải ai cũng có thể dễ dàng lĩnh hội. Từ thực tế này, Đức Phật đã sáng tạo ra rất nhiều cách thức, phương pháp, phương tiện (thiện xảo) khác nhau để truyền bá chánh pháp, hướng tới đạt mục tiêu và hiệu quả. Thời nay, chúng ta sử dụng rất nhiều cách thức, phương tiện, kỹ thuật khác nhau và kết hợp chúng với nhau trong dạy học. Các hình thức – thuyết giảng, nêu vấn đề, đàm thoại, thảo luận, tự học, tự nghiên cứu trên nền tảng kết hợp sử dụng các loại máy móc, công nghệ như máy tính, internet, truyền hình, radio, video… được áp dụng phổ biến.

Thời Đức Phật khoa học công nghệ chưa phát triển. Để truyền bá đạo pháp, Đức Phật và các đệ tử của Ngài chủ yếu dùng lời nói để dạy học. Thông qua thuyết giảng, đàm thoại… Đức Phật truyền tải chánh pháp cho các đệ tử, chúng sinh. Chánh pháp rất cao siêu vi tế, không phải mọi người đều có thể dễ dàng lĩnh hội. Vì thế, Đức Phật phải tuỳ theo căn cơ, trình độ và hoàn cảnh cụ thể của chúng sinh để có cách thức hướng dẫn, dìu dắt họ tiến đến mục tiêu giải thoát.

Một trong những cách thức mà Đức Phật đã làm là phân đối tượng thành 5 loại. Các tài liệu Phật học gọi là “ngũ thừa giáo”. Theo đó, mỗi loại trong ngũ thừa được Đức Phật truyền dạy một loại giáo lý phù hợp với căn cơ, trình độ của đối tượng. Cụ thể là:

1) Với những người có trình độ nhận thức thấp kém, nông cạn và còn bị nhiều đòi hỏi của dục vọng, tham sân si thì Đức Phật đem Tứ diệu đế giảng cho họ. Mục đích là để loại bỏ dần những dục nhiễm và  đồng thời khai sáng tâm trí cho họ.

2) Với những người có trình độ kiến thức tương đối cao (trí thức), Đức Phật thuyết giảng về Lý nhân duyên (thuyết duyên khởi, Thập nhị nhân duyên). Mục đích là giúp những người này nhận thấy rõ mối tương quan, tương duyên chặt chẽ trong đời này và đời trước giữa họ với người thân trong gia đình và với mọi người trong xã hội.

Từ sự hiểu biết ngọn nguồn như thế sẽ giúp họ sống có ý nghĩa, giải quyết mọi việc theo cách tốt đẹp nhất và xây dựng một xã hội an vui, hạnh phúc.

3) Với những người trong quá khứ đã từng trồng những căn lành và đã phát huy được trí tuệ vô lậu[6]. Do phước đức như vậy khi tái sinh trên cõi đời này họ có những điều kiện rất tốt đẹp như thông minh, khoẻ mạnh, có thành tựu rất cao về cả vật chất, tinh thần, địa vị xã hội và họ có đời sống phạm hạnh xứng đáng là biểu tượng cho mọi người kính ngưỡng.

Đối với những người này, họ đang tiếp bước trên con đường đạo, Đức Phật sẽ hướng dẫn họ thực hiện sáu ba la mật (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ) để tiến tới Niết bàn, thành tựu quả vị giác.

4) Đối với hàng nhân thừa (những người bình thường trong xã hội), Đức Phật truyền dạy cho họ nguyên tắc sống theo Tam quy (quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng), Ngũ giới (Không sát sinh, Không trộm cắp, Không tà dâm, Không nói dối, Không uống rượu) để họ tu tập trở thành người tốt trong xã hội.

5) Còn với những người có điều kiện có thể vươn cao hơn so với vị trí của loài người, tức hàng Chư Thiên thì Đức Phật dạy họ mười điều lành để trở thành biểu tượng được chúng sinh tôn kính[7].

Việc phân đệ tử thành 5 loại này cũng giống như trong giáo dục đào tạo ngày nay khi ta chia học sinh thành các loại khác nhau, từ đó có phương pháp giáo dục tương ứng với khí chất, trình độ, khả năng để hoạt động dạy học đạt hiệu quả.

Đức Phật còn dùng cách dạy học mà thời nay dường như chúng ta không thấy trong các nhà trường hiện đại (trừ hệ thống giáo dục Phật giáo), đó là không sử dụng đến ngôn ngữ nói. Trong Truyện cổ Phật giáo có ghi lại mẩu chuyện:

“Một hôm lúc đang thuyết pháp trên đỉnh núi Linh Thứu, Đức Phật nói với chúng sinh rằng, không lâu nữa Ngài sẽ nhập Niết bàn, nếu vị nào muốn hỏi pháp thì mau nói ra những điều còn khúc mắc trong lòng. Mọi người ngồi im.

Lúc đó, có vị Đại Phạm Thiên vương chủ cõi Ta Bà dâng lên Đức Phật một bông hoa sen sắc vàng. Sau đó lui lại đảnh lễ và thưa: “Trong khoảng năm mươi năm từ lúc Đức Thế Tôn thành Phật đến nay, Người đã thuyết vô vàn giáo lý để khai thị cho chúng sinh, cũng như hoá độ cho tất cả chúng sinh đủ mọi căn cơ. Nếu như có một đại pháp nào còn chưa nói, khẩn thỉnh Thế tôn hãy vì chúng con và những hành giả tu Bồ Tát đạo sau này, hoặc chúng sinh phàm phu muốn tu Phật đạo mà diễn bày pháp ấy”.

Nói xong Đại Phạm Thiên vương hoá thân thành một toà báu rất trang nghiêm, thỉnh Thế Tôn ngồi lên trên ấy.

Đức Phật nhận và ngồi lên toà báu ấy mà không nói năng gì, nhưng Ngài đã hướng về đại chúng và cầm cành hoa sen đưa lên. Lúc đó đại chúng đưa mắt nhìn nhau mà không hiểu hành động của Như Lai là gì.

Duy chỉ có mỗi trưởng lão Ma ha Ca Diếp hiểu được sự khai thị của Đức Phật, đó là pháp môn vô thượng, nên ngài đã mỉm miệng cười, rồi sau đó đứng dậy, chắp tay đứng ngay ngắn và cũng im lặng không nói gì cả.

Lúc này, Đức Thích Ca tuyên thị với đại chúng rằng: “Đúng vậy! Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết Bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, không lập văn tự, truyền ngoài giáo lý, tổng trì nhậm trì, phàm phu thành Phật, đệ nhất nghĩa đế, nay phó chúc cho ông Ma ha Ca Diếp[8]”.

Chuyện trên có tên là “Niêm hoa vi tiếu”, rất nổi tiếng trong Đạo Phật. Những kinh điển, những sách viết về Phật giáo, nhìn chung rất khó hiểu.

Bạn đọc chả nên bận tâm đến những từ ngữ khó hiểu đó làm gì, chỉ cần lưu ý – câu chuyện trên phản ánh một kiểu dạy học đặc biệt, mà về sau được các bậc đạo sư, nhất là các vị theo trường phái Thiền đốn ngộ hay dùng, đó là kiểu dạy học “tâm truyền tâm” (còn được gọi là “truyền mật và nhận mật”), “không qua văn tự ngôn ngữ, dĩ tâm truyền tâm”[9]. Theo cách dạy này, người thầy truyền đạt tri kiến của mình một cách trực tiếp cho học trò không dùng ngôn ngữ nói, song học trò vẫn lĩnh hội được điều thầy muốn truyền đạt. Trong truyện, mặc dù có rất đông chúng sinh tham dự, nhưng chỉ có Ma ha Ca Diếp (người đã chứng được thực tướng) có khả năng hiểu được ý của Đức Phật, Ngài chỉ mỉm cười, chắp tay đứng yên mà không nói gì…

Trong các bài thuyết giảng, Đức Phật hay dùng hình thức đặt câu hỏi để khuyến khích đệ tử suy tư, từ đó nhận thức được nội dung bài học (Socrate, Đức Khổng tử cũng thường làm như vậy) hoặc bằng cách dẫn dắt để cuối cùng Ngài đưa ra kết luận của mình.

Khi thuyết kinh Vô ngã tướng, Đức Phật liên tiếp đặt ra các câu hỏi: – Này các Tỳ kheo, nếu sắc thân có ngã tướng (vô ngã) thì sắc thân không phải chịu đau khổ, bệnh hoạn, già nua, hoại diệt. “Thân ta có thể như thế này, thân ta cũng có thể không phải như thế này”, cả hai trường hợp đều có thể được. Nhưng vì sắc không có ngã, nên sắc phải chịu đau khổ, và không thể xác định “Thân ta thế này, thân ta không phải thế này”. Cũng vậy, này các Tỳ kheo, thọ, tưởng, hành và thức cũng đều vô ngã, không có thật thể. Cả năm uẩn đều luôn luôn biến đổi không ngừng. Vậy, này các Tỳ kheo, các thầy nghĩ thế nào? Thân này là thường hay vô thường?

– Bạch Đức Thế Tôn, là vô thường.

– Cái gì vô thường là hạnh phúc hay đau khổ?

– Bạch Đức Thế Tôn, là đau khổ.

– Vậy, có hợp lý chăng, nếu nghĩ đến cái gì vô thường, đau khổ và tạm bợ với ý tưởng: “Cái này của tôi; cái này là tôi; cái này là bản ngã của tôi”?

– Bạch Đức Thế Tôn, chắc chắn là không hợp lý.

– Cũng vậy, này các Tỳ kheo, thọ, tưởng, hành và thức đều là vô thường và đau khổ. Có hợp lý chăng, nếu nghĩ rằng những cái vô thường, đau khổ và tạm bợ đó là “của tôi, chính tôi, bản ngã của tôi”?

– Bạch Đức Thế Tôn, chắc chắn là không hợp lý.

– Như vậy, này các Tỳ kheo, đối với tất cả sắc thân, dù ở quá khứ, hiện tại hay vị lai, dù ở trong hay ở ngoài, thô kệch hay vi tế, thấp hay cao, xa hay gần, các thầy đều nên nhận thức đúng với thực tế của nó: “Thân này không phải tôi, thân này không phải là tôi, thân này không phải là bản thể của tôi. Tất cả thọ, tưởng, hành, thức, dù ở quá khứ, hiện tại hay vị lai, dù ở trong hay ở ngoài, thô kệch hay vi tế, thấp hay cao, xa hay gần, các thầy đều nên nhận thức đúng với thực tế của chúng:

Những thứ này không phải của tôi, những thứ này không phải là tôi, những thứ này không phải là bản thể của tôi. Bậc thánh đệ tử nhận thức được như vậy sẽ nhàm chán sắc thân, thọ, tưởng, hành, thức; xa lìa năm uẩn nhơ nhớp, và được giải thoát khỏi mọi ràng buộc.

Vị ấy sẽ tự biết rõ ràng: Ta đã được giải thoát, không còn tái sinh nữa, đời sống phạm hạnh đã được thành tựu, những điều phải làm đã làm xong, không còn trở lại trạng thái này nữa”[10].

 Đức Phật cũng thường kể một câu chuyện ngụ ngôn về đạo đức hoặc cùng tranh luận với đệ tử một cách nhã nhặn, sau đó đưa ra những câu kệ ngắn gọn mà trong đó Ngài đã đúc kết cô đọng những lời thuyết giảng để mọi người dễ nhớ. Hình thức dạy học này tỏ ra rất phù hợp, đắc dụng trong hoàn cảnh lịch sử bấy giờ. Bởi trong thời Đức Phật tại thế, việc dạy học hoàn toàn truyền khẩu, không có ghi chép gì.

 Đức Phật không bao giờ cưỡng ép trong giáo dục. Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật khẳng định mục tiêu mà Ngài hiện hữu trên cuộc đời này là để “khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”[11].

Thực hiện sứ mệnh đó, Ngài truyền bá chánh pháp cho chúng sinh với tâm thế khuyên bảo mọi người nên theo điều thiện, bỏ điều ác, tinh tấn tu hành theo phật pháp để được giải thoát chứ tuyệt không hề thúc bách, cưỡng ép đối với bất cứ một ai…

Giáo dục theo tinh thần của Đức Phật là tự giác, tự nguyện và tự do tư tưởng. Điều này hết sức quan trọng trong giáo dục, không chỉ xưa mà cả ngày nay. Tinh thần này được nhiều thế hệ hậu sinh chia sẻ. Chẳng hạn như Albert Einstein:

“Giáo dục nhồi nhét tất yếu dẫn tới sự nông cạn và vô văn hoá. Cần có cách dạy làm sao để học sinh cảm thấy những điều họ được học là một quà tặng quý giá chứ không phải là một nhiệm vụ ngán ngẩm”[12].

3. Đức Phật được người ta dùng rất nhiều danh hiệu để gọi Ngài: Bậc Đại hùng, Đại lực, Đại từ, Đại bi, Đại hỷ, Đại xả[13]

Từ góc độ giáo dục, ta có thể gọi Ngài với danh hiệu là bậc Đại sư. Đức Phật là bậc đại sư, một bậc chân sư vĩ đại của nhân loại. Những cách thức, phương tiện, phương pháp mà Ngài sử dụng để truyền bá đạo pháp được đề cập vắn tắt trong vài viết là một ít minh chứng cho nhận định trên.

Giáo lý mà Đức Phật truyền bá cho chúng sinh có giá trị vô cùng to lớn, vì thế, nhà bác học vĩ đại bậc nhất của nhân loại là Albert Einstein đã cho rằng: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo của toàn cầu, vượt lên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi phương diện trên, trong cái nhất thể đầy ý nghĩa. Chỉ có đạo Phật đáp ứng đủ các điều kiện ấy[14]”.

Như phần mở đầu đã nói, nội dung bài viết không luận về giá trị của Đạo Phật mà chỉ phân tích một số khía cạnh liên quan đến phương pháp truyền đạo của Đức Phật. Mặc dù cách ngày nay gần 2.600 năm, nhưng những phương pháp mà Đức Phật đã dùng so với những phương pháp giáo dục thời nay cũng không có nhiều khác biệt.

Tìm hiểu và chắt lọc những tinh hoa trong “84 ngàn pháp môn” mà Đức Phật đã sử dụng rồi vận dụng vào sự nghiệp giáo dục ngày nay, thiết nghĩ là điều chúng ta nên/cần làm.

Tài liệu tham khảo

01. Đoàn Trung Còn: Phật học từ điển, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2009.

02. Thích Chơn Thiện: Tăng già thời Đức Phật, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2000.

03. Nàrada Thera: Đức Phật và Phật pháp, Nxb TP Hồ Chí Minh, 1999.

04. HT Thích Trí Quảng: Phật giáo nhập thế và phát triển, Nxb Tôn giáo, PL 2552-2008.

05. Pháp sư Thánh Nghiêm: Niêm hoa vi tiếu, Công ty sách Thời đại & Nxb Hồng Đức, 2014.

06. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Hoằng pháp Trung ương: Phật học cơ bản (Chương trình hàm thụ), Tập 1, Nxb Hồng Đức, 2013.

07. John Dewey: Dân chủ và giáo dục (Phạm Anh Tuấn dịch), Nxb Tri thức, 2008.

08. Trần Hữu Danh: Sự tích Đức Phật Thích ca, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2011.

09. Cư sĩ Nguyên Giác: Thiền Đốn ngộ và Những lời dạy từ các Thiền sư Việt Nam xưa, Nxb Hồng Đức, 2014.

10. Albert Einstein: Thế giới như tôi thấy, Nxb Tri thức, 2007.


[1] – Theo Đoàn Trung Còn: “Chúng-sanh là những loài có sanh ra”, “Chúng-sanh là vì chưa tự tỉnh, nên mãi luân chuyển trong sáu nẻo: Thiên (tiên), A-tu-la (thần), Nhơn (nhân, người), Địa ngục, Ngạ-quỉ (ma đói), Súc sanh” (Phật học từ điển, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2009, tr. 319-320).

[2] – Đây là quả Thánh thứ tư, người đắc quả này không còn lẫm lỗi, thoát khỏi phiền não, đạt tới sức mạnh huyền vi, tư tưởng tự do, tâm trí tự tại, biết hết tất cả… (Theo Đoàn Trung Còn: Phật học từ điển, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2009, tr. 98-99).

[3] – Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban hoằng pháp Trung ương: Phật học cơ bản (Chương trình Phật học hàm thụ), Tập 1, Nxb Hồng Đức, 2013, tr. 91.

[4] – Xin xem John Dewey: Dân chủ và Giáo dục (Phạm Tuấn Anh dịch), Nxb Tri thức, 2008.

[5] – Nàrada Thera: Đức Phật và Phật pháp (Phạm Kim Khánh dịch), Nxb TP Hồ Chí Minh, 1999, tr. 262.

[6] – “Vô lậu”: Một quan niệm của Phật giáo là không có các mối phiền não; đây là những bậc thánh, đã dứt mọi phiền não, thoát ra ngoài vòng luân hồi.

[7] – HT Thích Trí Quảng: Phật giáo nhập thế và phát triển, Nxb Tôn giáo, LP 2552-2008, tr. 86-87.

[8] – Dẫn theo PS Thánh Nghiêm: Niêm hoa vi tiếu, Công ty sách Thời đại & Nxb Hồng Đức, 2014, tr. 208-209.

[9] – Cư sĩ Nguyên Giác: Thiền Đốn ngộ và Những lời dạy từ Thiền sư Việt Nam xưa, Nxb Hồng Đức, 2014, tr. 5.

[10] – Dẫn theo Trần Hữu Danh: Sự thích Đức Phật Thích Ca, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2011, tr. 83-84.

[11] – HT Thích Trí Quảng: Phật giáo nhập thế và phát triển, Nxb Tôn giáo, LP 2552-2008, tr. 85.

[12] – Albert Einstein: Thế giới như tôi thấy, Nxb Tri Thức, 2007, tr. 49.

[13] – Gia Tuệ: “Lịch sử Đức Phật thích ca mâu ni” trong sách Phật học cơ bản (chương trình Phật học hàm thụ), tập 1, Nxb Hồng Đức, 2013, tr. 55.

[14] – Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban hoằng pháp Trung ương: Phật học cơ bản (Chương trình Phật học hàm thụ), Tập 1, Nxb Hồng Đức, 2013, tr. 29.

(Bài đã đăng tạp chí Dạy và Học ngày nay)

TS. Bùi Hồng Vạn

Leave a Reply

Your email address will not be published.