Tản mạn việc “học nói” (hay ngôn ngữ của người giảng viên)

“HỌC ĂN, HỌC NÓI, HỌC GÓI, HỌC MỞ” (Tục ngữ Việt)

Tôi là giảng viên đại học nên chỉ dám viết bài chia sẻ về lĩnh vực mình có chút hiểu biết/kinh nghiệm, vì như Anbe Anhxtanh nói: “Cái ta biết chỉ như một giọt nước, cái không biết mênh mông như đại dương”…

Nói đến ngôn ngữ giảng viên, về cơ bản có ba loại: ngôn ngữ nói, viết và ngôn ngữ hình thể.

Ngôn ngữ nói, viết thì bạn đọc dễ hình dung, còn ngôn ngữ cơ thể xin nói thêm, đây là loại ngôn ngữ sử dụng hình thể, các bộ phận trên cơ thể để biểu/truyền đạt thông tin, tư tưởng, suy nghĩ…

Những diễn viên kịch câm, xiếc (hay vua hề Sác-lô)… là những người giỏi, xuất sắc trong sử dụng loại ngôn ngữ cơ thể. Những người khác cũng sử dụng loại ngôn ngữ này ở những mức độ khác nhau, nhưng dĩ nhiên – không nhiều… Những người làm nghề dạy học đều phải dùng ngôn ngữ nói và viết (bao gồm chữ viết, các hình vẽ, ký tự, ký hiệu…) để truyền đạt kiến thức.

Trước đây công nghệ thông tin chưa phát triển thì dùng phấn, bút viết lên bảng (đen hoặc trắng). Ngày nay hầu hết giáo/giảng viên dùng chữ, ký tự/kí hiệu đã được chuẩn bị sẵn để chiếu lên phông thay vì viết trực tiếp lên bảng… Cách này tiện và cũng đỡ ảnh hưởng đến sức khỏe người thầy (do không dùng phấn). Nhưng lại hai mắt khi dùng máy tính. Thêm nữa làm mai một khả năng viết tay…

Tôi không nói về hai loại ngôn ngữ viết và ngôn ngữ hình thể. Ở đây chỉ đề cập đến ngôn ngữ nói.

Ngôn ngữ nói hết sức quan trọng đối với những người làm nghề dạy học, diễn viên, diễn thuyết, tổ chức sự kiện… Vì đây là công cụ cơ bản để họ truyền đạt thông tin, kiến thức, những gì cần thiết đến người nghe. Sử dụng loại ngôn ngữ này thế nào cho đạt được hiệu quả cao tùy thuộc từng người.

Kinh nghiệm hơn 30 năm làm nghề dạy học cho tôi thấy người giảng viên phải làm chủ được ngôn ngữ nói. Bởi, dù có viết trên bảng hay chiếu nội dung bài giảng lên phông thì rốt cục người dạy vẫn phải sử dụng ngôn ngữ nói để phân tích, giảng giải…

Vì thế thầy cô nói không rõ (nói không “tròn vành, rõ tiếng”) thì người nghe gặp khó khăn khi lĩnh hội nội dung bài học. Đây mới chỉ là tiêu chí đầu tiên của nghề sư phạm. Bên cạnh đó, muốn thuyết phục người nghe, thì ngôn ngữ của thầy cô còn phải có tính nghệ thuật nữa, tức sự hấp dẫn nữa!

Khi nói phải điều tiết âm lượng không quá to hay quá nhỏ và nên phát âm cách nói phổ thông. Lại phải luyện được cho mình chất giọng thu hút, truyền cảm đến người nghe.

Viết đến đây tôi nhớ lại câu chuyện một nhà hiền triết bẩm sinh có tật nói lắp. Để có giọng nói không lắp, to, hùng hồn ông đã phải hàng ngày ra bờ biển ngậm sỏi trong miệng, dày công luyện nói. Ông đã thành công và trở thành người hùng biện nổi tiếng một thời trong lịch sử phương Tây.

Tôi đã từng nghe rất nhiều người nói, giảng bài ở các cấp học, ở nhiều nơi và thấy… chán, không muốn nghe. Nguyên do là ngôn ngữ nói, khoa sư phạm của họ không ổn…

Rút bài học từ các bậc tiền bối, tôi đã phải cố gắng rất nhiều trong việc “học nói”. Thú thực với bạn đọc, tiếng nói quê/làng tôi có khiếm khuyết so với những địa phương khác. Người làng tôi không phân biệt được những từ dùng dấu hỏi, dấu ngã, nên có sự lẫn lộn khi dùng hai dấu này. Nhiều người còn nói nhanh, giọng nói nặng, khó nghe và không chuẩn theo cách phát âm phổ thông…

Tôi không có chủ ý chọn nghề dạy học, nhưng số phận đưa đẩy tôi đến với nghề này. Và như trên đã nói, làm nghề dạy học thì cần phải nói được/tốt. Vậy là để đáp ứng yêu cầu của nghề nghiệp, của cuộc sống tôi phải bỏ nhiều công sức để “HỌC NÓI” theo tiếng nói phổ thông.

Nói dễ, làm khó, nhưng rồi thì mọi chuyện cũng ổn… Cứ từng chút một, tôi chú lắng nghe những người khác nói để học. Đặc biệt tôi thường dành thời gian xem các vở kịch nói công diễn trên truyền hình. Vì tôi nhận thấy, kịch nói là bộ môn nghệ thuật rất hay trong việc sử dụng ngôn ngữ nói. Những diễn viên là những người được đào tạo bài bản để sử dụng công cụ nói khi hành nghề…

Thời gian lặng lẽ trôi… bước sang năm thứ 35 đời dạy học. Thấy mình đảm nhiệm tròn vai người thầy mà cuộc đời giao cho. Ngẫm thấy vui, nên đem ra chia sẻ với bạn đọc…!!!

Hà Nội, ngày 09-10-2020

Bùi Tâm Văn

Leave a Reply

Your email address will not be published.