CÁI TÔI (BẢN NGÃ) CÁ NHÂN

Ngày xưa có một nhà điêu khắc vĩ đại. Tài năng nghệ thuật của ông hoàn hảo đến mức khi ông tạc một bức tượng người xem khó mà phân biệt được đâu là người thật và đâu là tượng. Cả hai giống nhau như đúc và hết sức sống động.

Một hôm có nhà chiêm tinh báo rằng ông sắp chết. Nhà điêu khắc rất lo sợ và như bao người khác ông muốn tránh né cái chết. Ông ta nghĩ và tìm ra giải pháp. Ông tạc 11 bức tượng giống hệt mình. Khi Thần Chết đến, ông đứng lẫn vào giữa các bức tượng và nín thở.

Thần Chết phân vân, không tin vào mắt mình. Chuyện này chưa bao giờ xẩy ra, thật khác thường! 12 con người giống hệt nhau. Phải đem ai đi bây giờ? Vì chỉ được đem một người đi thôi.

Thần Chết không sao quyết định được. Phân vân, bối rối, bực bội ông bèn quay về hỏi Thượng Đế: “Người đã làm gì vậy, thưa Thượng Đế? Có tới 12 con người giống hệt nhau, trong khi tôi chỉ được chọn 1 người. Tôi biết làm sao bây giờ?”

Thượng Đế cười lớn, gọi Thần Chết đến gần và thì thầm bí quyết tìm ra cái thực giữa những cái không thực, rồi bảo: “Ngươi đi đi, khi đến nơi ông ta đang ẩn nấp thì hãy nói ra điều đó”.

Thần Chết đi, trong lòng vẫn bán tín bán nghi nhưng vì là lệnh của Thượng Đế nên phải làm theo. Ông bước vào phòng nhìn quanh và nói bâng quơ: “Thưa ngài điêu khắc gia, mọi thứ ở đây rất hoàn hảo. Ngài đã làm rất tốt nhưng vẫn còn một khiếm khuyết”.

Bấy giờ, nhà điêu khắc quên mất mình đang ẩn nấp liền bước ra hỏi: “Khiếm khuyết gì kia chứ?”.

Thần Chết cười lớn: “Ngươi đã bị bắt! Lỗi đó chính là ngươi không thể quên được bản ngã của mình. Nào, hãy theo ta!”.

Đó là một đoạn trong cuốn “Sáng tạo: Bừng cháy sức mạnh bên trong” (tiếng Việt, 2015) của nhà huyền môn vĩ đại người Ấn trong thế kỷ XX – Osho.

Tiếp sau, Osho phát biểu quan niệm của mình về cái tôi (bản ngã) của nghệ sĩ:

“Nghệ sĩ thường có cái tôi rất lớn. Nếu thế thì anh ta không phải là nghệ sĩ đích thực. Anh ta chỉ dùng nghệ thuật để làm phương tiện thỏa mãn cái tôi của mình. Nghệ sĩ rất coi trọng cái tôi cá nhân, thường xuyên ba hoa về bản thân và không ngừng tranh cãi, đấu đá lẫn nhau. Ai cũng nghĩ mình là người đầu tiên hoặc là người sau cùng. Nhưng đó không phải là nghệ thuật đích thực.

Người nghệ sĩ thực thụ phải hoàn toàn biết mất. Còn kiểu nghệ sĩ “nửa mùa” thì chỉ được xem là… thợ diễn. Phải, tôi không gọi họ là nghệ sĩ mà chỉ xem họ là những thợ diễn. Tôi cũng không gọi họ là những nhà sáng tạo mà chỉ xem họ là những người xếp đặt.

Phải! Sắp xếp câu chữ là một chuyện, còn sáng tác thơ lại là một chuyện hoàn toàn khác. Để soạn một bài thơ, người ta cần hiểu biết về ngôn ngữ và luật thơ. Đó là một trò chơi ngôn từ. Nếu bạn nắm vững toàn bộ trò chơi, bạn có thể soạn ra một bài thơ. Bài thơ đó, dẫu không thi vị cho lắm nhưng vẫn mang dáng dấp thơ ca. Về mặt kỹ thuật nó có thể hoàn hảo nhưng chỉ là một cái xác không hồn.

Cái hồn chỉ xuất hiện khi người nghệ sĩ mất hút trong tác phẩm của mình. Khi người họa sĩ vẽ với tâm thế mình không còn hiện diện nữa. Anh ta thậm chí sẽ cảm thấy áy náy khi ký tên dưới tác phẩm vì biết rằng mình không phải là tác giả!

Một thế lực ẩn danh nào đó đã làm thay và anh ta chỉ biết mình đã “được” chiếm ngự. Đó là cảm giác mà tất cả những nghệ sĩ vĩ đại của mọi thời đều trải qua: được chiếm ngự bởi một điều gì đó. Nghệ sĩ càng vĩ đại thì cảm nhận càng rõ ràng.

Những tên tuổi lừng lẫy như Mozart, Beethoven, Kalidas, Rabindranath Tagore… đều đinh ninh rằng mình chẳng là gì cả ngoài ống tre rỗng và Hiện hữu đã qua họ mà cất tiếng hát. Họ như một cây sáo được thổi vang, nhưng tiếng nhạc đó không phải do họ sáng tác. Kiệt tác ấy tuôn chảy qua họ và tới từ một nguồn nào đó không ai biết. Tất cả những gì họ làm là không cản trở mà để nó tuôn chảy qua mình.

Người sáng tạo thực thụ biết rằng mình không tạo ra cái gì cả. Chính tạo hóa đã mượn đôi tay, thể xác anh để làm. Anh ta trở thành công cụ. Trong nghệ thuật đích thực, bản thân người nghệ sĩ sẽ biến mất, do vậy mà không có chỗ cho cái tôi (bản ngã). Theo đó nghệ thuật trở thành một tôn giáo và người nghệ sĩ trở thành nhà huyền môn.

Bóng dáng người nghệ sĩ càng ít xuất hiện trong tác phẩm của mình thì tác phẩm ấy càng hoàn hảo. Khi người nghệ sĩ hoàn toàn quên mất bản thân, sự sáng tạo sẽ là tuyệt đối. Nếu hình bóng của người nghệ sĩ quá lớn trong tác phẩm, tác phẩm đó sẽ trở nên kinh tởm. Nó chỉ là sản phẩm của cái tôi không hơn không kém.

Cái tôi là một chứng bệnh thần kinh. Cái tôi lúc nào cũng muốn được hoàn hảo. Cái tôi lúc nào cũng cầu toàn. Cái tôi lúc nào cũng muốn phải cao hơn, phải tốt hơn người khác. Tuy vậy, sự hoàn hảo chẳng bao giờ có thể đạt được qua cái tôi. Nỗ lực kiểu này luôn dẫn đến thất bại. Sự hoàn hảo chỉ đến khi cái tôi không hiện diện, nhưng khi đó thì con người cũng sẽ chẳng nghĩ đến sự hoàn hảo.

Như vậy, người nghệ sĩ thực thụ sẽ không bao giờ nghĩ đến sự hoàn hảo. Anh ta không hề có khái niệm nào về sự hoàn hảo mà chỉ đơn giản là trao gởi mình, buông bỏ và bất cứ điều gì xẩy ra, cứ để chúng xẩy ra…”.

[P/s: Đôi điều về Osho: Tên thật của ông là Chandra Mohan Jain, sinh 11/12/1931 tại bang Madhya Pradesh, Ấn Độ. Năm 1951, ông học đại học Hatkirini, sau đó là đại học Jain; chứng ngộ ngày 21/03/1953.

Năm 1955, ông tốt nghiệp khoa Triết, Đại học Jain… Năm 1958, ông giảng dạy triết học tại đại học Jabalpur và thực hiện những cuộc thuyết giảng trong cộng đồng.

Năm 1970, ông giới thiệu phương pháp Thiền Năng động, hay còn gọi là Thiền Động, Thiền Tích cực. Năm 1974, thành lập Trung tâm tu học rộng 24.000 mét vuông, với khoảng 50.000 người theo học…

Năm 1981 đến Mỹ chữa bệnh và lập làng tu học rộng 260 km vuông tại bang Oregon. Vào thời kì cao điểm, có khoảng 200.000 hội viên và 600 trung tâm tu học theo tinh thần của Osho trên toàn thế giới. Từ năm 1989 chính thức lấy tên là OSHO và năm 1990 (ngày 19/01), ông mất tại thành phố Pune, Ấn Độ].

(Osho còn là một nhà huyền môn gây nên sự tranh cãi, dư luận rộng lớn trên thế giới về những phát ngôn thông qua những cuốn sách mà ông đã cho công bố. Đơn cử như: “Đạo – Con đường không lối”, 2016; “Sáng tạo: Bừng cháy sức mạnh bên trong, 2015…).

Hà Nội, ngày 23/10/2020

Bùi Tâm Văn

Leave a Reply

Your email address will not be published.