HÀNH TRÌNH LÀ ĐÍCH ĐẾN

Các bạn trẻ thân mến!

Tôi là một trong những người yêu quí các bạn trẻ, và vì thế, tôi xin phép post lên đây một “câu chuyện” trong cuốn sách nổi tiếng của nhà huyền môn (OSHO) – “ĐẠO: CON ĐƯỜNG KHÔNG LỐI” (TAO: The Pathless Path, 2016, bản in tiếng Việt), giúp các bạn suy tư về một trong những vấn đề căn cốt, quan trọng của cuộc sống = cái đích cuộc đời ở đâu? Nội dung câu chuyện như sau:

Ngụ ngôn Đạo gia:

Có bức tượng Lão Tử, người sáng lập Đạo giáo trên núi cao. Một người trẻ tuổi nhiều năm trời nuôi ý định phải lên núi để chiêm bái tượng Lão Tử. Anh ta yêu thích lời Lão Tử, lối ông nói, cách ông sống, nhưng anh ta chưa từng thấy tượng của ông…

Năm tháng trôi qua… Một đêm nọ anh ta quyết định phải đi – mà cũng không xa lắm, chỉ trăm dặm thôi – song vì nghèo nên anh ta phải đi bộ. Vào đúng nửa đêm, anh ta chọn thời điểm này, khi vợ con và gia đình đã ngủ say… Anh ta cầm đèn trong tay, bởi trời tối đen như mực, rồi rời khỏi thị trấn.

Khi ra khỏi thị trấn và đến cột cây số đầu tiên, một ý nghĩ nảy ra trong đầu anh ta: “Trời đất, một trăm dặm ư! Mà chỉ có đôi bàn chân không – ta sẽ chết mất… Ta chưa hề đi bộ trăm dặm bao giờ, mà lại không có đường…”

Đường chỉ là một lối nhỏ dẫn lên núi, lối mòn quá nguy hiểm. Anh ta nghĩ: “Tốt nhất là đợi đến sáng… Ta sẽ thấy rõ hơn; nếu không rất có thể ta sẽ vấp ngã…

Anh ta ngồi chờ bên ngoài thị trấn và khi mặt trời lên thì gặp một cụ già. Cụ già hỏi anh: “Anh đang làm gì đấy?”. Người trẻ tuổi giải thích đầu đuôi… Cụ già cười, bảo: “Anh chưa từng nghe châm ngôn xưa nay hay sao? Không ai có quyền năng bước đồng thời hai bước. Mỗi lần chỉ có thể bước một bước mà thôi, bất luận là người già hay trẻ”. Châm ngôn nói: “Cứ bước này tiếp bước trước, người ta có thể đi mười ngàn dặm”. Huống chi, đoạn đường anh định đi chỉ 100 dặm thôi! Anh ngốc thật, ai bảo anh phải đi liên tục? Anh cứ thong thả, sau 10 dặm anh có thể nghỉ 1-2 ngày…

Đây là một thung lũng đẹp nhất… Anh có thể đi cùng ta. Ta đã đi con đường này cả ngàn lần rồi, ít nhất tuổi của ta cũng gấp bốn lần tuổi của anh. Nào, đứng lên đi tiếp. Người trẻ tuổi đứng dậy. Cụ già nói: “Đưa hành lý cho ta. Ta sẽ mang giúp anh. Anh chỉ việc theo ta, rồi chúng ta sẽ nghỉ ngơi bất cứ lúc nào anh muốn”.

Khi họ tiến sâu vào rừng, các rặng núi, người trẻ tuổi thấy cảnh vật càng lúc, càng đẹp… Người trẻ tuổi rất ngạc nhiên vì anh không thấy cụ già nói đến chuyện nghỉ ngơi, trừ khi anh đề nghị…

Họ đã trải qua 100 dặm… Rồi họ đi đến chỗ bức tượng Lão Tử – một trong những con người vĩ đại nhất của nhân loại. Bức tượng đứng ở nơi đơn độc trong rừng sâu, núi thẳm bên cạnh một thác nước. Nước cứ trôi hoài, trôi mãi không cần cẩm nang, bản đồ, không phép tắc, không kỷ luật… Nước trôi theo con đường khá tầm thường, nó luôn tìm đến vị trí nào thấp hơn. Nước không bao giờ chảy ngược lên. Nó luôn xuống dốc, nhưng vẫn cứ ra tới đại dương, đến chính cội nguồn của nó.

Cụ già bảo người trẻ tuổi: “Giờ đây cuộc hành trình mới bắt đầu”. “Gì cơ? Con nghĩ, cuộc hành trình đã kết thúc rồi chứ?, người trẻ tuổi nói. Cụ già đáp: “Đó chính là cách các đạo sư nói với người ta. Song, thực tại là bây giờ: Từ điểm này, từ không gian này, cuộc hành trình ngàn lẻ một dặm lại bắt đầu. Ta không gạt anh đâu, bởi một ngàn lẻ một dặm anh sẽ gặp một cụ già khác, người đó sẽ nói: “Đây chỉ là một điểm dừng chân, hãy đi tiếp”…

Vậy đó, TỰ THÂN HÀNH TRÌNH ĐÃ LÀ ĐÍCH ĐẾN!

Hà Nội, ngày 01/01/2020

Bùi Tâm Văn

Leave a Reply

Your email address will not be published.