“Dĩ bất biến, ứng vạn biến”

Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà Văn hóa kiệt xuất!

Điều này với những người có sự quan tâm đến Hồ Chí Minh, đều biết. Tuy nhiên, có nhiều chuyện liên quan đến cuộc đời hoạt động đầy gian khổ, cam go, hy sinh lại hết sức phong phú, sinh động của Cụ Hồ thì không phải ai cũng biết. Âu cũng là chuyện thường tình!

Trong khi giảng dạy môn/học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh cho các bạn sinh viên, hầu như các giảng viên đều dẫn một câu nói bất hủ của Cụ Hồ: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến!”

Câu này ra đời trong hoàn cảnh lịch sử nào? Cụ Hồ nói với ai?

Tìm hiểu hoàn cảnh ra đời, xuất xứ của câu nói trên giúp các bạn sinh viên có thêm điều kiện để hiểu sâu/đầy đủ/đúng đắn hơn về tư tưởng Hồ Chí Minh.

Để giúp các bạn hiểu biết về bối cảnh câu trên, xin cung cấp cho các bạn bài viết của Lâm Quang Thọ (Nguyễn Ngọc Truyện tuyển đưa vào sách “Hồ Chí Minh: Cứu tinh dân tộc Việt”, được Nxb. Thanh niên ấn phát hành từ quý 2 năm 2008).

Nội dung cụ thể như sau:

“Cuối năm 1945, cụ Huỳnh Thúc Kháng nhận được điện của Bác Hồ mời ra Hà Nội tham gia Chính phủ. Cụ Huỳnh phân vân, nói với nhiều người ở Huế rằng chưa chắc cụ hợp tác với Bác Hồ. Cụ ra Hà Nội xem sao đã. Trong thâm tâm, cụ Huỳnh muốn biết cụ Hồ có phải là Nguyễn Ái Quốc không?

Sau khi tiếp xúc, cụ Huỳnh đã biết rõ cụ Hồ là ai, lại thấy cụ Hồ sống chân thành, giản dị, có đường lối sáng suốt, mới nhận làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Cụ Huỳnh được bầu làm Chủ tịch Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt).

Cụ Hồ sang Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp, ủy nhiệm cụ Huỳnh làm quyền Chủ tịch nước. Tại sân bay, cụ Hồ nắm chặt tay cụ Huỳnh, nói: – Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó, phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở cụ cùng với anh em giải quyết cho. Mong cụ: “Dĩ bất biến ứng vạn biến. Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm” (Lấy cái vững vàng, tỉnh táo để đối phó với mọi sự biến đổi của tình hình. Lấy cái tâm của nhân dân quần chúng làm tâm của mình).

Cụ Huỳnh cảm động, cầm tay cụ Hồ hồi lâu và lấy lời dặn trên làm phương châm hành động trong thời gian cụ Hồ vắng mặt…”

[Muốn rõ hơn chuyện cụ Huỳnh đã vận dụng thành công “bảo bối” trên để đối phó với kẻ thù giữ vững chính quyền cách mạng non trẻ trong thời gian cụ Hồ sang Pháp như thế nào, các bạn có thể tìm đọc thêm một số tài liệu khác (chẳng hạn: “Những năm tháng không thể nào quên” của ĐT Võ Nguyên Giáp)…].

Cụ HUỲNH đứng bên trái cụ Hồ trong Chính phủ VN năm 1946

Hà Nội, ngày 05/11/2020

Bùi Tâm Văn

Leave a Reply

Your email address will not be published.