Trong một bài thơ (nếu tôi nhớ không nhầm) là của nữ thi sĩ Lâm Thị Mỹ dạ, có mấy câu:
“Nhặt chi con ốc vàng
Sóng xô vào tận bãi
Những cái gì dễ dãi
Có bao giờ bền lâu”
Tôi đọc những câu thơ này từ những năm 80-90 của thế kỷ XX, song vẫn nhớ. Lý do thật đơn giản, những câu thơ trên đã “động đến cái cao sâu của tình cảm” (cách nói của Xuân Diệu).
Theo tôi đây là những câu thơ cực hay vì chúng phản ánh một hiện tượng trong tâm lý con người = ưa thích sự dễ dãi. Nữ thi sĩ có lời khuyên nhẹ nhàng nhưng sâu sắc và giàu tính triết lý = đừng dễ dãi với cuộc đời (“Nhặt chi con ốc vàng/Sóng xô vào tận bãi”). Bởi, sự dễ dãi sẽ không đem đến kết cục tốt đẹp – “Có bao giờ bền lâu”.
Trước chị, tổ tiên ta cũng từng khuyên bảo nhau và dạy con cháu đừng “tham bát bỏ mâm”, đừng “bóc ngắn cắn dài”, phải biết nhìn xa, trông rộng…
Vậy mà, trong giáo dục hiện nay vẫn tồn tại nhiều vấn nạn chưa bị tiêu trừ, đó là những hiện tượng “học giả, bằng thật”, người học thiếu trung thực, lười học nhưng muốn được điểm cao, điểm đẹp, được bằng giỏi, xuất sức, v.v…
Tại những cơ sở giáo dục áp dụng phương thức cho học trò chọn thầy cô thì có rất nhiều người học sẽ “né”, “tránh” những thầy cô đòi hỏi trò phải học tập nghiêm túc và đánh giá kiến thức thực chất để đến với những thầy cô biết làm đẹp lòng người học qua việc học tập, tu dưỡng nhẹ nhàng nhưng vẫn được điểm cao, vẫn giành được học bổng, được bằng giỏi, xuất sắc, được khen thưởng…
Tôi luôn khắc cốt ghi tâm câu này của Đức Khổng Tử: Tất cả những người cười với bạn chỉ là bạn. Còn những ai quở trách bạn chính là Thầy của bạn! Đạo lý này hay, thâm sâu lắm nhưng nhiều người (đặc biệt là giới trẻ) chưa tiếp cận/nhận được… Đây là nguyên nhân (thuộc về nhận thức) đã tạo ra hành vi ứng xử tiêu cực như đã đề cập ở trên…
Ở một góc nhìn nào đó, ta không thể phủ nhận chân lý: “Không thầy đố mày làm nên”. Khởi điểm cho thành công trong giáo dục là Thầy… Ngày xưa, “vạn thế sư biểu” nước Việt – Chu Văn An là người thầy có nhân cách sáng ngời và rất nghiêm túc/khắc trong dạy học. Nhờ có tài cao, đức trọng ông đã đào tạo được nhiều học trò giỏi, thành đạt, trong đó có những người làm quan to thời nhà Trần…
Nhưng giờ đây, người học lười lại muốn điểm cao, điểm đẹp, bằng hay; còn người dạy (buộc phải) chiều theo, đáp ứng xu thế không lành mạnh của họ thì hỏi đến bao giờ nước Việt ta mới “bước tới đài vinh quang, sánh vai cùng các cường quốc năm châu” (như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh) được đây?
Càng nghĩ, càng buồn, càng… đau lòng về thế thái nhân tình!

Hà Nội, ngày 28/12/2020
Bùi Tâm Văn
Cảm ơn bạn nhiều vì sự đồng cảm, chia sẻ với tác giả bài viết!
https://www.thivien.net/L%C3%A2m-Th%E1%BB%8B-M%E1%BB%B9-D%E1%BA%A1/Bi%E1%BB%83n/poem-odlrvUsCjsZiiu1aFjX-uw
Đây bác,