Đại học Việt Nam trước thềm thế kỷ XXI

Đây là một bài viết của GS. Hoàng Tụy đã đăng báo “Sài Gòn giải phóng” từ năm 2000. Về sau bài được tuyển chọn đưa vào cuốn sách “Hoàng Tụy, Giáo dục: Xin cho tôi nói thẳng”, do Nxb. Tri thức ấn hành năm 2012.

Nội dung bài khá dài, đề cập đến những vấn đề chính được thể hiện ở các “tít”: 0. Một nền đại học còn yếu kém về nhiều mặt; 1. Thi cử: Vấn đề bức xúc nhất hiện nay; 2. Sứ mạng xã hội của đại học trong thế kỷ XXI; 3. Khó khăn do tự tạo nhiều hơn là khách quan; 4. Sử dụng công nghệ thông tin trong giáo dục đại học; 5. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học: Vấn đề số 1 hiện nay của các đại học; 6. Tư tưởng hư danh, đầu óc khoa cử là trở ngại lớn cho sự phát triển lành mạnh của các đại học; 7. Phân giai đoạn trong đào tạo đại học; 8. Ý nghĩa quốc tế của giải thưởng Olympic Quốc tế; 9. Giải pháp đột phá cho giáo dục và đại học.

Xin trích đăng lại một nội dung của bài viết (theo tôi) cần được quan tâm đặc biệt là “6. Tư tưởng hư danh, đầu óc khoa cử là trở ngại lớn cho sự phát triển lành mạnh của các đại học“:

“Một trăm năm trước đây đã có những nhà Nho hô hào cắt tóc để bỏ cái búi tó, coi nó là “cái ngu, cái dại” của chúng ta (Phan Khôi, “Vè cắt tóc”). Thiết nghĩ ngày nay cũng đã đến lúc nên lên án tương tự cái đầu óc khoa cử, hư danh, nó chính là thủ phạm gây nên biết bao nhiêu điều đáng xẩu hổ trên đất nước này.

Có hai nguyên nhân: Thứ nhất là nhược điểm cố hữu của người Việt Nam, từ bao đời quen lối học từ chương khoa cử, học để trở thành ông Nghè, Ông Cử, để làm quan, để có danh vị này khác. Đáng buồn là các tư tưởng chuộng hư danh, sính bằng cấp lại đang có chiều hướng gia tăng, với sự tiếp sức của báo chí và nhiều nhà khoa học. Ở các nước, ít ai xưng hô ầm ĩ các học vị, chức danh, còn ở ta cứ lật một trang báo là thấy đẫy rẫy nào Thạc sĩ, Tiến sĩ, Viện sĩ, chẳng hiểu bao nhiêu phần trăm là thật.

Do đó tạo ra cái ảo tưởng bằng cấp, học vị là những giá trị cao nhất trong xã hội hiện đại và hướng thanh niên vào những mục tiêu hư danh viển vông hoặc thực dụng tầm thường. Cái khát vọng của tuổi trẻ tìm đến những chân trời tri thức mới lạ để mong lập kỳ tích trên mặt trận trí tuệ là mặt trận chính thời nay, chạm vào cái xã hội đó làm sao khỏi bị biến dạng. Tất cả cuộc đời thu lại chỉ còn là học ngày, học đêm, không kịp suy nghĩ, sáng tạo gì hết, để giật một mảnh bằng đôi khi rất giả tạo, hay sao? Xây dựng một đất nước vào thời đại trí tuệ mà như thế thì làm sao hưng thịnh được?

Thứ hai là lối giáo dục, thi cử, đánh giá của ta hiện nay, và nếu bàn sâu hơn nữa, là lối dùng người, chưa phân biệt được tài năng đích thực với tài năng rởm, còn nặng về hư danh, nhẹ thực chất. Suy cho cùng chỉ có thể đào tạo nhân tài tốt khi nào có một môi trường xã hội biết quý trọng tài năng chân chính và nhân tài luôn có điều kiện phát triển. Các kiểu học hành, thi cử, đánh giá của ta hiện nay không thích hợp để bước vào xã hội thông tin và thế kỷ kinh tế tri thức. Nếu cứ tiếp tục kiểu này chúng ta sẽ thua cuộc trong cạnh tranh sắp tới”.

Hà Nội, ngày 04/01/2021

Leave a Reply

Your email address will not be published.