Những ngành nghề có điều kiện phát triển trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0

                                                            TS. BÙI HỒNG VẠN

                                                           (Trường Đại học Thương mại)

* Tóm tắt: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (còn được gọi là CMCN 4.0) chỉ mới xuất hiện từ đầu thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI nhưng đã, đang và sẽ tạo ra những thay đổi to lớn về kinh tế-xã hội trên phạm vi toàn cầu. Nhiều ngành nghề truyền thống sẽ suy giảm, thậm chí bị xóa sổ. Nhưng có nhiều ngành nghề mới xuất hiện và phát triển. Những ngành nghề này sẽ tạo công ăn việc làm, đem lại nguồn thu nhập tốt cho người lao động. Bài viết giới thiệu khái quát sự xuất hiện, một số đặc điểm cơ bản và những ngành nghề có điều kiện phát triển trong thời đại CMCN 4.0.

Summary: The fourth industrial revolution (also known as the Industry 4.0) has only appeared since the beginning of the second decade of the twenty-first century, but has, is, and will be, creating great economic changes- society on a global scale. Many traditional professions will decline or even be wiped out. But many new professions emerged and developed. These occupations will create jobs and provide good income for workers. The article briefly introduces the appearance, some basic characteristics and industries with conditions for development in the industrial age 4.0.

* Từ khóa: Cách mạng công nghiệp, Công nghiệp 4.0, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Cách mạng công nghiệp 4.0

Keywords: Industrial Revolution, Industry 4.0, Fourth Industrial Revolution, Industrial Revolution 4.0.

1. Vài nét khái quát về cuộc CMCN 4.0

1.1. Trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhân loại đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất bắt đầu từ năm 1760 và kết thúc vào năm 1840. Đây là cuộc cách mạng có đặc điểm nổi bật gắn với hai sự kiện – phát minh máy hơi nước và xây dựng hệ thống giao thông đường sắt, từ đó mở đường cho sản xuất bằng máy móc cơ khí. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX đã mở ra cơ hội cho việc sản xuất hàng loạt nhờ sự ra đời của điện và dây chuyền lắp ráp. Cách mạng công nghiệp lần thứ ba bắt đầu vào thập niên 1960. Nó thường được gọi là cách mạng máy tính hoặc cách mạng số với điểm nổi bật là sự phát triển của linh kiện bán dẫn, máy tính chủ (thập niên 1960), máy tính cá nhân (thập niên 1970-1980) và internet (thập niên 1990).

CMCN 4.0 xuất hiện từ đầu thế kỷ XXI trên nền tảng của cuộc cách mạng số. Đặc trưng cơ bản của cuộc cách mạng này là internet di động phổ biến ở khắp mọi nơi, là những thiết bị cảm ứng hơn, mạnh hơn nhưng rẻ hơn, cùng với trí tuệ nhân tạo và máy tự học [02, 20-21]. Theo Klaus Schawab, vào năm 2011, lần đầu tiên thuật ngữ “Công nghiệp 4.0” được nói đến tại Hội chợ triển lãm công nghệ ở Hanover (Đức). Chính phủ Đức đã đưa thuật ngữ này vào “Kế hoạch hành động chiến lược công nghệ cao” của mình năm 2012. Đức là nước đầu tiên xây dựng chiến lược phát triển dựa trên cơ sở khai thác, phát huy những ưu thế của CMCN 4.0.

Trong ba ngày 20-23 tháng 1 năm 2016, ở Thụy Sỹ, Diễn đàn kinh tế thế giới đã tổ chức cuộc hội thảo về CMCN 4.0. Hội nghị này có 2.500 đại biểu tham dự đến từ hơn 100 quốc gia. Tại hội nghị người ta đã thảo luận và dự báo những thay đổi về công nghiệp trong tương lai, những đột phá của CMCN 4.0 sẽ tác động mạnh mẽ đến kinh tế – xã hội tất cả các quốc gia trên thế giới.

1.2. Vẫn theo Klaus Schwab, nhân loại đang ở thời điểm khởi đầu của một cuộc cách mạng sẽ làm thay đổi sâu sắc cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau. Xét về quy mô, tầm vóc và độ phức tạp thì CMCN 4.0 không giống bất kỳ điều gì trước đó. Sẽ có vô số khả năng cho phép hàng tỷ con người kết nối với nhau bằng các thiết bị di động, tạo nên sức mạnh xử lý, năng lực lưu trữ và cơ hội tiếp cận tri thức chưa từng có. Sự hợp lưu đáng kinh ngạc giữa những công nghệ gần đây, bao trùm nhiều lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ robot, internet kết nối vạn vật, xe tự hành, in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, lưu trữ năng lượng, tính toán lượng tử, v.v…

Nhìn một cách đại thể, CMCN 4.0 có các đặc trưng sau:

* Về tốc độ: CMCN 4.0 sẽ phát triển ngày càng nhanh chứ không đều đặn về tốc độ như ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. Đó chính là hệ quả của một thế giới đa chiều, với sự liên kết sâu sắc của con người, cùng với công nghệ mới lại sản sinh ra những công nghệ mới hơn và có năng lực cao hơn.

* Về bề rộng và chiều sâu: CMCN 4.0 hình thành trên nền tảng cách mạng số và kết hợp nhiều công nghệ đang thúc đẩy những chuyển đổi mô hình chưa từng có trên các khía cạnh kinh tế, kinh doanh, xã hội và cá nhân. Nó không chỉ làm thay đổi điều chúng ta làm, cách chúng ta làm mà còn cả việc chúng ta là ai.

* Tác động mang tính hệ thống: CMCN 4.0 sẽ dẫn đến sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống giữa các quốc gia, doanh nghiệp, ngành công nghiệp và toàn xã hội trên phạm vi thế giới. Nếu như trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, cơ khí hóa với máy chạy bằng thủy lực và hơi nước, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai với động cơ điện và dây chuyền lắp ráp, sản xuất hàng loạt, cách mạng công nghiệp lần thứ ba với kỷ nguyên máy tính và tự động hóa xuất hiện thì CMCN 4.0 với đặc trưng các hệ thống liên kết thế giới thực và ảo. Cuộc cách mạng này đã/sẽ kết hợp hệ thống nhúng và quy trình sản xuất thông minh để mở đường cho một kỷ nguyên công nghệ mới, kỷ nguyên thay đổi cơ bản về chuỗi giá trị và mô hình kinh doanh trong công nghiệp. Trong quá trình sản xuất, máy móc hoạt động dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông thông minh, các hệ thống và mạng lưới có khả năng độc lập trao đổi và trả lời các thông tin để quản lý các quá trình sản xuất công nghiệp…

2. Những ngành nghề phát triển trong thời CMCN 4.0

2.1. CMCN 4.0 với sự phát triển mạnh của công nghệ trí tuệ nhân tạo đang đe dọa nhân lực nhiều ngành nghề. Theo Sabine Pfeiffer – nhà xã hội học Đức, những công việc có tính lặp đi lặp lại nhiều sẽ mất an toàn nhất; các ngành nghề bị ảnh hưởng lớn là công việc văn phòng. Do những công việc này không cần nhiều đến bằng cấp mà chỉ dựa trên các quy trình chuẩn. Cách thức tự động hóa các công việc đó khá đơn giản và cắt giảm rất nhiều chi phí, không chỉ bằng máy móc mà còn bằng các thuật toán nữa. Một số ngành nghề sẽ biến mất hoàn toàn, xe tự lái có thể khiến hơn 3 triệu lái xe ở Mỹ mất việc và 5 triệu người làm việc trong các quán ăn, trạm xăng và nhà nghỉ sẽ bị robot thay thế. Bên cạnh những việc làm “thất thế” thì nhiều ngành nghề lại “lên ngôi” và có vị trí vững chắc trong thời CMCN 4.0.

Theo Klaus Schwab, các lĩnh vực có triển vọng phát triển mạnh bao gồm:

1) Nhóm công nghệ số, bao gồm công nghệ điện toán mới, blockchain[1] và các công nghệ sổ cái phân tán, internet kết nối vạn vật;

2) Nhóm công nghệ “cải tạo thế giới vật chất”, gồm trí tuệ nhân tạo và Robot, vật liệu tiên tiến, công nghệ sản xuất đắp dần và in ấn đa chiều;

3) Nhóm công nghệ “thay đổi con người”, gồm công nghệ sinh học, công nghệ thần kinh, thực tế ảo và thực tế tăng cường;

4) Nhóm công nghệ tích hợp môi trường, bao gồm thu hút, lưu trữ và chuyển đổi năng lượng, can thiệp khí hậu, công nghệ không gian.

Các lĩnh vực này có đặc điểm chung là vận động theo xu hướng “mở rộng”. Tình hình cụ thể như sau:

* Công nghệ điện toán mới: Tiếp tục đóng vai trò quan trọng vì năng lực kỹ thuật số phổ biến, mạnh mẽ, hiệu quả và chi phí thấp. Lĩnh vực này được xem như là xương sống thiết yếu cho các công nghệ và hệ thống của CMCN 4.0 và vì triển vọng của các phương pháp tiếp cận hoàn toàn khác nhau trong điện toán với những cơ hội và thách thức mới trong tương lai.

Trọng tâm những tiến bộ trong điện toán là những đổi mới về vật liệu, lắp ráp và cấu trúc mà con người sử dụng để xử lý, lưu trữ, thao tác và tương tác với thông tin. Chúng được nhóm thành các lĩnh vực như điện toán đám mây tập trung, tính toán lượng tử, xử lý mạng nơron, lưu trữ dữ liệu sinh học, điện toán quang và lưới. Những tiếp cận này tạo ra môi trường thúc đẩy sự phát triển phần mềm và các hình thức mật mã mới. Chúng đang tạo ra và giải quyết các thách thức về an ninh mạng, cho phép xử lý ngôn ngữ tự nhiên và hứa hẹn đạt hiệu quả lớn trong các lĩnh vực ứng dụng chăm sóc sức khỏe và mô phỏng các quá trình vật lý và hóa học.

* Blockchain và các công nghệ sổ cái phân tán: Công nghệ thanh toán sẽ biến đổi sâu sắc dựa trên blockchain, sự kết hợp đột phá của toán học, mật mã, khoa học máy tính và lý thuyết trò chơi. Đây là bước đầu tiên trong sự phát triển của tiền tệ kỹ thuật số và tạo ra toàn bộ hệ thống lưu trữ mới và trao đổi giá trị trong cả nền kinh tế kỹ thuật số và nền kinh tế thực. Người ta còn dự báo vào những năm 2030, các phiên bản của công nghệ sổ cái phân tán hoặc “blockchain” có thể thay đổi mọi thứ từ giao dịch trực tuyến đến cách chúng ta bỏ phiếu và truy xuất nơi sản xuất hàng hóa. Có đến 10% GDP toàn cầu được lưu trữ và và giao dịch bằng các loại tiền tệ ngoài chủ quyền các quốc gia hoặc việc thu thuế tự động, minh bạch và theo thời gian thực trên tất cả các bộ phận của nền kinh tế.

* Internet kết nối vạn vật: Trong thập niên tới, hơn 80 tỷ thiết bị được kết nối trên toàn thế giới sẽ thường xuyên được gắn kết con người với nhau. Mạng lưới tương tác, phân tích và đầu ra rộng lớn này sẽ làm thay đổi cách thức mà các đối tượng được sản xuất, dự đoán nhu cầu và cung cấp những góc nhìn mới về thế giới. Nhờ sự phân tán của các cảm biến, thế giới cũng sẽ thay đổi theo những cách khác nhau. Các siêu thị sẽ không còn các quầy tính tiền, các nhà hàng đồ ăn nhanh sẽ giảm một nửa số nhân viên so với trước đây 10 năm.

Khi các mô hình kinh doanh tận dụng internet kết nối vạn vật (IoT) để tối ưu hóa các hoạt động và tạo ra “nền kinh tế kéo” thì thế giới xung quanh con người sẽ liên tục dự đoán nhu cầu tiêu dùng bằng cách phân tích các mô hình hành vi của chúng ta. Ở một số quốc gia phát triển trên thế giới thì IoT không chỉ giúp theo dõi mực nước mà còn có thể làm sống động hơn các công nghệ ứng dụng trong y tế ở các vùng sâu, vùng xa thông qua phủ sóng vệ tinh.

2.2. Theo dự báo của Tiến sĩ Robert M. Goldman, trong vòng 20 năm tới sẽ có khoảng 70-80% công việc hiện nay biến mất; những ngành nghề phục vụ cho sự phát triển của công nghệ, số, kỹ thuật, robot sẽ tăng lên. Trong đó, công nghệ thông tin (CNTT) sẽ là ngành chủ lực trong cuộc CMCN 4.0. Ngành chế tạo ra robot như cơ điện tử sẽ trở nên “hot”; còn nhóm các ngành công nghệ vật liệu nano, năng lượng, logistics, kỹ thuật y sinh và nhóm ngành dịch vụ như du lịch, nhà hàng, khách sạn; nhóm ngành thiết kế sáng tạo; nhóm ngành dinh dưỡng và ẩm thực; nhóm ngành điện tử, cơ khí, tự động hóa; nhóm ngành quản lý, quản trị, nhóm ngành công nghệ chế biến… cũng sẽ có cơ hội phát triển.

Tuy vậy, những công việc liên quan đến sáng tạo vẫn luôn dẫn đầu xu hướng trong thời đại 4.0. Lý do đơn giản là máy móc sẽ không thể thay thế cho các lĩnh vực này, máy móc chỉ hỗ trợ các công việc thiết kế trở nên đơn giản và hiệu quả hơn. Ở nhóm ngành kinh tế, robot cũng chỉ thay thế được một vài vị trí như bán hàng, vận chuyển… nhưng ở cấp quản lý, điều hành, hoạch định chiến lược thì đòi hỏi phải có bộ óc và bàn tay con người điều tiết. Điều hành công ty hay quản trị doanh nghiệp đều cần tư duy và kiến thức của con người. Trí tuệ nhân tạo khác với con người ở chỗ cảm xúc và sự sáng tạo.

Trong thời CMCN 4.0, các ngành nghề, lĩnh vực sau đây có điều kiện phát triển, đem lại thu nhập tốt cho người lao động:

* Công nghệ thông tin: Được xem như bộ não điều khiển các hoạt động của công nghệ Internet, Internet vạn vật, Internet kết nối thiết bị máy móc, kết nối quá trình vận hành của các nhà máy… Đây được xem là lĩnh vực “hot” nhất trong thời CMCN 4.0. Công nghệ thông tin sử dụng công nghệ hiện đại vào việc tạo ra, xử lý, truyền dẫn thông tin, lưu trữ, khai thác thông tin. Hiện nhu cầu lập trình viên làm việc cho những chức năng cơ bản của máy tính đã suy giảm; nhưng nhu cầu về lập trình viên cho những chương trình nâng cao, chuyên biệt lại tăng lên. Làm việc trong lĩnh vực này phải là người có tính kiên nhẫn, có suy nghĩ logic và cẩn thận, tỉ mỉ.

Có một số chuyên ngành rất “hot” trong Công nghệ thông tin, đó là:

1) Phân tích hệ thống: bao gồmviệc lên kế hoạch, thiết kế các hệ thống mới hay tổ chức lại tài nguyên máy tính của một công ty nhằm mục đích tối đa hóa việc sử dụng. Mức lương cho nghề này tại Mỹ là 54,500-87,500 USD/năm;

2) Quản trị cơ sở dữ liệu: Sử dụng các phần mềm quản trị cơ sở dữ liệu để xác định cách thức tổ chức và truy cập dữ liệu công ty một cách hiệu quả nhất, chịu trách nhiệm đảm bảo tính bảo mật của cơ sở dữ liệu và sao lưu hệ thống. Nghề này đòi hỏi lao động có kinh nghiệm làm việc thực tế với những loại công nghệ mới nhất và có kinh nghiệm về kỹ thuật. Mức lương từ 48,500-85,500 USD/năm tại Mỹ;

3) Quản lý hệ thống thông tin: Các nhà quản lý sẽ giám sát công việc của những lập trình viên, nhà phân tích hệ thống và các chuyên gia máy tính khác. Họ cần có kinh nghiệm quản lý và có nền tảng kỹ thuật số tốt. Mức lương dành cho nghề này tại Mỹ từ 79,000-129,000 USD/năm;

4) Chuyên gia mật mã: Là những người thiết kế hệ thống mật mã, bảo mật và thực hiện các nghiên cứu về mật mã. Họ thường là những nhà toán học có chuyên môn về việc tạo mã hay giải mã. Những người này có bằng tiến sĩ về mật mã, có kinh nghiệm sâu rộng trong lĩnh vực toán học và khoa học máy tính hoặc hệ thống thông tin. Chuyên gia bảo mật tại Mỹ có mức lương từ 60,000-100,000 USD mỗi năm.

* Nghiên cứu cải tiến robot và xe hơi tự hành 

Gần đây, ứng dụng robot cải tiến và phương tiện tự hành đã được đưa vào thử nghiệm, đặc biệt là các thiết bị bay không người lái (UAV, còn gọi là drone) trong quân đội cũng như các lĩnh vực dân sự. Robot cải tiến có sự nhanh nhạy và thông minh thậm chí còn vượt trội hơn cả người lao động phổ thông trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp.

Các công ty như Waymo hay “đại gia” Uber cũng đang nghiên cứu sản xuất xe hơi hoàn toàn hoặc một phần tự hành, hứa hẹn một bước đột phá an toàn và tiết kiệm hơn trong ngành giao thông vận tải. Do đó, trong tương lai ngành nghề nghiên cứu và cải tiến robot, xe hơi tự hành sẽ trở thành ngành nghề phát triển không ngừng.

* In 3D và công nghiệp xây dựng

Cũng như ngành công nghiệp xe hơi trong cách mạng công nghiệp lần thứ 2, khi mà dây chuyền tự động hóa được đưa vào, nhu cầu lao động phổ thông sẽ giảm đi, thay vào đó là người máy thế hệ tiếp theo, những robot có thể dễ dàng xây dựng hay thậm chí in 3D ra một căn nhà trong vài ngày mà vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn kĩ thuật và an toàn lao động. Nhưng ngược lại, nghề kiến trúc sư và thiết kế nội thất thực sự có kĩ năng và sức sáng tạo lại có nhiều cơ hội, bởi vì những giới hạn của con người trong ngành xây dựng bị phá vỡ, robot có thể làm được nhiều điều không tưởng. Trong tương lai, khả năng sáng tạo của con người kết hợp với sức mạnh của robot sẽ tạo ra bộ mặt mới của ngành này.

* Thiết kế thời trang

Cùng với sự phát triển của các ngành công nghệ thông tin thì thiết kế thời trang cũng sẽ trở thành ngành nghề được chú trọng. Bởi nghề thiết kế thời trang đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng để đáp ứng nhu cầu thị trường, nên robot không thể thay thế được. Khi mua hàng online trở thành thói quen của nhiều người thì dấu ấn của thiết kế càng được chú trọng. Con người luôn hướng tới cái đẹp nên việc thiết kế sao cho thu hút để tạo ấn tượng với khách hàng. Sự sáng tạo của con người là điều giúp cho ngành này trụ vững trước xu thế CMCN 4.0.

* Dịch vụ tài chính và đầu tư

Ngành tài chính và đầu tư đang có cả tiềm năng và nguy cơ nhưng vẫn là ngành nghề “hot’ trong thời CMCN 4.0. Cùng với sự phát triển của Trí tuệ nhân tạo và Machine learning, ngành này sẽ có sự chuyển dịch rõ rệt, tạo ra nhiều việc làm liên quan đến những vị trí xử lí máy tính, cấu trúc dữ liệu, bảo mật thông tin, phân tích dữ liệu và mạng máy tính. Nhờ Internet và các phương tiện thông tin đại chúng, mọi người có thể theo dõi được sự thay đổi lên xuống của tình hình kinh tế. Kì vọng của khách hàng cũng sẽ tăng lên… Đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển và là nghề hấp dẫn, thu hút nhân lực trong thời CMCN 4.0.

* Công nghệ sinh học và y tế

Công nghệ sinh học nghiên cứu, vận dụng sinh vật sống, kết hợp với quy trình và thiết bị kỹ thuật để sản xuất công nghiệp với các sản phẩm sinh học. Ngành này đang dần được định hình lại và phát triển một cách thần kì. Công nghệ sinh học (đặc biệt là công nghệ nano) sẽ có vai trò quan trọng trong sản xuất thực phẩm, ngăn chặn những căn bệnh nan y, cải thiện sức khỏe và hệ thống y tế. Robot có thể thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, nhưng với nhóm ngành y tế vẫn không bị ảnh hưởng. Bởi ngoài chữa bệnh việc giao tiếp, ổn định tinh thần, thấu hiểu suy nghĩ của người bệnh cũng rất quan trọng. Những việc này con người làm tốt hơn robot. Báo cáo ngành y tế dự báo năm 2020, nhu cầu về các chuyên gia y tế cũng như các dịch vụ cộng đồng là trên 40%.

* Đầu bếp – ẩm thực

Một trong những ngành nghề khó có thể thay thế hoàn toàn bằng robot hay máy móc chính là đầu bếp. Đây là ngành nghề đòi hỏi phải có các kĩ năng, vị giác, tinh thần sáng tạo, không ngừng tìm kiếm những điều mới mẻ trong việc chế biến món ăn. Dù hiện nay nhiều dụng cụ hay máy móc có thể phục vụ khách hàng tốt nhưng lại không thể chế được những món ăn ngon như bàn tay con người. Do đó, dù CMCN 4.0 có thay thế nhiều ngành nghề khác thì đầu bếp vẫn luôn là những người lao động có khối óc tư duy và sáng tạo không thể thay thế…

3. Kết bài

CMCN 4.0 là hiện tượng phát triển mới của nhân loại. Dù chỉ mới xuất hiện trong khoảng 1 thập niên nay, nhưng nó đã, đang và sẽ tạo nên sự biến đổi hết sức to lớn, mạnh mẽ, nhanh chóng đối với cuộc sống của nhân loại.

Nước ta là một quốc gia đang phát triển. Muốn đưa đất nước tiến nhanh, mạnh và đạt được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” thì Đảng, Nhà nước và mỗi người dân cần quan tâm đặc biệt đến cuộc cách mạng này; phải tích cực nghiên cứu để có nhận thức về CMCN 4.0, từ đó triển khai chiến lược phát triển đúng đắn, hiệu quả cho đất nước, cho bản thân trong bối cảnh mới.

Tài liệu tham khảo

[01] PGS.TS. Trần Thị Vân Hoa (Chủ biên): Cách mạng công nghiệp 4.0 – Vấn đề đặt ra cho phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, 2018.

[02] Klaus Schwab: Định hình cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nxb. Thế giới, Thaihabook, World Economic Forum, 2019.

[03] Kevin Kelly: 12 xu hướng công nghệ trong thời hiện đại 4.0, Nxb. Đại học Kinh tế quốc dân, 2019.

[04] Amir Husain: Cỗ máy tri giác (Kỷ nguyên của trí thông minh nhân tạo), Nxb. Công Thương, Thaihabooks, 2019.

[05] James Canton: Tương lai khác thường – Những xu hướng hàng đầu sẽ định hình lại thế giới trong 20 năm tới, Nxb. Trẻ, 2011.

[06]  https://vi.wikipedia.org/wiki/Blockchain (truy cập 27/12/2020).

[07] https://bnews.vn/thi-truong-viec-lam-thoi-4-0-/111779.html: Thị trường việc làm “thời 4.0” (truy cập 28-10-2019).

[08] https://btec.fpt.edu.vn/nhung-nganh-nghe-len-ngoi-trong-thoi-dai-4-0/: Những ngành nghề “lên ngôi” trong thời đại 4.0 (truy cập 28-10-2019).

[09] Paul Vigna & Michael J. Casey: Kỷ nguyên tiền điện tử, Nxb. Kinh tế quốc dân, 2018.

[10] Arun Sundararajan: Nền kinh tế chia sẻ (Sự kết thúc của việc làm, và sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản dựa trên đám đông), Nxb. Trẻ, 2018.

[Bài đã đăng số đặc biệt tháng 12-2020 tạp chí Giáo dục & Xã hội]

Hà Nội, ngày 22/12/2020


[1] Blockchain (chuỗi khối), tên ban đầu blockchain là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối thông tin đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết tới khối trước đó, kèm một mã thời gian và dữ liệu giao dịch. Blockchain được thiết kế để chống lại việc thay đổi của dữ liệu: Một khi dữ liệu đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào thay đổi được nó.… [06].

Leave a Reply

Your email address will not be published.