Đại học là (=) “Tự học”

“Đại học = Tự học” là triết lý dạy học được nhiều người nước ta cổ súy. Cụ Hồ Chí Minh là một trong những người coi trọng triết lý Tự học. Cụ bảo: “Về việc học phải lấy tự học làm cốt” (Nguồn: GS.VS Nguyễn Cảnh Toàn: Học để đuổi kịp và vượt, Nxb. Lao động, tr.157). Chữ “cốt” cụ Hồ nói ở đây là “xương”, có nghĩa bóng = căn cốt, căn bản!

Cùng và sau cụ Hồ, nhiều nhà giáo dục ủng hộ – chia sẻ triết lý này. Trong đó có một số tên tuổi như cố GS. Trần Văn Giàu, cố GS. Trần Quốc Vượng, GS.VS Nguyễn Cảnh Toàn, v.v…

Cố GS Trần Quốc Vượng kể lại, trong buổi dạy đầu tiên cho lớp đại học của nước Việt Nam mới (ở xứ Thanh), cố GS Trần Văn Giàu đã “viết lên bảng đen 4 chữ: ĐẠI HỌC = TỰ HỌC” (Trần Quốc Vượng: “Tình nghĩa thầy trò”, trong sách Trần Văn Giàu, dấu ấn trăm năm, Nxb. Trẻ, 2013, tr.298). Và trong đời dạy học, ông luôn theo triết lý này…

Triết lý giáo dục trên được thầy tôi (cố GS Trần Quốc Vượng) và nhiều trí thức tên tuổi khác đồng cảm, chia sẻ cho các thế hệ người Việt, trong đó có tôi…

Tôi vào học khoa Sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội từ cuối năm 1980. Rất may mắn tôi được các đại sư “danh trùm thiên hạ” – “Lâm (GS Đinh Xuân Lâm), Lê (GS Phan Huy Lê), Tấn (GS Hà Văn Tấn), Vượng (GS Trần Quốc Vượng)”… dạy dỗ. Học với những “đại sư” này, tôi tuy ngu dốt cũng sáng ra nhiều!

Tôi vẫn nhớ giờ giảng đầu tiên của cố GS Trần Quốc Vượng (ông là nhà Khảo cổ học, Cổ sử và nhà Văn hóa Việt Nam – người được thế giới vinh danh là một trong 200 trí thức tiêu biểu của thế kỷ XX. Gần đây, một đường phố thuộc quận Cầu Giấy Thủ đô Hà Nội mang tên ông) cho lớp Sử K25 về chuyên đề “Phương pháp hay phong cách học đại học”.

Trong giờ học, ông nêu cho chúng tôi câu hỏi: “Đại học là gì?”. Ba sinh viên của lớp trả lời… Dù các câu trả lời chưa đáp ứng được yêu cầu của ông, nhưng GS vẫn Ok!

Sau đó trong mấy chục tiết giảng ông chỉ xoay quanh câu hỏi đại học là gì để lý/luận giải về vấn đề vừa mở rộng, vừa đi sâu liên quan đến Phương pháp/phong cách học tập ở đại học…

Với tôi, đây là chuyên đề rất bổ ích. Sau 35-36 năm làm nghề dạy học, tôi đã bỏ nhiều sức lực, trí tuệ để nghiên cứu, tìm hiểu các loại triết lý giáo dục khác nhau phục vụ cho chuyên môn của mình. Tôi vẫn thấy “Đại học là/= tự học” là một triết lý thâm sâu, có cơ tầng vững chắc mà mỗi giảng viên/sinh viên đại học thời nay cần thấm nhuần và vận dụng cho hiệu quả vào việc dạy – học.

Một người có sự quan tâm sâu sắc và khai triển thành công triết lý giáo dục tự học ở nước ta trong nửa cuối thế kỷ XX là GS.VS Nguyễn Cảnh Toàn. Trong một số cuốn sách ông đã luận giải, trao đổi về vấn đề này khá đầy đủ và hay: “Quá trình dạy – Tự học”, “Học để đuổi kịp & vượt”…

Tuy nhiên, ta không nên hiểu mệnh đề – triết lý trên một cách máy móc, nông cạn – xem tự học là không có sự tham gia của thầy.

Nội hàm của “Đại học là tự học” chỉ muốn nhấn mạnh trong tất cả các khâu của sự học thì vai trò của người học hết sức quan trọng và gần như mang tính quyết định đối với kết quả học tập.

Nhưng không được quên tự học vẫn cần/phải có sự hướng dẫn của thầy (là con người cụ thể, hoặc sách vở tài liệu, thậm chí có thể là các hiện tượng tự nhiên) – đúng như câu tục ngữ ngàn đời của người Việt đã khẳng định: “Không thầy đố mày làm nên!”.

HCM01-1

Hà Nội, ngày 20/01/2021

Bùi Tâm Văn

Leave a Reply

Your email address will not be published.