VỀ TƯ DUY SÁNG TẠO HỒ CHÍ MINH

           

1. Hồ Chí Minh (HCM) là một trong số ít nhân vật lịch sử đã trở thành huyền thoại ngay khi còn sống. Cuộc đời, phong cách sống, lao động, học tập, tâm hồn, trí tuệ và nghị lực của Người tiêu biểu cho tinh hoa, khí phách của dân tộc Việt Nam.

Một nhân vật vĩ đại như HCM có rất nhiều điều chúng ta cần phải học tập và làm theo. Trong những điều cần học, cần làm theo đó có tư duy sáng tạo của Người.   

Trước khi bàn về tư duy sáng tạo của HCM, chúng ta cần làm rõ các khái niệm: tư duy, sáng tạo và tư duy sáng tạo.

Tư duy là một từ Hán Việt, hiểu đơn giản thì tư duy “là hoạt động cao cấp của bộ não”[1]; “là một hình thức hoạt động của hệ thần kinh thể hiện qua việc tạo ra các liên kết giữa các phần tử đã ghi nhớ được chọn lọc và kích thích chúng hoạt động để thực hiện sự nhận thức về thế giới xung quanh, định hướng cho hành vi phù hợp với môi trường sống”[2].

Nếu luận bàn rộng thì tư duy “là quá trình con người suy nghĩ, xuất phát từ những cứ liệu của thực tiễn và từ di sản của những người đi trước, từ những thành tựu của tư tưởng đương thời để đi tới xác định tư tưởng của chính mình.

Đó là quá trình hoạt động của bộ não để đi từ nhận thức cảm tính đến nhận thức lý tính, từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ đó đi sâu vào các tầng bản chất của các sự vật, hiện tượng và phát hiện ra tính quy luật của chúng.

Đỉnh cao của quá trình này là khái niệm hoá, từ đó xác định những luận điểm, những tư tưởng thể hiện bằng những mệnh đề phán đoán, suy lý”[3].

Còn sáng tạo (Creativity) theo PGS Phan Dũng “là hoạt động tạo ra bất kỳ cái gì có đồng thời tính mới và tính ích lợi”[4]; hay theo GS Đặng Xuân Kỳ thì sáng tạo là “sẵn sàng từ bỏ những cái cũ không đúng, những gì là lạc hậu, lỗi thời, những cái cũ đã đúng trước kia nhưng đến nay không còn phù hợp; tìm tòi, đề xuất những cái mới có thể trả lời được những câu hỏi mà cuộc sống đặt ra.

Cái mới có bao hàm những giá trị cũ, nhưng lại vượt lên trên cái cũ, bổ sung thêm những giá trị mới”[5].

Tư duy sáng tạo là một loại hoạt động của não bộ, hệ thần kinh người để khám phá, phát hiện những cái mới góp phần định hướng hành động đem lại lợi ích cho con người trong các hoạt động sống.

2. Cần khẳng định rằng, ở HCM có tư duy sáng tạo. “Sáng tạo, sáng tạo và sáng tạo là tư duy của Người trong cuộc sống”[6].

Không chỉ có tư duy sáng tạo, mà hơn thế, ở HCM còn có cả một phong cách tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn[7]. Đây là điểm nổi bật, nét đặc sắc trong phong cách tư duy HCM.

Tư duy sáng tạo ở HCM được hình thành từ rất sớm. Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi đất nước ta còn chìm đắm trong vòng nô lệ của chủ nghĩa thực dân Pháp.

Các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc diễn ra sôi nổi. Nhưng tất cả đều thất bại. Điều đó cho thấy, Việt Nam đang trong cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước.

Chính trong bối cảnh đó, HCM xuất hiện và bằng nhãn quan chính trị nhạy bén, bằng trí tuệ sáng suốt và với tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo của mình, Người đã xuất dương sang phương Tây (chứ không sang phương Đông) đi tìm một con đường cứu nước mới cho dân tộc.

Trước đó, cụ Phan Bội Châu đang ở Nhật cho người về liên hệ để đưa HCM sang Nhật, nhưng Người đã khước từ. Về sau ta biết, do con đường cứu nước mà cụ Phan khởi xướng, theo HCM là không phù hợp nên Người đi theo.

HCM cho rằng, chủ trương dựa vào Nhật để đuổi Pháp chẳng khác nào “đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Tương tự, cụ Phan Chu Trinh chủ trương dựa vào Pháp để cải cách chế độ Nam triều cũng không được HCM tán thành.

Cả con đường đấu tranh vũ tranh chống Pháp, dưới sự lãnh đạo của Hoàng Hoa Thám HCM cũng không nhất trí, vì theo Người, cụ Hoàng còn nặng cốt cách phong kiến[8].

Hướng sang phương Tây, đi sang nước Pháp, nơi phát sinh những từ: Tự do, Bình đẳng, Bác ái là lựa chọn của HCM. Những từ này là các khái niệm mới của giá trị văn hoá, văn minh phương Tây, chúng có sức hấp dẫn lớn với HCM.

Nhưng có thể, ngoài sự thu hút của những giá trị của ba từ này, trong suy tư của HCM còn ẩn chứa cả triết lý, tư tưởng quân của phương Đông: muốn thắng kẻ thù thì phải hiểu kẻ thù (“Biết địch, biết ta trăm trận, trăm thắng”)[9].

HCM muốn tìm hiểu sâu kẻ thù của dân tộc mình, đặng tìm ra phương hướng đấu tranh giành thắng lợi cho dân tộc. Nếu ở HCM không có tư duy sáng tạo sẽ không thể có hành động bôn ba hải ngoại, đi sang phương Tây như chúng ta thấy.

Sau gần 10 năm bôn ba hải ngoại, vừa lao động kiếm sống vừa học hỏi, lăn lộn trong phong trào đấu tranh của những người vô sản, Người đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin (1920). Chính học thuyết khoa học và cách mạng này đã nâng tư duy sáng tạo HCM lên một tầm cao mới.

Để có thể tiếp nhận được một học thuyết ở tầm cao của trí tuệ nhân loại như chủ nghĩa Mác-Lênin, HCM phải là một người có trình độ nhận thức nhất định và một khả năng tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo ở tầm tương xứng.

Từ tư duy sáng tạo, qua hoạt động thực tiễn từng bước HCM hình thành cho mình hệ tư tưởng riêng, trong đó kết tinh những tinh hoa dân tộc, kết hợp với những giá trị tư tưởng, văn hoá nhân loại.

Hệ thống tư tưởng HCM bao trùm toàn bộ những vấn đề cơ bản nhất của cách mạng Việt Nam, từ đường lối, phương pháp cách mạng, chiến lược, sách lược, xây dựng Đảng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân đến xây dựng kinh tế, chính trị đến văn hoá, xã hội, đạo đức, con người; tư tưởng đoàn kết quốc tế, gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, kết hợp lực lượng bên trong và bên ngoài, tạo nên sức mạnh tổng hợp cho cách mạng Việt Nam[10]

HCM sớm khẳng định: cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới. Phải có tư duy sáng tạo mới nhận thức được rõ bạn thù, mới thấy được chủ nghĩa đế quốc như con đỉa hai vòi và muốn giết con đỉa ấy phải đồng thời cắt cả hai cái vòi; mới nhận thức được cách mạng vô sản và cách mạng thuộc địa như hai cánh chim trong thời đại mới.

Từ nhận thức đúng đắn đó, HCM chủ trương: Việt Nam phải trong thì đoàn kết toàn dân tộc, ngoài thì liên lạc với vô sản giai cấp ở mọi nơi, thực hiện đoàn kết chặt chẽ giữa cách mạng Việt Nam với lực lượng cách mạng thế giới trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung, mới mong giành được thắng lợi.

Đặc biệt, Người cho rằng: “Lý luận do kinh nghiệm cách mạng ở các nước và trong nước ta, do kinh nghiệm từ trước và kinh nghiệm hiện nay gom góp phân tích và kết luận những kinh nghiệm đó thành ra lý luận. Nhưng phải biết khéo vận dụng kinh nghiệm. Nếu thấy người ta làm thế nào mình cũng một mực bắt trước làm theo thế ấy. Thí dụ: nghe người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh, mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng”[11].

Đây là sự sáng tạo to lớn và có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Giới nghiên cứu nước ta căn bản thống nhất với nhau về điều này: TTHCM là sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Khác với nhiều người, khi tìm hiểu nghiên cứu các lý thuyết, HCM luôn tìm ra bản chất, linh hồn, tinh thần của học thuyết đó, tiếp thu cái cốt của học thuyết từ đó vận dụng sáng tạo vào thực tế, đồng thời bổ sung để hoàn thiện hơn đối với học thuyết.

Điều này được HCM bộc bạch trong đoạn trả lời các nhà báo:

“Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêxu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện của nước ta.

Khổng Tử, Giêxu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải đã có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn “mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội”.

Nếu hôm nay, họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”[12].

Tư duy sáng tạo của HCM, theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp[13] thể hiện ở chín luận điểm lớn, đó là:

1) “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”, “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu được nhân loại, đem lại cho mọi người… sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hoà bình, hạnh phúc”[14];

2) HCM là có cống hiến to lớn trong nghiên cứu chủ nghĩa thực dân và vấn đề đấu tranh giải phóng thuộc địa;

3) Luận điểm cách mạng ở các nước thuộc địa có thể nổ ra và giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc;

4) Luận điểm tiến hành cuộc cách mạng không ngừng, từ cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân tiến dần lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa;

5) Nêu cao tư tưởng thống nhất nước nhà: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”; “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”;

6) Luận điểm về đảng cộng sản ở một nước thuộc địa, nông nghiệp lạc hậu;

7) Những luận điểm sáng tạo về lực lượng, về bạo lực cách mạng và các hình thức đấu tranh, về sự thống nhất giữa tư tưởng bạo lực với lòng nhân ái, tinh thần nhân văn, yêu chuộng hoà bình;

8) Luận điểm liên quan đến tư tưởng nhân văn, về con người. Người cho rằng: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”;

9) HCM đã “bổ sung, phát triển phương pháp luận Mác-Lênin, hình thành nên những quan điểm có tính phương pháp luận, với những nét đặc sắc riêng biệt”[16].

Ngoài ra còn nêu các luận điểm quan trọng khác: về chiến lược đại đoàn kết và chính sách Mặt trận dân tộc thống nhất; về xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân; xây dựng nhà nước pháp quyền; về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, v.v…;

Từ lâu nhân loại tiến bộ đã thừa nhận HCM là một nhà yêu nước vĩ đại, một nhà hoạt động lỗi lạc trong phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Nhân kỷ niệm 100 năm sinh, UNESCO đã vinh danh Người với hai danh hiệu – Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hoá kiệt xuất.

Điều gì đã làm nên một HCM như vậy?

Có nhiều yếu tố kết hợp tạo nên một HCM, trong đó có tư duy sáng tạo của Người. Đối với những người Mácxít-lêninít, HCM được xem là một trong số không nhiều lãnh tụ cách mạng trong thế kỷ XX đã vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin.

Muốn vận dụng thành công và phát triển đối với một học thuyết như chủ nghĩa Mác-Lênin thì dứt khoát phải là người có trí tuệ và bản lĩnh hơn người, đặc biệt là phải có phẩm chất, năng lực sáng tạo.

HCM là một trong những người có được phẩm chất và năng lực sáng tạo đáp ứng được yêu cầu của thời đại.

3. TTHCM là linh hồn, ngọn cờ thắng lợi của cách mạng nước ta trong gần thế kỷ qua. Cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin, TTHCM là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng, của dân tộc ta không chỉ trong quá khứ mà còn trong hiện tại và tương lai.

Để có được vị trí, vai trò to lớn như vậy, TTHCM được hình thành bắt nguồn từ những gì là tinh hoa của nhân loại, của dân tộc, được sàng lọc, đúc kết từ thực tiễn hoạt động và đặc biệt qua sự tiếp biến của trí tuệ HCM.

Tư duy sáng tạo (và nếu nói đầy đủ hơn là tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo) của HCM đã góp phần đáng kể trong việc tạo thành TTHCM – một di sản tinh thần có giá trị to lớn, không chỉ với Việt Nam, mà còn ở một mức độ nào đó, có giá trị không thể phủ nhận đối với nhân loại.

Chính vì thế, chúng ta, những hậu sinh của HCM rất cần tìm hiểu, và nếu có điều kiện thì, nghiên cứu sâu về tư duy sáng tạo của HCM để vận dụng vào không chỉ vào sự nghiệp cách mạng chung và vận dụng vào các lĩnh vực cụ thể của đời sống thường nhật của mỗi chúng ta.

Tài liệu tham khảo

01. Phan Dũng: Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới, Nxb Trẻ, 2010.

02.https://tusach.thuvienkhoahoc.com/wiki/T%C6%B0_duy_l%C3%A0_g%C3%AC: Tư duy là gì?

03. GS Đặng Xuân Kỳ (Chủ biên): Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh, Nxb Lý luận chính trị, 2004.

04. Đỗ Hoàng Linh, Vũ Kim Yến: Phong cách Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2014.

05. GS Song Thành: Hồ Chí Minh – Nhà tư tưởng lỗi lạc, Nxb Lý luận chính trị, 2005.

04. Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh – Một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1990.


[1] – Phan Dũng: Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới, Nxb Trẻ, 2010, tr. 63.

[2]https://tusach.thuvienkhoahoc.com/wiki/T%C6%B0_duy_l%C3%A0_g%C3%AC: Tư duy là gì?

[3] – Đặng Xuân Kỳ (Chủ biên): Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh, Nxb Lý luận chính trị, 2004, tr. 140.

[4] – Phan Dũng: Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới, Nxb Trẻ, 2010, tr. 21.

[5] – Đặng Xuân Kỳ (Chủ biên): Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh, sđd, 2004, tr. 141.

[6] Mạch Quang Thắng: Phong cách tư duy sáng tạo, bài đăng trên: http://tapchiqptd.vn/vi/theo-guong-bac/phong-cach-tu-duy-ho-chi-minh/9640.html.

[7] Xin tham khảo sách Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh (do GS Đặng Xuân Kỳ chủ biên, Nxb Lý luận chính trị xuất bản năm 2004) và Chỉ thị số 05-CT/TW (15-5-2016) của Bộ Chính trị về «đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh», in trong Tạp chí Cộng sản, số 884 (6-2016).

[8] Đoạn trình bày trên dựa vào cứ liệu trong cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch của Trần Dân Tiên viết, Nxb…

[9] Sau này, để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai, từ tháng 5-1946 đến tháng 9-1946, HCM đã dịch tóm lược cuốn « Binh pháp tôn tử » sang tiếng Việt làm tài liệu cho cán bộ, bộ đội và nhân dân ta tham khảo.

[10] Đặng Xuân Kỳ (Chủ biên): Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh, Nxb Lý luận chính trị, 2004, tr. 144.

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 312.

[12] Dẫn theo Võ Nguyên Giáp (Chủ biên): Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr. 43.

[13] Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.

[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9, Nxb… tr. 314.

[16] Võ Nguyên Giáp: Nghiên cứu, học tập và làm theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Công an nhân dân, 2006, tr. 203.

Leave a Reply

Your email address will not be published.