Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác!

Đây là một câu, theo tôi là quá hay, của Abutalip (nhà thơ dân gian xứ Đaghetxtan thuộc Liên-Xô một thời vang bóng), được Raun Gamzatop (nhà văn nổi tiếng của Liên-Xô) đưa vào phần đầu quyển I, bộ sách nổi tiếng – “Đaghextan của tôi” của ông (bản tiếng Việt, 1984).

Tinh thần của câu trên muốn nói đến việc con người cần phải tôn trọng lịch sử – lịch sử của cha ông, dân tộc, gia đình… mình.

Tại sao phải làm vậy? Bởi mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới luôn vận động, biến đổi không ngừng. Không có gì là tĩnh tại, đứng yên cả… Phật giáo nhìn vạn pháp luôn vận động, biến đổi không ngừng ngay trong từng sát-na và dùng thuật ngữ vô thường để chỉ hiện tượng này.

Từ cổ đến kim, từ Đông sang Tây, quy luật trên (vận động liên tục) vẫn hằng hữu – tác động, chi phối đến tất cả vạn vật/sự trong thế giới. Do đó, việc tôn trọng quá khứ, xét về thực chất là con người thực hiện đạo lý tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng chính mình… Vào thời điểm này ta là hiện tại, ta có quyền ứng xử với quá khứ theo cách tôn trọng hay phủ định!

Nếu có chánh niệm (quan niệm đúng) thì sẽ có ứng xử đúng mực, phù hợp với lịch sử (bao gồm con người và những di sản của thế hệ trước để lại), tức trân trọng quá khứ (chân chính, giá trị)… Nhưng nếu không trân trọng và có hành vi phủ nhận thì thực chất ta đang “bắn” vào lịch sử…

Và ngày hôm nay ta bắn vào lịch sử bằng súng lục thì tương lai sẽ “nã” vào ta bằng đại bác (vì ta sẽ trở thành lịch sử). Như vậy, vô hình trung ta đã gián tiếp giáo dục cho con cháu ta một ứng xử sai lầm – không trân trọng quá khứ…

Điều thiện lành đã không được giáo dưỡng, trao truyền nên các thế hệ sau sẽ rời xa CHÁNH ĐẠO. Hệ quả xấu theo đó ngày càng tăng lên… Vì thế, ABUTALIP mới cảnh báo CON NGƯỜI: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng SÚNG LỤC thì Tương lai sẽ bắn vào anh bằng ĐẠI BÁC!”

Hà Nội, ngày 26/01/2021

Bùi Tâm Văn

Leave a Reply

Your email address will not be published.