“ĐƯỢC” VÀ “MẤT”

Bài này nguyên có tên là “Thế nào là cách xử lý được và mất” của Hòa thượng Tinh Vân, in trong sách “Thiền & Giải thoát” do Nxb. Thời đại ấn hành quý III năm 2010. Tôi đọc thấy hay nên post lên đây ngõ hầu chia sẻ với những bạn đọc quan tâm đến vấn đề được và mất trong cuộc đời:

“Các vị đều là công nhân viên chức đã nghỉ hưu, từ thời xuân trẻ phục vụ cho quốc gia xã hội, khoảng tuổi 40-50 thì sự nghiệp thành tựu, lúc này nếu biết lui về quy ẩn, đây là việc rất khó.

Trong những tháng ngày của mấy mươi năm phục vụ, tôi nghĩ rằng chúng ta ai ai cũng khó tránh khỏi gặp phải vấn đề thành công và thất bại. Bây giờ tuy đã già, nhưng sự thành công và thất bại vẫn luôn diễn ra trong đời sống của chúng ta.

Một khi sự hiểu biết giữa chính mình và người khác có những bất đồng, thì đôi bên không thể hài hòa chung sống, chúng ta sẽ không có niềm vui. Lúc nghề nghiệp chúng ta thăng tiến, tức thì niềm vui tràn đầy; lỡ khi quyền lợi bị người khác đoạt lấy, thì trong lòng chúng ta ảo não ưu sầu.

Do những vấn đề không thể giải quyết được khiến chúng ta sống trong nỗi lo lắng của sự thành công và thất bại. Tuy chúng ta hết sức thận trọng đối với công việc đã nhận, nhưng nhớ lại quá trình phục vụ cả một đời, thì chắc chắn có lúc đã chứng kiến hay thấy qua biết bao những sự tình bế tắc hay may mắn dễ dàng, tâm lý luôn thay đổi thất thường theo trạng thái thăng trầm của công việc.

Có thể nói đời sống chúng ta luôn vướng bận nỗi lo lắng thành công hay thất bại ở quá khứ. Tục ngữ có câu: “Được cũng không vui, thiệt cũng không buồn”. Nhưng để thấu rõ câu nói này lại đâu dễ dàng đến thế!

Lục Tổ Thiền tông từng nói: “Không một pháp có thể được, mới có thể kiến lập muôn pháp”. Cuộc đời mấy mươi năm của chúng ta, sự vinh hoa phú quý, công danh lợi lộc, không hơn giấc mộng canh ba, tựa sương tháng chín vậy! Thế thì “được”, chúng ta được cái gì? “Mất”, là mất cái gì?

Có người than thở: “Con người hai tay không mà đến, rồi hai tay không mà đi”. Chúng ta từ trong bụng mẹ mang cái gì đến? Khi chết rồi mất đi cái gì? Cuộc đời con người tất tật có bao lâu? Chẳng qua chúng ta cho là “được”, vậy chúng ta được cái gì?

Trong Kinh Bát-Nhã ghi: “Không mắt tai mũi lưỡi thân ý, không sắc thanh hương vị xúc pháp, không nhãn giới cho đến không ý thức giới, không có vô minh cũng không có hết vô minh, v.v…”, hoàn toàn không cho đến cuối cùng, bởi vì “vô sở đắc” (Không chỗ được) có thể gọi là “Bồ-đề Tát-đỏa” (Bồ-tát).

Điều này chứng tỏ đời sống quá khứ của chúng ta từ có hình có tướng, từ tâm nhân ngã phải trái mà cầu được, nên cũng không phải là cái “được” chân thật. Có câu nói: “Bồ-đề không thể dùng thân được, cũng không thể dùng tâm được, chỉ là diệt trừ các tướng”.

Do từ cái “có” ở trên mới có sự được mất, phải từ cái “không” ở trên chính là không sự được mất (Không chỗ được). Đối với cách xử lý vấn đề được mất, nên từ phương diện này mà thể hội, cũng từ phương diện này mà giải quyết.

Khi hiểu được triết lý “Không” sẽ có cảnh giới gì? Tôi xin nêu ra đây mấy ví dụ để chứng minh:

  • Ví dụ như chúng ta bị kẻ gian cướp giật một số tiền, trong lòng cảm thấy rất sầu não, nhưng từ khi hiểu được triết lý “Không”, biết rằng chưa từng có một pháp nào chẳng phải từ nhân duyên sinh, tất cả sự vật đều là duyên khởi tánh không, số tiền bị người ta lừa gạt, biết đâu là cái nợ đời trước đã thiếu họ, coi như là mình trả nợ họ! Có thể nghĩ như thế, thì nỗi lo được mất trong lòng sẽ không còn.
  • Ví như các vị xưa nay đã có danh vọng, địa vị, bỗng một hôm bị người khác chê bai phản bác, một lúc danh vị tiêu tan. Khi ấy các vị ấy có thể nghĩ thế này: “Không chức tước một thân nhàn”, tùy thời, tùy hoàn cảnh ổn định cuộc sống bình thường. Danh vọng địa vị thế ấy không có gì buông bỏ chẳng được, ta nên ứng dụng triết lý “Không”. Thấu hiểu như thế thì khi già bệnh đến có thể tự tại vô ngại. Cho nên “Không” bao trùm muôn vật, không phải không ngơ mà rất diệu kỳ.

Tôi xin dẫn một ví dụ nữa để đại chúng tham khảo:

  • Thuở nhỏ tôi nghe được tiếng tụng kinh của người xuất gia thì trong lòng rất vui mừng, sau khi đã xuất gia, do vì chất giọng của tôi không được hay, nên không thể xướng tụng như bao vị Tăng khác. Nhưng một người xuất gia việc xướng tụng rất quan trọng, nếu vị nào xướng tụng hay, sẽ có nhiều người đến tham học, được các bậc thầy khen ngợi, cho đến các Phật tử cũng rất tôn kính. Tôi do chất giọng không được hay, nên lúc còn làm Sa-di bị nhiều người đối xử rất phân biệt. Lúc ấy tôi nghĩ, đời này ở trong đạo chắc không thể giỏi hơn một ai.
  • Vì chất giọng của tôi không được hay, trong tâm lấy làm đáng tiếc, không thể dùng âm thanh tụng lời kinh câu kệ để giáo hóa mọi người. Về sau tôi nghĩ: Miệng không xướng tụng được, nhưng bàn tay có thể phát huy chút ít công dụng, mình nên cần mẫn dùng hai bàn tay của mình lao vào công tác viết lách. Nếu như trong công tác văn hóa có thể cống hiến đôi phần, thì nguyện đem thành quả ấy hồi hướng về Tam Bảo và tất cả chúng sinh. Đó chẳng phải là hợp với tinh thần Phật dạy chăng? Thế là tôi bắt đầu viết. Lúc đầu tôi viết bài đăng báo, kế đến là viết sách xuất bản. Từ đó có được số tiền nhuận bút, tôi để dành rồi mua một mảnh đất, cũng vì thế mới có Phật Quang Sơn ngày hôm nay.

Nhân đây, tôi có thể nói với các vị, trên thế gian không có cái gì hoàn toàn “không tốt”. Ví dụ như nói về chất giọng không hay của tôi, nhưng kết quả đối với tôi là không hay chăng? Giá như chất giọng quá hay, thì nhiều nhất tôi chỉ làm ông thầy tụng kinh mà thôi. Bởi do tôi không biết xướng tụng, mới chuyển biến phát triển theo chiều hướng khác, kết quả “Tái ông mất ngựa”, nhân họa mà được phước.

Nếu chúng ta có mất đi cái gì, cũng không cần hoàn toàn tuyệt vọng, bởi vì ngoài cái mất đó, chúng ta có thể sẽ đạt được một cái gì khác. Chủ yếu, chúng ta biết mình và nhận thức như thế nào về mình, để vận dụng nơi mình một cách thích hợp nhất“.

Hà Nội, ngày 01/02/2021

Bùi Tâm Văn

Leave a Reply

Your email address will not be published.