Đọc Marx với tinh thần phê phán

(Dành cho người yêu thích Triết học)

Nhân ngày mưa (áp Tết) Tân Sửu, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên tôi không đi đâu. Ngồi nhà giở bộ Lịch sử triết học (2 tập) do Johannes Hirschberher biên soạn ra đọc. Đúng như lời các dịch giả viết ở mấy lời giới thiệu bộ “Lịch sử triết học” của Johannes Hirschberher – “… công trình này quả có những giá trị tự tại, vượt thời gian của nó, khiến được đọc rộng rãi trên thế giới và thường được dùng làm tài liệu học tập và nghiên cứu của đông đảo những người yêu thích triết học” [tập 1, tr11].

Mặc dù chưa đọc hết bộ sách, nhưng tôi đồng thuận và chia sẻ với nhận định trên của nhóm dịch giả. Dưới đây là mấy trang Johannes Hirschberher bàn về chủ nghĩa Marx theo tinh thần phê phán (thuộc tập 2).

“PHÊ PHÁN CHỦ NGHĨA MARX:

1) Cơ sở có tính cơ giới luận của nó

Những nguyên tắc chung, tổng quát của tư biện Marxist được rút ra từ ý hệ nguyên tử luận – cơ giới luận của thế kỷ XVII-XVIII, từ thuyết duy vật của phong trào Khai minh Pháp vốn dựa trên ý thức hệ này, và từ thuyết thực chứng cùng thuyết duy vật có tính khoa học của thế kỷ XIX mà, đến lượt chúng, lại chịu ảnh hưởng từ phong trào Khai minh. Những người theo chủ nghĩa Marx vào cuộc với tất cả nhiệt tình, hăng hái của những người lao động. Sự nhiệt tình của họ là có thể lý giải được, vì họ đồng thời cũng là những nhà cách mạng.

Trong phong trào thuộc loại này, con người đã quen với việc giản lược tinh thần thành cảm năng, luân lý thành tính hữu ích, công lý thành sức mạnh, đánh giá con người là động vật bậc cao. Nếu cần có pháp luật thì là vì có áp lực và xung đột.

Việc Marx và chủ nghĩa Marx theo kiểu Bolshevik đã thay thế thế thuyết cơ giới bằng phép biện chứng thật ra không quá quan trọng. Điều quan trọng là họ vẫn tiếp tục duy trì thuyết tất định. Những hạn chế của quan điểm này đã từng được thảo luận trong triết học khoa học. Những triết gia sau Hegel đã chứng minh một cách thích đáng rằng sự tồn tại là có tính đa chiều và do đó, không thể được xác định theo một sơ đồ đồng dạng nào, dù theo kiểu cơ giới luận hay kiểu biện chứng. Họ chỉ ra rằng, con người chí ít cũng có sự tự do, và rằng khả năng hoạt động đa dạng cũng được biểu lộ theo mức độ tăng dần trong những vương quốc khác nhau của đời sống thực vật và thú vật.

Họ cũng cho thấy rằng tính tất yếu của quy định nhân quả ở cấp độ vô cơ chỉ có giá trị hiệu lực thống kê. Nhiều người theo chủ nghĩa Marx không quan tâm về điều này và họ hành động như thể khoa học vẫn khẳng định quan điểm của mình.

2) Thuyết duy vật lịch sử

Tuy nhiên, thuyết duy vật lịch sử đã có đóng góp to lớn là nhấn mạnh tầm quan trọng của những giả định có tính vật chất đối với đời sống xã hội và sự phát triển lịch sử. Song, việc tuyên bố khái quát rằng mọi tiến bộ lịch sử đều bị quy định bởi phương thức sản xuất và nhất định cho mọi đời sống tinh thần đều chỉ là hiện tượng phụ đối với những điều kiện vật chất của đời sống lại có vẻ thái quá.

Đời sống xã hội và những sự phát triển lịch sử có tính chất vô cùng phức tạp; việc giải thích chúng bằng cách nói rằng chúng chỉ đơn giản là phản ánh nền kinh tế, cũng như giải thích chúng như là kết quả của quyền lực, chủng tộc hay nòi giống đều là sự đơn giản hóa quá mức. Tất cả những nguồn lực này, kể cả các nguồn lực khác như vị trí địa lý, khí hậu và vùng lãnh thổ đều có phần đóng góp chứ không phải chỉ có riêng mình cái nào trong số chúng. Bản thân tinh thần là nhân tố ảnh hưởng đến lịch sử vốn hoàn toàn độc lập. Trong đời sống của các cá nhân, tinh thần đôi khi có sức mạnh hơn cả thân xác và thường đúng là như vậy; điều này cũng đúng với các dân tộc và các nền văn hóa.

Trong những nghiên cứu về tôn giáo và xã hội của mình, Max Weber đã chỉ ra rằng ở các dân tộc Ấn Độ, Trung Hoa và Do Thái, kinh tế không bao giờ định hình tôn giáo, mặc dù tôn giáo thường quy định cấu trúc kinh tế; thêm nữa, xã hội trung đại chịu ảnh hưởng từ các khái niệm của giới giáo sĩ, ông còn cho rằng chủ nghĩa tư bản hiện đại không sáng tạo nên hệ tư tưởng Calvin, trái lại, lấy nó làm tiền đề. Những nhà xã hội học nổi tiếng, như E. Troeltsch và W. Sombart, hoàn toàn đồng ý với những khẳng định này.

Nhưng ngay cả trong những trường hợp sự phát triển lịch sử chịu ảnh hưởng từ những điều kiện vật chất, ta vẫn luôn phải phân tích những gì đã bị vật chất quy định và mức độ mà sự quy định này thâm nhập vào trong bản chất của chúng.

Nhiều sự vật có thể bị ảnh hưởng bởi nhân tố như vậy, theo kiểu từng phần, đặc biệt hay toàn bộ; số khác lại không hề bị ảnh hưởng. Có khả năng là một nhân tố phi – vật chất sẽ đóng vai trò quyết định trong việc hình thành môi trường xã hội và ý thức có tính ý hệ và lịch sử; thậm chí, nó có thể quan trọng đến mức nếu không có nó, đời sống kinh tế ắt không bao giờ triển khai được. Ví dụ, chẳng lẽ những chân lý logic và toán học phải hoàn toàn phụ thuộc vào những nhân tố vật chất đặc thù? Chẳng phải là chúng hoàn toàn giống nhau ở mọi thời điểm và trong mọi hoàn cảnh hay sao? Và điều tương tự cũng đúng với những chân lý pháp lý, luân lý và tôn giáo. Điều này cũng có giá trị hiệu lực đối với những phán đoán nhất quyết ở cấp độ thẩm mỹ.

Bất luận thế nào, các nhân tố phi – kinh tế được ta đề cập phía trên đã ngăn cản những nhà Marxist áp dụng mệnh đề chính yếu và phổ quát của thuyết duy vật lịch sử một cách hợp thức. Đó chính là luận điểm cho rằng tất cả mọi sự kiện lịch sử và nhất là toàn bộ đời sống trí thức của ta, chỉ là sản phẩm của những sự quy định có tính vật chất.

3) Thuyết duy vật biện chứng

Trong thực tiễn ta phải đối mặt với những cái không thuộc về tự nhiên vật chất, nhưng cũng không thể bị quy giản thành tự nhiên vật chất. Đã có lúc các triết gia sẵn sàng giải quyết mọi thứ chỉ bằng sự quy giản đơn thuần thành “không gì khác hơn là”. Họ tuyên bố rằng cuộc sống không gì khác hơn là vật lý và hóa học; con người không gì khác hơn là thú vật; tư biện không gì khác ngoài sự kết hợp của những ý niệm; ý muốn không gì khác hơn là sự vận động của ý chí; cảm xúc không gì khác ngoài những biểu tượng bị hạn chế; còn bản thân những biểu tượng lại không gì khác hơn là những sản phẩm của bộ não; những giá trị luân lý không gì khác ngoài sự ích kỷ; công lý không gì khác hơn là sức mạnh; tôn giáo không gì khác hơn là ngoài sự mê tín dị đoan, vân vân.

Dưới ánh sáng những thành tựu của hiện tượng học, đạo đức học về giá trị, thuyết lực sống mới và hữu thể học mới, những phát biểu như trên có vẻ phi lý… Những thành tựu của các ngành học kể trên đã giúp ích rất nhiều để con người hiện đại ý thức về những hình thức, giá trị, phạm trù và những cấp độ đa dạng của sự tồn tại như là những thực thể độc lập. Sự đơn giản hóa của các nhà duy vật không thể được chứng minh, và chúng mâu thuẫn với nhận thức khoa học ngày càng tinh vi, phức tạp hơn…”.

Hà Nội, ngày 09/02/2021

Bùi Tâm Văn

Leave a Reply

Your email address will not be published.