PHONG CÁCH TUYÊN TRUYỀN HỒ CHÍ MINH

1. Hồ Chí Minh (HCM) là người luôn thấu triệt quan điểm thực tiễn, gắn lý luận với thực tiễn và tuân thủ nguyên tắc – «Đối tượng nào phương pháp ấy» trong hoạt động tuyên truyền.

Trước đây để truyền bá tư tưởng cách mạng, trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế thường có hai cách làm:

+ Một là, dịch và phổ biến những tác phẩm kinh điển về lý luận cho quần chúng, đồng thời viết các tác phẩm triết học để đấu tranh chống lại các học thuyết phi mác-xít nhằm bảo vệ sự trong sáng của học thuyết này;

+ Hai là, trong thời kỳ đầu những người cộng sản tiến hành truyền bá những tư tưởng, lý luận cách mạng cho quần chúng, khi họ đạt đến một trình độ nào đó mới chuyển sang dịch và phổ biến các tác phẩm kinh điển.

Căn cứ vào tình hình nước ta những thập niên đầu thế kỷ XX, HCM đã chọn cách làm thứ hai để truyền bá tư tưởng, lý luận cho quần chúng bị áp bức.

Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, Việt Nam có tới 95% dân cư thất học, trình độ nhận thức thấp, vì thế chọn cách làm này là phù hợp với thực tiễn đất nước.

Điều này cho thấy ở HCM có sự ăn khớp, gắn kết giữa lý luận với thực tiễn và tuân theo nguyên tắc khoa học – « Đối tượng nào phương pháp ấy ». Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho rằng: «Ở Hồ Chí Minh có sự ứng phó khớp với diễn biến lịch sử[2]».

Trong thực tiễn cách mạng, HCM đã căn cứ vào các đặc điểm kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội để đề ra những biện pháp tuyên truyền vận động thích hợp. Từ đó đưa chủ nghĩa Mác-Lênin vào quần chúng lao động «không thông qua những nguyên lý trừu cao siêu», mà « diễn giải nó dưới nhiều hình thức đơn giản, dễ hiểu, vừa tầm, rồi sau đó mới tìm cách nâng dần lên để đi tới trọn vẹn chân lý của thời đại[3]».

Đây là một trong những nguyên nhân tạo nên sự thành công trong công tác tuyên truyền vận động quần chúng của HCM.

2. Ở HCM, bên cạnh phong cách của một nhà chính trị già dặn, một nhà ngoại giao từng trải, một trí thức uyên bác, một nhà nho sâu sắc của xứ Nghệ, một hiền triết «đại trí, đại nhân, đại dũng», ta còn thấy phong cách của một người bình thường, giản dị như những nông dân trên đồng ruộng, công nhân trong nhà máy, như người cha, người bác trong gia đình mà mọi người đều cảm thấy gần gũi.

Đây là một trong những nét rất đặc sắc trong phong cách sống của HCM.

Từ nhận thức, đánh giá đúng về đặc điểm dân trí nước ta thấp, dân tộc Việt không có ưu thế về tư duy trừu tượng, triết học, HCM đã chọn cách tuyên truyền gắn ngọn, dễ hiểu, thiết thực và có hiệu quả để tuyên truyền, giác ngộ, vận động quần chúng. Từ đó, tạo ra một phong cách tuyên truyền mang tính đại chúng.

Nét phong cách này thể hiện trong nhiều bài nói, bài viết của HCM. Chẳng hạn, trong tác phẩm Đường Cách mệnh, Người nói rõ về phong cách của mình : «Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ», «nói việc gì thì nói rất giản tiện, mau mắn, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ trang hoàng gì cả ».

Do tình thế khẩn cấp mà HCM chỉ chú tâm đến việc « phải kêu to, làm chóng để cứu lấy giống nòi, thì giờ đâu rảnh mà vẽ vời trau chuốt[4] ».

Đây có thể nói là phong cách của một nhà yêu nước đang cháy bỏng khát vọng muốn cứu nước và giải phóng dân tộc.

Cuộc cách mạng mà HCM tiến hành là cuộc cách mạng đem lại lợi ích cho số đông – những người bị áp bức, bóc lột, khổ sở và bần cùng. Chính vì thế, để khởi xướng và vận động cuộc cách mạng này, Người luôn hướng hoạt động tuyên truyền của mình vào lực lượng chủ yếu của cách mạng là công, nông, binh.

Người thường căn dặn cán bộ, nhà văn, nhà báo, những nhà tuyên truyền cần phải «vì công, nông, binh mà viết», mà phục vụ. Trong khi viết, nói phải luôn đặt ra và trả lời các câu hỏi : Vì ai mà viết ? Viết để làm gì ? Viết thế nào ?

Có thể nói, HCM đã có sự cách tân trên lĩnh vực tuyên truyền vận động quần chúng ở nước ta trước đây. Từ cách viết đến cách nói của Người luôn hướng tới phục vụ quần chúng nhân dân.

Người yêu cầu, khi viết hay nói một câu bao giờ cũng phải quan tâm đến việc làm sao cho một người bình thường nhất cũng có thể hiểu và làm theo được. Vì thế, nội dung tuyên truyền dù có cao siêu đến đâu cũng được Người tìm cách diễn đạt theo hướng giản dị, dễ hiểu, dễ đi vào trái tim khối óc quần chúng cách mạng.

Theo đó, trong tuyên truyền, Người luôn sử dụng ngôn từ bình dân, đại chúng, lối nói dân gian, kết hợp với những hình ảnh so sánh, những ẩn dụ gần gũi với lối nghĩ, lối cảm của người lao động Việt Nam.

Xuất phát từ quan điểm thực tiễn, quan điểm «Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng », «Nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử », HCM chủ trương cần phải «học tiếng nói của quần chúng»[5], viết ngắn, sửa đi sửa lại bài nói, bài viết cho tốt.

Trước và sau cách mạng tháng Tám 1945, để vận động quần chúng đấu tranh giành chính quyền và kháng chiến chống thực dân Pháp, xây dựng chế độ mới, HCM đã dùng hình thức thơ ca dân gian nôm na, mộc mạc, mượn lối ca vè quen thuộc để tuyên truyền.

Nhiều bài Người viết trong thời kỳ này theo phong cách trên, như : Ca dân cày, Ca công nhân, Ca binh lính, Ca du kích, Hòn đá, Con cáo và tổ ong, v.v… đã có tác dụng tích cực trong tuyên truyền, vận động quần chúng cách mạng.

Người còn dùng nhiều hình ảnh, dùng lối nói ví von, so sánh để diễn đạt tư tưởng – giúp mọi tầng lớp dân chúng dễ dàng hiểu điều người muốn nói.

Một vài minh chứng cụ thể : Khi nói đến vai trò, tầm quan trọng, mối quan hệ giữa Đảng với sự nghiệp cách mạng, Người dùng hình ảnh – người cầm lái (người lái đò) để ví với Đảng ; còn con thuyền để ví với cách mạng. Trong việc kêu gọi đồng bào cả nước đoàn kết đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc, Người nêu hình ảnh bàn tay có năm ngón, trong đó có ngón ngắn, ngón dài nhưng đều họp lại nơi bàn tay.

Tương tự, HCM dùng chiếc mũ cát đặt nằm ngửa, rồi bằng những ngôn từ dễ hiểu Người đã mô tả sinh động tình hình chiến sự ở ở Điện Biên Phủ cho nhà báo Úc – Bớc-sét nắm được.

Ngoài lối nói hình ảnh, so sánh trên, chúng ta còn thấy trong nhiều bài nói, bài viết HCM chọn và sử dụng một số từ ngữ mang tính gợi cảm cao như : « đồng bào », « con Rồng cháu Tiên », « dòng dõi tổ tiên ta »… để hướng quần chúng về cội nguồn nhằm tăng cường mối đoàn kết dân tộc.

Đặc biệt hơn, khi đang đọc Tuyên ngôn độc lập, Người dừng lại và hỏi : «Tôi nói, đồng bào nghe rõ không? » đã tạo nên sự đồng cảm cao giữa vị lãnh tụ cách mạng với đông đảo quần chúng tham dự buổi mít tinh đó.

Khi nói về phong cách của HCM, có nhà văn đã viết: Hồ Chí Minh không chỉ là « nhà tư tưởng », mà người còn là một « nghệ sỹ của nhân dân », Người luôn đứng về phía những người lao động để cảm nhận, suy nghĩ và nói lên tiếng nói của họ.

Người luôn tìm cách thức tỉnh, cổ suý , lãnh đạo họ trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và xây dựng cuộc sống mới. Đây chính là cội nguồn sức mạnh giúp HCM thành công trong cuộc đời cách mạng của mình.

Trong tuyên truyền, HCM đặc biệt quan tâm đến vấn đề kết quả, hiệu quả. Theo Người, «Tuyên truyền là đem một cái gì đó nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm ». « Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại[6] ».

HCM yêu cầu tuyên truyền phải làm sao cho dân hiểu, dân nhớ và hơn nữa phải làm cho người nghe hiểu thấu vấn đề. Điều này không hề dễ với mọi nhà tuyên truyền. Song yêu cầu như vậy đối với công tác tuyên truyền là rất cần thiết. Vì nếu tuyên truyền mà không đạt được mục đích thì chỉ « phí công, phí của, vô ích[7] ».

Trước kia và cả hiện nay, không phải ai làm công tác tuyên truyền cũng đều đạt hiệu quả. Do hạn chế về kiến thức, về bản lĩnh, văn hoá… nên nhiều người thường hay tham nói dài, lan man, khó hiểu, thiếu trọng tâm, trọng điểm khi tuyên truyền.

Để tránh các khuyết điểm đó, theo HCM, một trong những việc cần làm là « trước khi nói, phải viết một dàn bài rõ ràng, rồi cứ xem đó mà nói ». Đây là một chỉ dẫn rất thiết thực và bổ ích cho những ai làm công việc liên quan đến chuyện nói như báo cáo viên, giáo viên, thuyết trình viên…

Một nét đặc sắc khác trong phong cách tuyên truyền của HCM là đi thẳng vào cốt lõi của vấn đề bằng những lời lẽ ngắn gọn, dễ hiểu và chính xác. Người chỉ ra khuyết điểm chung mà nhiều người khi tuyên truyền thường mặc phải đó là tham nói nhiều, không biết « quý hồ tinh, bất quý hồ đa ».

Người luôn căn dặn cán bộ tuyên huấn, huấn luyện « cốt thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều ». Tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực, « làm sao dễ hiểu, nói sao để người ta hiểu được », « không phải tuyên truyền để mà tuyên truyền[8] ». Đó là những khía cạnh cốt lõi trong tư tưởng, phong cách tuyên truyền HCM.

3. HCM  đã sử dụng nhiều biện pháp, hình thức, phương tiện kết hợp với nhau để tuyên truyền vận động quần chúng. Trong đó, văn nghệ, báo chí được Người sử dụng như những công cụ tuyên truyền hiệu quả, sắc bén.

«Văn dĩ tải đạo » là quan niệm xưa và được nhiều người sử dụng trong tuyên truyền vận động quần chúng như các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng…

Đối với HCM, văn nghệ chưa bao giờ là mục đích sống, là phương tiện lập thân của Người. Nhưng do ý thức được sức mạnh của văn nghệ, báo chí nên HCM đã dùng các công cụ này rất thành công trong công tác tuyên truyền vận động cách mạng.

«Văn dĩ tải đạo » được Người kế thừa, phát huy và phát triển trên tinh thần thế giới quan, phương pháp luận Mác-Lênin thành luận điểm «Văn nghệ phục vụ chính trị». Người đã phát biểu luận điểm này dưới hình thái của hai câu thơ: Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong .

Phong cách tuyên truyền đặc sắc của HCM còn biểu hiện ở việc Người vận dụng linh hoạt và sáng tạo nhiều phương pháp tuyên truyền lý thú, bổ ích và có hiệu quả cao.

Trong thời gian dạy học ở trường Dục Thanh, HCM thường đưa học sinh đi tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trong vùng.

Trong những buổi dã ngoại đó, Người đã kể cho những thanh thiếu niên Việt Nam nghe về những mẩu chuyện, đọc cho họ nghe những bài ca yêu nước của phong trào Đông Du, Duy Tân. Mục đích thông qua đó, Người giáo dục tư tưởng, tình cảm đoàn kết, yêu nước cho những học sinh này.

Sau này, vào những năm cuối đời, để cổ vũ cho phong trào thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Người cho mở chuyên mục « Người tốt, việc tốt » trên báo và cho in loại sách « Người tốt, việc tốt » đồng thời thực hiện các hình thức động viên khen thưởng kịp thời cho các cá nhân, tập thể đạt thành tích tốt trong lao động, sản xuất, chiến đấu và học tập…

Cũng cần phải nói đến một điểm nữa phong cách tuyên truyền của HCM là phong cách «ba cùng».

Theo HCM, muốn quần chúng tin theo, làm theo thì cán bộ không chỉ nói miệng, trên giấy tờ mà cần thiết phải thâm nhập vào đời sống quần chúng, phải « ba cùng » với họ. Người cán bộ tuyên truyền phải chịu khó, chịu khổ, khéo ở, siêng làm; phải kính già, yêu trẻ, đứng đắn với phụ nữ, tuân thủ phong tục tập quán địa phương; phải thành khẩn, thấy dân làm việc gì, nếu có điều kiện đều phải thàm gia làm giúp…

Nếu làm tốt những việc này sẽ là « cách gây tình cảm tốt nhất, nó se giúp cho việc tuyên truyền kết quả gấp bội » và chắc chắn « sẽ thành công to »[9]. Có thể nói, đây chính là một trong nhiều bài học có giá trị thời sự cho công tác tuyên truyền của chúng ta hiện nay.

4. Tóm lại: HCM đã căn cứ vào thực tiễn, truyền thống văn hoá dân tộc, trên cơ sở vận dụng linh hoạt, sáng tạo những nguyên lý, quy luật cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, từ đó đề ra những cách thức, sử dụng các phương tiện tuyên truyền vận động quần chúng thích hợp, hiệu quả.

Những nét đặc sắc – đặc trưng trong phong cách tuyên truyền của HCM là tài sản tinh thần vô giá, không chỉ có giá trị lịch sử quý báu mà luôn mang tính thời sự sâu sắc trong tiến trình cách mạng nước ta.

Học và làm theo phong cách tuyên truyền của HCM hiện nay chúng ta cần thấm nhuần sâu sắc những chỉ dẫn của Người; rồi căn cứ vào điều kiện thực tế, lựa chọn những cách thức tuyên truyền sao cho phù hợp, để đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước vào cuộc sống, góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa thành công trong giai đoạn cách mạng hiện nay.


[1] – Bài đăng tạp chí Tuyên giáo, số tháng 3-2013.

[2] – Phạm Văn Đồng: Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, Về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr. 35.

[3] – Đinh Xuân Lâm: Góp phần tìm hiểu cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 98.

[4] – Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 262.

[5] – Nguyễn Huy Tưởng: “Hồ Chí Minh nói chuyện về cách viết”, trong Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, Văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, tập 1, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2010, tr. 105.

[6] – Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 162-163.

[7]Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, Nxb Lao động, Hà Nội, 2005, tr. 72.

[8]Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, Nxb Lao động, Hà Nội, 2005, tr. 194-195.

[9] – Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 163.

Leave a Reply

Your email address will not be published.