HẠNH PHÚC LÀ GÌ?

Sẽ không bao giờ có câu trả lời hoàn hảo, đầy đủ cho câu hỏi “hạnh phúc là gì?” phù hợp với tất cả mọi người!

Khi Marx trả lời (con gái): “Hạnh phúc là đấu tranh!” thì chúng ta hiểu – đó là câu trả lời của một nhà tư tưởng – một nhà chính trị cho một trong những câu hỏi lớn luôn ám ảnh con người. Song, phải nói rằng, câu trả lời của Marx hàm tư tưởng lớn quá, vì thế không dễ hiểu và cũng khó được tất cả mọi người chấp nhận, noi theo…

Trong một bài thơ, Dương Hương Ly đã viết những câu:

Hạnh phúc là gì?…

Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi vẫn chưa ra

Cho đến ngày cất bước đi xa

Miền Nam gọi hai đứa mình có mặt

Nhớ chăng em, cái mùa mưa đói quay đói quắt

Mỗi bữa chia nhau nửa bát măng rừng

Em xanh gầy, gùi sắn nặng trên lưng

Môi tái ngắt, mái tóc mềm đẫm ướt

Bao dốc cao em cần cù đã vượt

Và mỗi lần ngồi nghỉ, em nhìn anh

Em nói tới tương lai tươi thắm ngọt lành

Em nói tới những điều em định viết

Giữa hai cơn đau em ngồi ghi chép

Con sông Giàng gầm réo miên man

Nước lũ về… Trang giấy nhỏ mưa chan

Em vẫn viết: lòng dạt dào cảm xúc

Và em gọi đó là hạnh phúc

Đó là hạnh phúc. Đúng, đó là hạnh phúc khi đất nước đang cần tuổi trẻ hy sinh hạnh phúc riêng tư để góp phần vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước! Hạnh phúc, trong trường hợp này, gắn với cái chung, với lý tưởng cao đẹp của dân tộc!

Nhưng cuộc sống không đơn giản chỉ có vậy…

Bên cạnh hạnh phúc cao đẹp/vĩ đại vẫn có thứ hạnh phúc nhỏ, bình dị gắn với mỗi con người bình thường… Trong ngữ cảnh ấy Đại từ điển tiếng Việt có lý khi cho rằng hạnh phúc là: “trạng thái sung sướng do đáp ứng được mọi ý nguyện” [Nguyễn Như Ý (Chủ biên): “Đại từ điển Tiếng Việt”, Nxb. Văn hóa – Thông tin, 1999, tr. 782].

Nhà thơ Chế Lan Viên trong bài “Người đi tìm hình của nước” viết về sự ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh (6/1911), có những câu:

“Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp

Giấc mơ con đè nát cuộc đời con!

Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp!

Một mái nhà yêu rủ bóng xuống tâm hồn”

đã phần nào nói tới cái hạnh phúc nhỏ bé, bình dị của những người bình thường…

Do đó, nói về hạnh phúc thì thật vô cùng, vô tận và tùy cảnh, tùy người, tùy duyên, tùy quan niệm… Có hạnh phúc lớn phát sinh từ sự suy tư của các nhà triết học/tư tưởng/học giả… Và có thứ hạnh phúc khởi nguyên từ cuộc sống bình dị của nhân sinh…

Nên khi bàn về hạnh phúc cũng chỉ có thể dừng lại ở sự gợi mở, gợi ý để mọi/mỗi người tự suy ngẫm, rồi chọn cho mình cái hạnh phúc phù hợp mà thôi…!!!

Hà Nội, ngày 01/03/2021

Bùi Tâm Văn

Leave a Reply

Your email address will not be published.