HỒ CHÍ MINH VỚI HAI CHỮ “ĐỒNG BÀO”

1. Hai chữ đồng bào được Hồ Chí Minh (HCM) sử dụng rất nhiều lần trong trước tác Người. Chúng tôi thống kê được trong bộ HCM toàn tập (2011) có tới 2.187 lần HCM sử dụng hai chữ này[1]… Một hiện tượng đáng quan tâm – suy ngẫm.

Trong sách Lĩnh Nam trích quái có chép câu chuyện – truyền thuyết “Trăm trứng nở trăm con” của cặp vợ chồng Lạc Long Quân và Âu Cơ thuở khai sinh lập địa. Theo truyền thuyết 100 người con trai sinh ra lớn lên rồi tách 50 người theo mẹ lên rừng núi, 50 người xuống miền biển theo cha. Về sau hình thành cộng đồng các dân tộc Việt Nam trên mảnh đất hình chữ S này.

Hai chữ đồng bào xuất hiện khi nào là câu hỏi bài này chưa thể trả lời được. Nhưng chắc chắn hai chữ đồng bào muộn nhất cũng đã xuất hiện và ngày càng phổ biến vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Trong mấy câu thơ tỏ bày tâm sự của cụ Phan Thanh Giản đã nói đến hai chữ “đồng bào”[2]:

 Từ ngày đi sứ tới Tây Kinh

         Thấy việc Âu Tây phải giật mình

        Kêu gọi đồng bào mau kịp bước

Hết lời năn nỉ chẳng tin ai.

Trong sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch có viết: Năm 1907, lần đầu tiên nông dân các tỉnh Trung Bộ nổi dậy chống thuế. Họ đi tay không, không có khí giới. Họ chỉ yêu cầu giảm thuế. Để tỏ tình đoàn kết nhất trí, họ đều cắt tóc ngắn và gọi nhau là “đồng bào”[3].

Đọc các sách, báo của những nhà yêu nước, các bậc chí sĩ thời kỳ đầu thế kỷ XX như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… thấy các cụ dùng chữ “đồng bào” để hô hào, cổ suý quần chúng nhân dân ta trong các phong trào yêu nước, canh tân, vận động giải phóng dân tộc.

Giải thích nôm na thì đồng bào là “cùng một bọc”; còn theo Đại từ điển tiếng Việt thì “đồng bào” là: “1. Những người cùng một giống nòi dân tộc, cùng trong một đất nước…; 2. Nhân dân nói chung, không phải quân đội hay cán bộ”[4].

2. Lần theo bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập, ta thấy lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc – HCM dùng chữ “đồng bào” trong “Thư gửi cụ Phan Chu Trinh”[5]; và lần cuối cùng Người dùng hai chữ này khi trả lời nữ nhà báo Cu-Ba (14-7-1969) trong bài “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”[6]. Có tới 5 lần HCM dùng chữ đồng bào trong cuộc trò chuyện.

HCM rất “ưa dùng” hai chữ đồng bào trong các diễn ngôn của mình. Việc sử dụng nhiều lần một số từ ngữ nào đó phản ánh “sức nặng” của những từ ngữ đó đối với người dùng chúng. Khảo sát sâu hơn ta thấy HCM dùng chữ đồng bào trong nhiều văn phẩm (lời kêu gọi, bài nói, bài viết, thư từ, điện tín). Nhưng Người hay dùng hai chữ này trong các bài mang tính kêu gọi, hiệu triệu hay tuyên truyền.

HCM nhiều lần dùng từ đồng bào trong các văn phẩm nhơ: “Tuyên ngôn độc lập (1945)”, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946)”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” (1969), “Di chúc (1969)”, “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi (1969)”…

Việc sử dụng nhiều lần hai chữ đồng bào trong một số bài nói, viết có tác dụng to lớn đối với hoạt động tuyên truyền của HCM. Ví như khi Người nhiều lần sử dụng hai chữ đồng bào trong bản Tuyên ngôn độc lập. Đặc biệt hơn khi đang đọc Tuyên ngôn thì Người dừng lại và hỏi: “Đồng bào nghe tôi nói rõ không?”. Sức nặng của hai chữ đồng bào lúc đó được nhân lên nhiều lắm! Phàm là người Việt Nam khi nghe hai tiếng đồng bào cũng đều liên tưởng đến cội nguồn của mình… Hai tiếng đồng bào luôn thân thương, trìu mến và sâu lắng trong tâm hồn mỗi người Việt Nam.

3. Đã có lần HCM khẳng định: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”[7]. Hai tiếng “ĐỒNG BÀO” là một nét đẹp thuộc bản sắc văn hóa Việt, lại mang nặng “tinh thần” HCM. Vì thế nó cần được trân trọng, phát huy trong thời đại mới…


Chú thích:

[1] – Bên cạnh một số từ gần nghĩa khác cũng được HCM sử dụng nhiều là Nhân dân (5.845 lần), Quần chúng (912 lần) và Dân chúng (414 lần).

[2] – Dẫn theo Nguyễn Tùng: “Nho sĩ Việt Nam trước cuộc xâm lược Pháp”, trong sách Lịch sử, sự thật & Sử học, Tạp chí Xưa và Nay, Nxb Hồng Đức, 2013, tr.90.

[3] – Dẫn theo Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Nxb Thanh niên, 2009, tr.11.

[4] – Nguyễn Như Ý (Chủ biên): Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hoá Thông tin, 1998, tr.662.

[5] – Hồ Chí Minh: Toàn tập, Xuất bản lần thứ ba, 1, 1912-1924, Nxb CTQG, HN, 2011, tr.1.

[6] – Hồ Chí Minh: Toàn tập, Xuất bản lần thứ ba, 15, 1966-1969, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.674-677.

[7] – Hồ Chí Minh: Nâng cao hơn nữa chất lượng của báo chí, Báo Nhân dân, ngày 9-9-1962.

TS Bùi Hồng Vạn (TMU)

Leave a Reply

Your email address will not be published.