CHÂN LÍ LÀ GÌ?

“Chân lý” nếu định nghĩa theo cách đơn giản thì không khó (chẳng hạn như Đại từ điển tiếng Việt (1999) ở trang 325 giải thích chân lí là “Sự phản ánh hiện thực vào nhận thức của con người, đúng như chúng tồn tại trong thực tế khách quan”). Nhưng định nghĩa khái niệm này ở cấp độ triết học thì khó hơn nhiều.

Ở nước ta, Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 1 (1995), đã khai triển định nghĩa khái niệm chân lý ở mức cao hơn so với Đại từ điển tiếng Việt. Theo tài liệu này, chân lí được xem là một “phạm trù triết học nói lên sự phản ánh đúng đắn khách thể bởi chủ thể đang nhận thức, sự phản ánh ấy tái hiện khách thể như nó vốn tồn tại ở bên ngoài, độc lập với con người và ý thức con người; là tri thức phù hợp với khách thể và đã được thực tiễn kiểm nghiệm…” (tr.410)…

Trước một sự vật, hiện tượng có nhiều quan niệm và định nghĩa về sự vật, hiện tượng đó. Chân lý cũng vậy, được quan niệm, định nghĩa có những khía cạnh khác nhau giữa các học giả. Sau đây, xin giới thiệu thêm quan niệm của Tiến sĩ Mortimer J. Adler (một chuyên gia về lịch sử tư tưởng phương Tây) về khái niệm này.

Trong bài viết trả lời một độc giả của tờ Chicago Sun-Times và tờ Chicago Daily News, Tiến sĩ Mortimer J. Adler cho rằng: trong một số trường hợp việc đa số người khẳng định điều gì đó là chân lý là một chỉ dẫn cho thấy nó có thể là chân lý. Nhưng đây chỉ là một trong những dấu hiệu của chân lý; và nó hoàn toàn không phải là dấu hiệu tốt nhất. Nó không trả lời được câu hỏi – “Chân lý là gì?”.

Xem xét cái gì dính dáng đến việc nói dối sẽ giúp chúng ta hiểu được bản chất của chân lý. Nếu một đàn ông nói với một người phụ nữ “Tôi yêu em” nhưng ông ta không yêu thì người đàn ông ấy đang nói dối. Khi một đứa trẻ đã lấy trộm bánh nhưng lại nói với bố mẹ “con không lấy” thì nó đang nói dối. Nói dối là nói trái với những gì bạn biết, bạn nghĩ hoặc cảm nhận. Nó khác với sự nhầm lẫn thành thực…

Josiah Royce (nhà triết học vĩ đại người Mỹ đầu thế kỷ XX) đã định nghĩa kẻ nói dối là kẻ cố tình đặt không đúng chỗ các thuộc từ. Nghĩa là anh ta nói “có” trong khi muốn nói “không có”, hoặc nói “không có” trong khí muốn nói “có”.

Định nghĩa của Royce về kẻ nói dối dẫn ta quay lại với định nghĩa mang tính triết học của Plato và Aristotle cách nay mấy ngàn năm. Plato và Aristotle nói rằng: những ý kiến được coi là đúng khi nào chúng khẳng định điều gì có thì có, hoặc điều gì không có thì không có. Ngược lại những ý kiến của chúng ta là sai khi chúng khẳng định điều gì có thì không có, hoặc điều gì không có thì lại có.

Một khi cái “có” trong phát biểu của chúng ta phù hợp với phương cách mà sự vật có, lúc đó phát biểu của chúng ta là đúng và chân lý của phát biểu nằm ở chỗ nó tương ứng với những dữ kiện hiện có của giới tự nhiên hay thực tại.

Khi chúng ta nghĩ rằng một cái gì hiện hữu hay đã xẩy ra mà nó lại không hiện hữu hoặc không xẩy ra thì chúng ta mắc sai lầm và do đó, điều chúng ta nghĩ là sai.

Như vậy, chân lý rất dễ định nghĩa; nhưng xung quanh chuyện này nên nghĩ tới một câu hỏi khác: Làm thế nào chúng ta chỉ ra được một phát biểu là đúng hay là sai?

Đối với câu hỏi trên, chúng ta có ba mẫu câu trả lời chính. Đó là:

– Thứ nhất: Một vài phát biểu là đúng một cách tự nhiên. Chẳng hạn, “Toàn thể thì lớn hơn thành phần”. Những phát biểu kiểu này hiển lộ chân lý cho chúng ta một cách trực tiếp, bởi một điều rõ ràng là chúng ta không thể nào nghĩ trái với chúng được…

– Thứ hai: Chân lý của những lời phát biểu có thể kiểm chứng bằng kinh nghiệm và quan sát. Nếu một người nào đó nói rằng trời không mưa vào một ngày nào đó ở một nơi nào đó trong tháng qua. Ta có thể kiểm chứng chân lý của lời phát biểu ấy bằng cách tìm đọc các tài liệu của cơ quan khí tượng…

– Thứ ba: Đối với những lời phát biểu vừa không đúng một cách hiển nhiên vừa không thể kiểm chứng bằng các sự kiện quan sát được. Đó có thể là thắc mắc về tính cách của một người, một loại sản phẩm được ưa thích hoặc con ngựa được ưa chuộng nhất có thắng trong cuộc đua này không…

Trường hợp đặc biệt này có thể tìm kiếm sự nhất trí của một nhóm người nào đó. Nếu ý kiến được đa số đồng thuận thì có thể coi như là dấu hiệu cho thấy ý kiến đó có khả năng đúng. Tuy nhiên, việc nhất trí của một nhóm người không phải là câu trả lời chính xác cho câu hỏi: “Chân lý là gì?”; tương tự nó cũng không phải là câu trả lời đầy đủ cho câu hỏi: “Làm thế nào để chỉ ra được một phát biểu đúng hay không đúng?”…

Vậy đó, “Định nghĩa chân lý thì dễ; biết một phát biểu cụ thể nào đó có đúng hay không thì khó hơn nhiều; và theo đuổi chân lý là khó khăn nhất”.

( TS. Mortimer J. Adler: Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại, Nxb. Văn hóa Thông tin, 2004).

Leave a Reply

Your email address will not be published.