LẠI NÓI VỀ SÁCH

Chiều tối qua, trên lộ trình đi bộ, tiện đường tôi ghé vào Nhà sách Trí Tuệ (cạnh trường ĐH Thương mại, Hà Nội).

Mục đích xem có gì mới, chứ không có ý định mua. Vì trong khoảng 2 tháng nay, tôi đã khuân về mấy chục cuốn sách các loại. Tiền mua sách đã vượt khá nhiều so với “ngân sách” phân bổ cho sách rồi.

Vậy mà khi vào bên trong, ham muốn trong tôi trỗi dậy, kết quả tôi móc ví, mua 5 cuốn: “Khảo về quà tặng” (Marcel Mauss), “Gương chiến đấu” (Nguyễn Hiến Lê), “Nghệ thuật ngày thường” (Phan Cẩm Thượng), “Lịch sử nhìn lại dưới góc độ Y khoa” (Bùi Minh Đức) và “Lý luận và phê bình văn học” (Trần Đình Sử).

Tổng tiền trả nhà sách là 305 ngàn NVĐ…

Đôi điều về mấy cuốn này:

1) Cuốn “Khảo về quà tặng” đọc rất khó, vì đây là loại sách nghiên cứu của học giả nước ngoài trình bày về thành tựu nghiên cứu thuộc chuyên ngành Nhân học văn hoá (Dân tộc học).

Sách trích dẫn nhiều công trình chuyên môn sâu, rồi giải thích nhiều nội dung liên quan đến điều tra thực địa thuộc nhiều nơi trên thế giới.

Đọc cuốn này chả khác gì đọc “Nguồn gốc của gia đình, của sở hữu tư nhân và của nhà nước” do Ph. Ăng-ghen viết vậy!

Song vì đây là tác phẩm tiêu biểu của nhà nhân loại học bậc thầy liên quan đến chuyên ngành xưa tôi được đào tạo ở đại học Tổng hợp. Chả lẽ không mua, không đọc?

2) “Gương chiến đấu” của Nguyễn Hiến Lê đọc không “đau đầu” như “Khảo về quà tặng”, lại rất thú vị.

Khi cầm cuốn này ở hiệu sách, tôi định không mua; nhưng xem qua nội dung thấy “có vẻ được”, nên lại thay đổi quyết định = mua.

Tôi đã đọc nhiều sách của Nguyễn Hiến Lê. Tôi rất khâm phục ông và ở một khía cạnh nào đó, tôi còn chịu ơn học giả này.

Vào nửa cuối thập niên 1980, do gặp nhiều áp lực của cuộc sống, tôi mắc bệnh, sức khỏe giảm sút rất nhiều…

Đúng thời điểm cam go tôi gặp cuốn “Quẳng gánh lo đi mà vui sống” (do ông dịch ra tiếng Việt).

Cuốn sách đã “cứu” tôi trong đoạn đời bi đát đó… Nguyễn Hiến Lê là một học giả – một tài năng lớn của nước Việt.

3) Cuốn “Nghệ thuật ngày thường” của Phan Cẩm Thượng, lúc ở hiệu sách, cầm cuốn sách này tôi khá băn khoăn cân nhắc có nên mua hay không?

Lí do cũng đơn giản, tôi chưa đọc cuốn sách nào do ông viết. Lại nữa, lướt qua mục lục nội dung thì thấy có vẻ tản mạn, kiểu viết như tản văn.

Nhưng rồi có cái gì đó (rất khó giải thích) đã “mách bảo” tôi nên mua cuốn này… Và tôi đã mua. Khi đọc thấy quyết định mua là đúng.

Sách viết theo lối tản văn, các bài viết được xếp theo 4 chủ đề:

1. Suy nghĩ về nghệ thuật;

2. Nghệ thuật ngày thường;

3. Tản văn nhàn đàm;

4. Nông thôn và kiến trúc

Các bài trong sách đã được đăng trên một số tạp chí, báo…

Cách viết nhẹ nhàng, tác giả như thủ thỉ tâm sự cùng bạn đọc. Nhưng càng đọc càng thấy thú vị!

Cũng từ đây, tôi thường để ý đến các ấn phẩm mang tên Phan Cẩm Thượng khi đi mua sách…

4) “Lịch sử nhìn lại dưới góc độ Y khoa” của bác sĩ Bùi Minh Đức là một cuốn sách hay. Những kiến giải về các sự kiện, hiện tượng, nhân vật trong lịch sử Việt Nam và thế giới dưới góc nhìn Y khoa được trình bày trong cuốn sách thật độc đáo, đọc rất thú vị.

Sách được GS. Sử học Phan Huy Lê viết lời giới thiệu. Với tác phẩm này, bác sĩ Bùi Minh Đức đã trở thành người Việt Nam đầu tiên gây dựng môn khoa học liên ngành mới: Y học – Lịch sử!

5) Cuối cùng là quyển “Lý luận và phê bình văn học” của Trần Đình Sử, được xuất bản lần đầu năm 1996.

Năm 1997 cuốn này được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam; sau đó đến năm 2000 thì nó trở thành một trong 4 cuốn sách thuộc “cụm công trình” được tặng giải thưởng Nhà nước của GS.TS Trần Đình Sử.

(Đủ thấy “Lý luận và phê bình văn học” là một cuốn sách giá trị).

Vậy là, vào một buổi chiều tà, do cơ duyên, tôi có thêm “5 người bạn”. Đời còn gì vui hơn…???

(Đã đăng trên Blog – YUME.VN/BUIDAVID, 29/7/2012)

Leave a Reply

Your email address will not be published.