Một nén hương tưởng niệm Thầy Hà Văn Tấn

GS. Hà Văn Tấn đã giã từ cõi tạm, trở về với cõi vĩnh hằng!

Thời sinh viên tôi may mắn được học thầy Tấn môn Phương pháp luận Sử học và được đi khảo cổ cùng Thầy ở Đồng Gai (Vĩnh Phúc) trong năm thứ nhất (1980-1981).

Thầy Tấn là một trong bốn học trò xuất sắc của các GS: Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu và Trần Đức Thảo… Không biết từ lúc nào và từ ai, người ta gọi bốn GS: Lâm, Lê, Tấn, Vượng là “tứ trụ” của khoa Sử, trường Đại học Tổng hợp HN (nay là khoa Lịch Sử, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội).

Bốn thầy đều có những mặt hay, nổi trội của mình, trong đó thầy Tấn trẻ nhất nhưng “xứng đáng được coi là một gương mặt hàng đầu của giới khoa học xã hội Việt Nam hiện đại” [Hàm Châu, 2014].

Nếu xét theo phả hệ họ Hà thì thầy Tấn thuộc diện “con nòi”. Bố thầy là cụ Hà Văn Cát đã “dùi mài kinh sử” để chờ đi thi; nhưng do thực dân Pháp hủy bỏ các khoa thi Hán học, nên cụ lỡ thời… Nhưng may mắn là cụ Hà Văn Đại (anh ruột cụ Cát) kịp thi đỗ phó bảng trong khoa thi cuối cùng (1919). Hai anh em sống chung trong một cơ ngơi, vì thế cậu bé Hà Văn Tấn chịu ảnh hưởng sâu đậm của người bác ruột và được học một ít chữ Hán từ bác mình…

Thầy Tấn cùng quê với đại thi hào Nguyễn Du (Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Đây cũng là quê của Nguyễn Công Trứ – một nhà thơ tài hoa và là nhà kinh tế tài ba. Như vậy, thầy Tấn xuất thân từ một gia tộc có học ở vùng đất được xem là “địa linh nhân kiệt” (Nghệ Tĩnh). Vùng này đã sản sinh ra những nhân tài hàng đầu cho đất Việt – La Sơn Phu Tử, Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Xiển, Hoàng Xuân Hãn…

Nghệ tĩnh là đất nghèo, vùng này nghèo đến nỗi: “Ông nghè, ông cống sống bởi ngọn khoai/Anh học, anh nho nhai hoài lộc đỗ”. Gia cảnh cụ phó bảng (nơi thầy Tấn sống thời trẻ) rất thanh bần. Cảnh bần bạch của cụ đồ Nghệ phần nào được phản ánh qua đôi câu đối mang hơi hướng “chơi chữ”: “Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai – khoai ba bữa/ Ông đỗ, con đỗ, cháu đỗ – đỗ cả nhà”…

Xuất thân từ hoàn cảnh đó đã tạo động lực và buộc thầy Tấn phải “vượt qua hoàn cảnh”, “vượt lên chính mình” để trở thành một học giả, một trí thức nổi danh thời hiện đại. GS. Đặng Nghiêm Vạn có lần nói với Đỗ Lai Thúy: “Tấn là thiên tài”…

Nhờ đâu Hà Văn Tấn trở thành một “thiên tài” đất Việt? Lũ hậu sinh chúng tôi nhờ đọc một số tài liệu mà biết đôi chút về thầy mình như thế này:

Từ vốn tri thức được học 9+2 (như Hà Văn Tấn vẫn thường tự trào mình và, có lẽ, qua đó để tiếu người…) đến một nhà bác học quảng vấn, chỉ có một con đường là tự học… Người thầy trực tiếp của Hà Văn Tấn là học giả Đào Duy Anh – một tấm gương sáng của đại tự học… Hà Văn Tấn không chỉ ham học mà còn biết cách học; trong đó tự học, quan trọng hơn cả, là đọc sách.

Song, để đọc được sách thì cần phải giỏi về ngôn ngữ. Nắm được tiếng Việt đã đành, còn phải biết ngoại ngữ nữa… Hà Văn Tấn đã bắt đầu từ chỗ bắt đầu ấy. Ông học tiếng Việt, đọc các sách viết về ngữ âm, ngữ pháp và đặc biệt tìm hiểu các vấn đề liên quan đến nguồn gốc tiếng Việt. Với ông, tiếng Việt không chỉ là công cụ tư duy, phương tiện biểu đạt, mà còn là một nguồn sử liệu dưới dạng trầm tích.

Mặc dù giỏi ngôn ngữ đến mức trở thành hội viên Hội ngôn ngữ Việt Nam bấy giờ và, quan trọng hơn, được Cao Xuân Hạo rủ làm ngôn ngữ học. Song, Hà Văn Tấn trước sau chỉ coi ngôn ngữ là chiếc chìa khóa giúp ông mở vào tòa nhà Sử học. Ông tiếp tục học chữ Hán và tiếng Anh, tiếng Pháp. Ông học thêm tiếng Nga, tiếng Đức… Rồi cả tiếng Nhật nữa. Về sau theo lời thầy Đào Duy Anh: muốn hiểu sâu văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ thì phải biết tiếng Pali hoặc tiếng Phạn, Hà Văn Tấn đã lao vào học tiếng Phạn, một thứ tử ngữ rất khó.

Thời ấy, học ngoại ngữ cực kỳ khó khăn, đến giáo trình cũng khan hiếm, phải qua các ngữ trung gian. Ví như, học tiếng Nga qua tiếng Pháp, tiếng Đức và Nhật qua tiếng Nga, tiếng Pháp qua tiếng Đức…

Thuật học của Hà Văn Tấn là đọc trực tiếp các tác phẩm nguyên ngữ sau khi đã có một số vốn nhất định… Ông được trời phú cho một năng khiếu ngoại ngữ biểu hiện ở cái tư duy đặc trưng và có một trí nhớ hơn người.

Chính nhờ sự tự học (ngoại ngữ và các kiến thức khác) mà Hà Văn Tấn đã sớm khẳng định được bản thân và trở thành nhân tài từ khi còn rất trẻ. Năm 21 tuổi ông được nhà Hán học Phan Duy Tiếp tin tưởng giao cho hiệu đính bản dịch tiếng Việt cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi. Phần chú thích, dẫn giải của Hà Văn Tấn “dài gấp bốn lần chính văn” (115/38 trang). Để chú thích ông phải đọc, dẫn dụng tới “30 bộ sách của các tác giả Trung Quốc và 16 bộ sách của Việt Nam!”. Số tài liệu này được ông đọc trực tiếp từ nguyên văn chữ Hán…

Hà Văn Tấn đã để lại cho hậu thế một di sản có giá trị to lớn. Ông đã viết hàng trăm bài báo, luận văn, sách, tài liệu khoa học. Ở đây chỉ kể một số công trình tiêu biểu là: “Lịch sử chế độ Cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam” (viết cùng Trần Quốc Vượng, 1960); “Sơ yếu khảo cổ học nguyên thủy” (viết cùng Trần Quốc Vượng, 1961); “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII (viết cùng Phạm Thị Tâm, 1968); “Theo dấu các văn hóa cổ” (1997)…

Trong các ấn phẩm trên, cuốn sách “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII” được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước khi Người qua đời… Cố GS. Phan Huy Lê – CT Hội Sử học Việt Nam đã nói về GS. Hà Văn Tấn: “Quả thực anh là một nhà khoa học thâm thúy, có nhiều công trình lỗi lạc, có nhiều cống hiến xuất sắc trong nghiên cứu và đào tạo khảo cổ học và nghiên cứu Việt Nam nói chung”.

Vậy mà… hôm nay ông đã thành người thiên cổ!

KÍNH VĨNH BIỆT GS. HÀ VĂN TẤN – MỘT TRONG NHỮNG “NGƯỜI THẦY LỚN” CỦA CHÚNG TÔI…!!!

Leave a Reply

Your email address will not be published.