“Nhất thân cốt tướng, cụ hồ diện bộ”

Theo quan niệm của văn hóa cổ Trung Hoa, cái bên trong (thần) và cái bên ngoài, hình tướng (cốt) của con người có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Sách Băng Giám của Tăng Quốc Phiên (1811-1872, một bậc kỳ tài, là rường cột của nước Trung Quốc thời nhà Thanh) có nói: “Nhất thân cốt tướng, cụ hồ diện bộ” đã biện giải rất rõ mối quan hệ giữa hai yếu tố này.

Sách Băng Giám cho rằng: tướng mạo thể chất con người là do xương, thịt kết hợp lại mà thành, sự liên kết xương với xương, thịt với thịt, xương và thịt với nhau, bao bọc thống nhất tạo nên ngoại hình của con người. Do xương đóng vai trò làm khung và trụ đỡ nên ưu và nhược điểm của “cốt” tướng trở thành nhân tố hàng đầu trong việc hình thành diện mạo xinh đẹp hay xấu xí của con người. Đại não là trung khu thần kinh, là hệ thống chỉ huy con người, ưu nhược điểm của bộ xương đầu cũng trở thành “thủ trưởng” quyết định đến ưu nhược điểm của toàn thể bộ xương trên cơ thể.

Y học cổ cho đầu là nơi hội tụ của quần dương, là quê hương của ngũ hành chính tông, xương đầu là đại diện của cả bộ xương, xương mặt là đại diện cho xương đầu, do đó ưu nhược điểm của xương mặt có thể ảnh hưởng quyết định tới ưu nhược điểm của xương đầu. Xuất phát từ đạo lý này mà sách Băng Giám nói: “Nhất thân cốt tướng, cụ hồ diện bộ”.

Có nhiều dẫn chứng thể hiện sự đúng đắn của nhận định này. Chuyện cốt tướng Cao tổ nhà Hán – Lưu Bang dưới đây là một trong những minh chứng khẳng định cho chân lý trên:

“Có lần nhà huyện lệnh trong vùng có khách quý. Tất cả hào kiệt đều đến hỏi thăm, chúc mừng. Lưu Bang chỉ là một đình trưởng, vị trí thấp trong cơ cấu quyền lực bấy giờ. Song ông ta nghĩ: Tại sao mình không tranh thủ cơ hội này để làm quen, kết giao với những người có máu mặt trong vùng? Thế là Lưu Bang quyết định đến nơi ở của huyện lệnh.

Tiêu Hà đứng trước cửa phủ, thay mặt chủ nhận tiền lễ của khách. Khi thấy Lưu Bang đến, Tiêu Hà cố ý hét to lên cho mọi người nghe thấy: “Tiền lễ mừng không đủ một nghìn ngồi ngoài sân”. Lưu Bang đưa tay ra hiệu cho Tiêu Hà và ngẩng đầu, ưỡn ngực bước vào. Ông ta nói to với tất cả quan khách đang trong nhà: “Tôi tặng một vạn”. (Nói như vậy; nhưng Lưu Bang đâu có khoản tiền đó!).

Sau khi nói khoác như thế, Lưu Bang lấy thân phận là khách tặng một vạn để ngồi vào ghế trên trong nhà. Tiêu Hà chạy đến chế giễu Lưu Bang: “Lời nói khoác lác nhẹ như gió, làm người phải tự trọng!”. Nghe thế, Lưu Bang ngẩng đầu lên nói: “Một vạn tiền thì có chứ gì? Sớm muộn đến một ngày Lưu Bang tôi đắc thế, lúc đó có thể tặng hẳn mười vạn. Hôm nay tạm ghi lại món nợ này!”. Nói xong Lưu cùng quan khách kính rượu nhau, nói chuyện vui vẻ, không tỏ chút ngượng ngùng.

Một vị khách quý của huyện lệnh ngồi gần đó là Lỗ Công. Ông ta thấy dung mạo Lưu Bang hiên ngang, phong cốt phi phàm, lời nói cử chỉ không giống với những người khác thì không những không trách cứ Lưu Bang mà trong lòng còn rất khâm phục. Khi yến tiệc kết thúc, Lỗ Công mời Lưu Bang ở lại, nhờ huyện lệnh làm mai, gả con gái của mình cho Lưu Bang. Lưu Bang vô cùng mừng rỡ, bản thân không mất một trinh một cắc nào vẫn được dự yến tiệc, lại được thêm vợ hiền.

Vào thời điểm đó, Lưu Bang chỉ là một kẻ lãng tử chơi bời, Lỗ Công dựa vào đâu để phán đoán Lưu Bang sẽ không còn là kẻ nghèo khó về sau? Điều này không ai trả lời được; mọi người dự tiệc hôm đó chỉ biết về sau Lưu Bang trở thành Hán Cao tổ của nhà Hán…

Vậy đó, hơn những người khác, Lỗ Công đã nhận thấy phong cốt phi phàm (mũi cao, cổ dài, diện mạo có long tướng) ở Lưu Bang và tỏ lòng ngưỡng mộ. Ông còn đi nước cờ có một không hai vào thời điểm đó là đem con gái mình gả cho Lưu Bang làm vợ. Mới hay, “nhất thân cốt tướng, cụ hồ diện bộ” là có thật và nó chính là một trong những chân lý của khoa Nhân tướng học Đông Phương…

Hà Nội, ngày 10/04/2020

Bùi Tâm Văn

Leave a Reply

Your email address will not be published.