Theo tư duy/lối nghĩ thông thường (hay nói theo câu chữ của GS.TS Hồ Ngọc Đại là “lẽ phải thông thường”) thì không thể bán lược cho sư được, bởi đầu sư không có tóc sẽ không dùng đến lược. Đây là một đề bài khó cho những ai học/làm nghề kinh doanh…
Hầu hết mọi người đều cắm bút, chào thua. Chỉ rất ít người đủ năng lực trí tuệ để giải được bài toán này… Mời các bạn đọc tiếp để biết lời giải nhé!
Một công ty nọ khi tuyển nhân viên muốn lựa chọn được những nhân viên bán hàng có tiềm năng đã nêu đề bài thi “hóc búa”: “Nếu đưa cho bạn một lô lược, bạn sẽ làm cách nào để tiêu thụ được một số lượng lớn lược cho hòa thượng (nhà sư)?”.
Mọi người đều biết, người xuất gia trên đầu không một sợi tóc, vậy họ dùng lược để làm gì? Trong số các ứng viên, người thì nghi ngờ, người thì bực tức, thậm chí có người cho là người ra đề bị thần kinh. Do đó, phần lớn người ứng tuyển hậm hực bỏ về, chỉ còn lại 3 người tham gia.
Người tuyển dụng nói với 3 người này: “Lô lược gỗ là do chính các anh quyết định, số lượng không hạn chế, 3 người chia nhau đi tiêu thụ, bán được càng nhiều càng tốt. Thời gian quy định của công ty là một tuần, sau đó các anh quay về báo cáo kết quả bán hàng và cách thức tiêu thụ. Công ty căn cứ vào đó sẽ tuyển dụng người phù hợp”.
Sau một tuần, 3 người trở về báo cáo kết quả:
* Người thứ nhất bán được 1 chiếc lược và kể lại: Anh ta đến một ngôi chùa rao bán lược, bị hòa thượng trong chùa trách mắng… May sao trên đường xuống núi thì gặp một tiểu hòa thượng nằm nghỉ ven đường, đang gãi đầu do bị ngứa. Anh ta đem lược ra, vị hòa thượng liền mua 1 chiếc để gãi đầu. Anh ta còn đến một số ngôi chùa khác nhưng không bán thêm được chiếc nào nữa…
* Người thứ hai bán được 10 chiếc lược và giới thiệu cách mình bán như sau: Anh leo lên một ngôi chùa cổ nằm trên đỉnh núi cao. Ở đó, người đi hành lễ rất đông, họ chen chúc xô đẩy nhau. Do lặn lội đường xá xa xôi, lại bị gió thổi làm tóc rối tung… Anh ta chạy đến bên sư trụ trì nói: “Khách hành hương một lòng lên chùa lễ Phật, nhưng đầu bù, tóc rối gây ra sự bất kính với Phật. Nếu trước mỗi hương án đặt một chiếc lược để cho các thiện nam tín nữ trước khi bái Phật, chải chuốt lại đầu tóc, chẳng phải là tốt hơn sao ạ?”. Sư trụ trì nghe có lý bèn mua 10 chiếc lược của anh ta…
* Người thứ ba bán được 1.000 chiếc lược. Cách làm của anh ta như sau: Anh ta đến một ngôi chùa, ở đó người dâng hương cúng lễ nhiều. Trước cửa Phật, anh ta suy nghĩ và nảy ra một ý hay. Anh ta bèn tìm sư trụ trì và bày tỏ ý nghĩ của mình: Hương khách thành kính, bố thí rộng rãi, cầu xin phù trợ. Nếu nhà chùa tặng lại cho họ vật tốt lành của nhà Phật, một là có thể làm vật kỷ niệm, hai là làm ấm lòng họ, ba là có thể mở rộng tầm ảnh hưởng của vãn khách đối với chùa, nhất cử đa tiện, như vậy tốt biết bao! Ngoài tác dụng với đầu tóc, lược còn là vật tốt lành, lý tưởng, nếu in thêm thư pháp, nhất định sẽ được đón nhận.
Hòa thượng trụ trì nghe xong, mừng lắm liền mua luôn 1.000 chiếc lược rồi tự tay ông viết thêm dòng chữ – “lược tích thiện”, “lược Phật quang” lên những chiếc lược. Thí chủ, hương khách khắp nơi biết chuyện đều mong muốn có được chiếc lược của nhà Phật, thế là đèn nhang càng thêm thịnh vượng…
Trụ trì dặn anh ta, tuần sau đem đến cho ông một lô lược nữa…
Câu chuyện “Bán lược cho sư” gợi lên nhiều điều và càng khẳng định thêm chân lý “Không gì là không thể”. Trong cuộc sống, bất kể ở trong lĩnh vực nào, nếu ta có tư duy, hành động sáng tạo thì đều có thể vượt qua mọi trở ngại để đạt được thành công…
Hà Nội, ngày 02/10/2020
Bùi Tâm Văn