GIÁO ÁN ĐIỆN TỬ – CON DAO HAI LƯỠI

Đây là bài viết của GS.VS Nguyễn Cảnh Toàn (ông là một nhà toán học – một nhà giáo – một nhà quản lý giáo dục có tên tuổi ở Việt Nam và thế giới) đăng lần đầu ở Tạp chí Gia đình & Trẻ em, tháng 11 năm 2006. Sau đó được đưa vào sách “Học để đuổi kịp & Vượt” do Nxb. Lao động xuất bản tháng 12-2010.

15 năm đã trôi qua rồi, khi đọc bài này kết hợp với những kinh nghiệm dạy học của mình tôi vẫn thấy đây là bài viết hay, có giá trị tham khảo với mọi người, nên xin phép tác giả, Nxb được post lại bài viết lên trang blog này. Mời các bạn cùng đọc và suy ngẫm nhé:

“Việc sử dụng công nghệ thông tin, thông lưu vào việc dạy học đã bắt đầu bén rễ ở nước ta. Nhiều tin vui từ một số địa phương, một số trường học về giáo án điện tử đã xuất hiện. Tuy nhiên theo phép biện chứng thì trong cái hay có cái dở, nên khi gặp cái hay phải cảnh giác đề phòng cái dở.

Hiện nay đã có nhiều bài báo với tiêu đề “Văn hóa đọc kêu cứu”, chả là thời “điện tử” này có hội chứng “nghe, nhìn, bấm nút” dẫn tới cái bệnh “ngại đọc”.

Trong một cuộc họp, có đại biểu đã thừa nhận rằng công nghệ thông tin, thông lưu đã đưa đến cho chúng ta những thuận lợi cực kỳ to lớn trong việc lưu trữ, tiếp nhận truyền dẫn và xử lí thông tin. Nhưng thông minh lại ở trong bộ óc tự nhiên, chứ lại không phải ở trong máy tính điện tử; máy tính điện tử là sản phẩm của bộ óc tự nhiên, nó làm được việc này, việc nọ một cách nhanh chóng, tài tình cũng là nhờ bộ óc tự nhiên nghĩ ra rồi lập trình giao cho nó thực hiện theo cách “chỉ đâu đánh đó”.

“Trí tuệ nhân tạo” là một cách nói, chứ thật ra nó là trí tuệ tự nhiên; đi vào những lĩnh vực tư duy trừu tượng, chừng nào bộ óc tự nhiên chưa hình thức hóa được (để tiến tới số hóa) các quy luật tư duy, thì chừng đó trí tuệ nhân tạo vẫn còn bất lực trong lĩnh vực tư duy đó. Ví dụ, trí tuệ nhân tạo hiện nay vẫn bất lực trong lĩnh vực tư duy biện chứng.

Bây giờ hãy đi sâu một chút vào lĩnh vực dạy và học. Dạy và học là để tác động vào bộ óc tự nhiên của người học và để làm việc đó nên tận dụng mức tối đa của công nghệ thông tin và thông lưu; hai chữ “tối đa” ở đây được hiểu không phải tràn lan mà phải dừng lại khi nó phát huy tác dụng xấu đến sự phát triển của bộ óc tự nhiên.

Ví dụ các bà bán hàng dùng máy điện tử cầm tay, bấm nhoay nhoáy để tính tiền cho khách thì được, nhưng học sinh tiểu học thì không thể bấm nút như một cái máy mà phải hiểu rõ bốn phép tính cộng, trừ, nhân, chia cùng với các tính chất của chúng như giao hoán, kết hợp, phân phối và vì vậy trong giáo dục trẻ em, nhiều khi phải cấm các em dùng máy tính điện tử…

Ngày nay ta đang vui mừng trước sự “bắt rễ” của giáo án điện tử. Vậy trong lúc khuyến khích và tạo điều kiện cho việc đó, cần phải phòng xa cái gì?

Đã có ý kiến cho rằng nay mai Bộ Giáo dục – Đào tạo chỉ cần chọn ra ở mỗi môn học, trong từng cấp học, một vài thầy rất giỏi để họ soạn những giáo án tốt rồi tung lên mạng, những thầy giáo khác chỉ cần bấm nút, nháy chuột là có ngay một giáo án tốt, bản thân chẳng phải nhọc lòng suy nghĩ gì.

Dạy học là đem toàn bộ nhân cách của mình tác động lên nhân cách học trò, sao cho kích thích được sức tự thân vận động của học trò, tạo nên sự cộng hưởng giữa ngoại lực (của thầy) đến nội lực của trò. Giáo án do người khác soạn chỉ nên coi là để “tham khảo” chứ không thể bê nguyên mẫu mà dạy và học được… Chuẩn bị một giáo án là phải hình dung cụ thể người học là ai, mà học trò, ngay khi cùng học một chương trình, mỗi người có một đặc điểm tâm lý riêng mà người thầy phải biết. Do vậy nên việc dạy học phải phấn đấu “cá biệt hóa” cho sát với từng người học. Mặt khác, giáo viên, muốn ngày càng giỏi thì cũng phải phát huy tính chủ động sáng tạo trong việc lo tự học, trong việc soạn giáo án. Không có hoạt động sáng tạo này và bằng lòng với việc chép giáo án của người khác thì tri thức chỉ cùn đi.

Ở thời đại ngày nay, UNESCO đã đề ra bốn trụ cột giáo dục là: “Học để biết, học để làm; học để khẳng định mình, để chung sống với người khác, nhưng rồi lại phải điều chỉnh “học để biết” thành “học để học cách học” (learning to learn); “học để tự khẳng định mình” thành “học để sáng tạo”, khi khoa học và công nghệ tiến như vũ bão thì “học để biết” sao cho xuể và phải “học cách học” để khi cần đến kiến thức nào thì có cách để có kiến thức đó khi nó chưa có sẵn trong bộ nhớ tự nhiên của người học; đó là tra cứu hoặc nghiên cứu khoa học.

Vậy phải học tra cứu và phải học nghiên cứu khoa học. Nhưng nghiên cứu khoa học không chỉ có mục đích tìm ra cái mới mà để đạt mục đích này trước hết phải có mục đích giáo dục toàn diện. Muốn nghiên cứu, trước hết phải có một nhu cầu chưa được thỏa mãn thúc đẩy người ta tìm cách thỏa mãn. Nhưng nếu ngại khó, ngại khổ thì không dám dấn thân vào việc nghiên cứu, giống như “đói” thì có nhu cầu “ăn” nhưng “muốn ăn thì lăn vào bếp”, nên nhiều người cũng ngại.

Cho nên nhu cầu phải biến thành động cơ, thành xúc cảm mạnh mẽ thì mới xây dựng nhu cầu thành đề tài nghiên cứu để tìm ra giải pháp thỏa mãn nhu cầu. Sau khi đã khẳng định đề tài thì phải tìm các thông tin xuay quay đề tài để biết những gì có thể kế thừa ở những người đi trước, những gì chính mình phải tìm tòi, sáng tạo…

Dạy học ngày nay là phải nâng cao được khả năng sáng tạo của người học nên trước hết người thầy phải cố “tự thân vận động” để sáng tạo thì mới biêt cách rèn luyện óc sáng tạo cho học sinh. Chúng ta muốn đổi mới cách dạy, cách học làm sao phát huy được tư duy độc lập, tư duy phê phán rồi tư duy sáng tạo ở học sinh thì làm sao có thể chấp nhận được việc giáo viên sao chép giáo án của người khác, dù người đó giỏi đến đâu. Dạy học là một khoa học và là một nghệ thuật; giáo viên phải rất năng động thích nghi với những diễn biến trong tâm lý học sinh và trong môi trường dạy học. Ví dụ, thầy nói gì đó mà cả lớp sững sờ không hiểu thì lập tức phải tự phê bình để sửa ngay, chứ không phải ngoan cố theo điều đã chuẩn bị trong giáo án.

Vì vậy, song song với việc khuyến khích “giáo án điện tử” phải có một chủ trương “giải phóng sức sáng tạo” ở cả thầy và trò bằng nhiều biện pháp như kích não (brain-storning), như tập nhìn một sự vật theo nhiều giác độ khác nhau, càng nhiều, càng tốt, như sử dụng học sinh làm cộng tác viên ở những khâu thích hợp cho các đề tài khoa học. Muốn vậy, thì cũng phải luôn luôn học, trau dồi “cách học”, v.v… Muốn trở nên “dạy giỏi” thì trước hết chính bản thân phải luôn học giỏi. Rất nên sử dụng máy tính điện tử nhưng chỉ ở vị trí là người giúp việc hết sức đắc lực, còn cái đích của giáo dục là bộ óc tự nhiên của người học”.

Hà Nội, ngày 30/01/2021

Bùi Tâm Văn

Leave a Reply

Your email address will not be published.